Báo Nhân Dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965-1975) và những kinh nghiệm làm báo
Báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị xã hội với tính chất nghề nghiệp sáng tạo. Từ ngày 11-19.02.1951, Đảng tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ II tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 16.02.1951, Đại hội đã ra nghị quyết xuất bản một tờ báo kế tục báo “Sự Thật” lấy tên là báo “Nhân Dân”. Nghị quyết chỉ rõ: “Để tuyên truyền chủ nghĩa, động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng, Đại hội quyết định Đảng Lao động Việt Nam xuất bản tờ báo lấy tên Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng”. Báo Nhân Dân ra hàng tuần khi nào có điều kiện sẽ ra hàng ngày. Đối tượng chính của báo Nhân Dân là đảng viên ở các chi bộ và quần chúng nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến vì giao thông liên lạc khó khăn, ngoài báo Trung ương sẽ phát hành hai tờ báo Đảng ở Liên khu V và Nam Bộ, lấy tên là “Nhân Dân Liên khu V” và “Nhân Dân Nam Bộ”. Báo Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương phụ trách. Báo ở Liên khu V và Nam Bộ do hai Đảng bộ địa phương phụ trách. Báo Nhân Dân tại địa phương phải theo đúng đường lối chính trị của Nhân Dân Trung ương và đăng xã luận của báo Nhân Dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đi đầu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng là lĩnh vực báo chí, trong đó báo Nhân Dân là một trong những vũ khí chủ yếu và sắc bén nhất, hiệu quả nhất. Trong những năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam là cơ quan phản ánh, tuyên truyền nhanh nhất chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cập nhật tin tức mọi mặt trong nước và quốc tế, giúp cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt được diễn biến hàng ngày tình hình chiến sự, phong trào lao động sản xuất trên cả hai miền Nam, Bắc, sự ủng hộ của bạn bè thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam… Để từ đó có nhận thức và định hướng tư tưởng trong hành động.
Báo Nhân Dân thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, là danh nghĩa hoạt động của cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Tính chất thời sự, chính trị của Đảng luôn được chú trọng và phát triển. Nhiệm vụ là tuyên truyền, cổ động, tổ chức toàn dân đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Báo đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đem lại cho họ nhận thức đúng đắn về tình hình kháng chiến và cách mạng cả nước, góp phần động viên, bồi dưỡng phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương, củng cố phát triển, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân.
Báo Nhân Dân ra hàng ngày, tin tức cập nhật, mang tính thời sự. Báo Nhân Dân là ngọn cờ chính trị tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí Việt Nam, là chiếc cầu nối liên lạc hàng ngày của Đảng, nhà nước với quần chúng nhân dân. Báo Nhân Dân thời kỳ này đã để lại một số kinh nghiệm lịch sử:
Thứ nhất, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền, cổ động một cách đúng đắn, trung thực những nhiệm vụ chính trị cụ thể do Đảng đề ra.
Báo Nhân Dân luôn được Trung ương Đảng quan tâm, dìu dắt. Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nghị quyết, chỉ thị nhiệm vụ chính trị cũng như phương châm công tác của báo Nhân Dân. Biết bao lời nhắc nhở ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn... thấm sâu vào tâm trí những cán bộ biên tập và phóng viên báo Nhân Dân, là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người trên cương vị công tác và trận địa chiến đấu. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho báo tấm gương sáng ngời về cuộc đời của Người có nhiều duyên nợ với báo chí. Bằng những lời nhận xét, phê bình thường xuyên đối với những xã luận, bình luận, phóng sự, những mẩu tin, những bức ảnh trên báo và bằng hơn 1.200 bài báo thuộc nhiều thể loại, mang nhiều bút danh của Người viết cho báo từ giữa tháng 3.1951 đến tháng 7.1969, nói lên tấm lòng và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với báo Nhân Dân.
Nhà báo Ngô Thi (báo Nhân Dân) đã kể lại: “... Một hạnh phúc lớn lao đã đến với tập thể báo Nhân Dân: sáng ngày 18.7.1957, Bác Hồ chính thức thăm báo... Bác gặp mặt toàn thể cán bộ nhân viên tòa soạn. Mọi người đứng quanh, ai cũng muốn được gần Bác. Bác khuyên mọi người đoàn kết, cố gắng học tập và công tác, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác nói đại ý: Công việc cách mạng, ở vị trí nào cũng quan trọng. Việc nhỏ, việc lớn, đều cần phải làm tốt. Bác giơ chiếc đồng hồ quả quýt và giảng giải thêm: “Đồng hồ chạy được là nhờ các chi tiết hợp thành. Nếu thiếu một đinh ốc, đồng hồ không còn chạy được”... Ngay trong các chi tiết bài báo, đầu đề, văn phong, bác cũng thường xuyên góp ý với Bộ Biên tập của báo. Nhà báo Hồ Dưỡng (báo Nhân Dân) kể lại: “Lúc mới về thủ đô (1954), cơ quan báo còn đóng ở Đồn Thủy. Một buổi tối, Bác Hồ đi dạo, đến chỗ chúng tôi. Bác nói chuyện vui về cái hay và cái buồn cười còn thấy ở Hà Nội, rồi Bác nói về viết báo, đại ý: “Có phải các chú ăn cơm, có tí ớt mới thấy mặn mà không? Mỗi bài báo cũng vậy, phải có ớt, tránh khô khan, nhạt nhẽo”...(1). Báo Nhân Dân được sự chỉ bảo, nhắc nhở thường xuyên của Bác, đã có những đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và nói riêng trong việc dùng tiếng ta thay những từ Hán Việt. Những tiếng Việt mà báo Nhân Dân dùng lần đầu trong bài viết, bài nói đều được coi trọng và đưa vào các bài, tin khác ngay trong số báo đăng bài của Bác hoặc từ số báo ra hôm sau. Nhà báo Việt Phương (báo Nhân Dân) và nhiều đồng chí làm báo nổi tiếng đã kể về những lần Bác duyệt bài, chữa bài cho báo. Chữa bài, Bác thường nói: “Để Bác giúp các chú chặt câu dài thành câu ngắn”. Bác bảo: “Viết câu dài vì ưa giảng giải, biện hộ, tham lam muốn khai thác hết mọi khía cạnh”. Bác ví: “Các chú cứ ham trói voi bỏ rọ. Chính vì quá nhiều chi tiết, nhiều ý cho nên cái chính dễ bị lẫn trong cái phụ. Viết câu ngắn, văn sẽ mạnh hơn”. Bác kỵ nhất những gì dễ đưa đến văn hoa, sáo rỗng. Người cho rằng, khi chữa nên bỏ bớt các tính từ, nhất là những tính từ thậm xưng. Bác thường bảo: “Bỏ những chữ to, đẹp này đi. Hãy dùng những “chữ nhỏ” để cho cái lớn của người và sự việc tự nó hiện lên”. Vì vậy, văn của Người thật cụ thể sau khi đã trừu tượng, thật ngắn gọn, giản dị sau khi đã phức tạp. Bác dặn, khi viết phải chọn những cách diễn đạt chuẩn xác, không đại khái. Sao cho người đọc chỉ hiểu theo một nghĩa duy nhất. Diễn đạt ý và tình đúng mức nhất, “không cao hơn cũng không thấp hơn”. Có hình ảnh thì càng hay. Đọc một câu nhàn nhạt, đều đều, Bác thường nói: “Thế này cũng được, nhưng có cách nào tốt hơn không?”. Và sau khi Người sửa chữa một vài chỗ tưởng chừng đơn giản thì câu văn sáng rõ hẳn lên(2). Các bài Bác viết cho báo Nhân Dân được anh, chị, em tòa soạn vui mừng đón nhận và qua đó nhận ra những bài học, những kinh nghiệm quý báu về nghề báo. Bài Bác viết đi thẳng vào vấn đề. Văn của Người có nét đặc trưng riêng, đa dạng, phong phú, dí dỏm, sâu sắc, ngắn gọn mà không khô khan; khúc chiết, rõ ràng mà không mắc bệnh hô khẩu hiệu. Người thường dùng lối so sánh, ví von hoặc ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Có khi là một vần thơ lục bát hoặc lẩy Kiều, một từ tượng thanh, tượng hình, hay lối chơi chữ được Người dùng hợp lý, gây bất ngờ. Trong một số bài viết cho báo Nhân Dân, Bác đặt đầu đề thật sắc sảo. Về việc Mỹ xâm lược mà vẫn khoe “văn minh, tốt đẹp”, Bác viết một loạt bài: “Mỹ mà không đẹp”, “Mỹ mà phong không thuần, tục không mỹ”, “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”, “Taylo rồi chân cũng lo”, “Tướng Vét mỡ lợn”, “Bỗng dưng mua não, rước sầu làm chi”, “Phong trần ai cũng ghét ai”... Lối chơi chữ của Người cũng rất gây ấn tượng. Thời kỳ chúng ta hô hào tiết kiệm để xuất khẩu, nhiều người đưa ra khẩu hiệu “ăn lạc rang như ăn gang thép”, Người viết nhẹ nhàng hơn “Làm thế nào để cho Lạc thêm vui”(3).
Trong quá trình hoạt động, những người làm báo Nhân Dân mãi nghe theo những lời dạy bảo của Bác, phấn đấu trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa của Đảng, được nhân dân yêu quý và tin cậy.
Báo Nhân Dân được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo Nhân Dân luôn nắm vững đường lối chính trị, tuân thủ sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng. Nhiệm vụ của báo Nhân Dân là truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, cổ vũ, động viên mọi người hành động tự giác, có tổ chức theo đường lối của Đảng.
Báo Nhân Dân đã tuyên truyền những chủ trương của Đảng, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, báo Nhân Dân là cơ quan trung ương của Đảng đều luôn cố gắng thể hiện sinh động và sáng tạo, nói đúng tiếng nói của Trung ương Đảng với toàn Đảng, toàn dân, với dư luận thế giới. Báo Nhân Dân đã tuyên truyền những nghị quyết của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Báo Nhân Dân về cơ bản đã nói trung thực tiếng nói của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam, là diễn đàn của nhân dân.
Thứ hai, xây dựng tập thể làm báo vững mạnh; thường xuyên đi sâu vào thực tiễn cách mạng của toàn Đảng, toàn dân để khai thác đề tài, phản ánh sự thật khách quan và kiểm tra công tác tuyên truyền của báo.
Những người làm báo Đảng là một tập thể cách mạng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân. Nòng cốt của tập thể ấy là các cán bộ, phóng viên tích cực chiến đấu nhiều năm trong hàng ngũ báo chí và đã có nhiều đóng góp thiết thực cho báo. Tuy vậy, trình độ chính trị, trình độ nghiệp vụ vẫn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Những người làm báo Đảng không những phải có nhiệt tình và dũng khí cách mạng, lập trường, quan điểm và đạo đức, phẩm chất cách mạng mà còn phải có kinh nghiệm hoạt động cách mạng và vốn sống trong thực tiễn cách mạng, có kiến thức khoa học và năng khiếu, sở trường về kỹ thuật, nghiệp vụ. Việc sắp xếp và sử dụng, việc bồi dưỡng và đào tạo, giáo dục và rèn luyện đội ngũ trong quá trình công tác của tập thể báo ngày càng tiến bộ. Trên con đường phát triển và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác, mỗi người làm báo Nhân Dân cần thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao dần trình độ hiểu biết, năng suất lao động, hiệu quả công tác chung. Tất cả cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Nhân Dân đã chung lòng, chung sức xây dựng, phát triển tờ báo, không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, văn phong và hình thức tờ báo, làm cho chất lượng báo Nhân Dân ngày càng được nâng cao. Trong số các nhà báo lão thành của báo Nhân Dân phải kể đến những nhà báo có đóng góp lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam như: nhà báo Hoàng Tùng, Thép Mới… Trong cuộc đời làm báo của mình, Hoàng Tùng đã viết hàng nghìn bài báo, trở thành một cây bút chính luận sắc sảo của làng báo cách mạng Việt Nam.
Nhìn chung, cán bộ, phóng viên báo Nhân Dân phải làm cho báo nhạy bén hơn và thể hiện sâu sắc hơn định hướng chính trị của Đảng, nâng cao tính chiến đấu và sức thuyết phục của tờ báo. Làm cho tờ báo gắn chặt hơn với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có sức giải thích và giải đáp những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống, viết và trình bày sinh động, in đẹp và có sức hấp dẫn hơn đối với bạn đọc. Cùng với nâng cao chất lượng biên tập, in và truyền báo, mở rộng hệ thống phát hành để góp phần mở rộng ảnh hưởng chính trị của Đảng trong nhân dân và trên trường quốc tế...
Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng có trách nhiệm vẻ vang và nặng nề là vừa đưa đường lối, chính sách của Đảng vào quần chúng nhân dân, vừa phản ánh đời sống thực tế của nhân dân lên Trung ương Đảng, thể hiện đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa đường lối của Đảng với thực tiễn của đời sống nhân dân. Cố gắng làm tròn trách nhiệm đó là một truyền thống tốt đẹp của báo Nhân Dân. Nhiều phóng viên thường gắn bó với các nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp, các đơn vị chiến đấu, nhà trường, bệnh viện, tìm hiểu tình hình hoạt động, tâm tư nguyện vọng, những niềm phấn khởi cũng như những điều thắc mắc, những nguyện vọng của công nhân, nông dân, chiến sĩ quân đội, trí thức... Qua các cấp ủy Đảng và cộng tác viên của mình trong các ngành, các giới và các địa phương, qua những phóng viên thường trú cũng như qua thư từ bạn đọc gửi đến báo hàng ngày, báo đã phản ánh đa dạng phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.
Vận dụng phương pháp khoa học và biện chứng, báo Nhân Dân đã cố gắng phân tích đúng đắn bản chất sự thật, khai thác tài liệu vô tận của cuộc sống để chứng minh một cách sâu sắc và sinh động đường lối, chính sách của Đảng, để giới thiệu rộng rãi những kinh nghiệm chấp hành đường lối, chính sách một cách thắng lợi, để nêu ra và góp phần giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị từng lúc, từng nơi. Làm như thế, báo Nhân Dân đã góp phần tích cực vào việc kiểm tra, bổ sung và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng càng ngày càng chính xác, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam đang không ngừng phát triển cũng như vào việc phát động và đẩy mạnh những phong trào quần chúng rộng lớn và sôi nổi.
Thứ ba, thể hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của quan điểm báo chí mácxit, rèn luyện tính Đảng, tính nhân dân và tính chỉ đạo của báo Đảng; Đảng chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền của báo.
Báo Nhân Dân là một trong những công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Trong 10 năm từ năm 1965 đến năm 1975, báo luôn giữ vững định hướng chính trị, thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng. Một trong những nhiệm vụ cơ bản mà Trung ương Đảng đề ra cho báo Nhân Dân là tuyên truyền, phổ biến những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt với đường lối chính trị, thực tiễn cách mạng Việt Nam, dựa trên cơ sở đó mà nâng cao giác ngộ cách mạng cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng đã đề ra cho báo là góp phần đắc lực vào việc xây dựng con người mới có đạo đức và phẩm chất, có tri thức và tình cảm cách mạng. Trong tỉ lệ tuyên truyền trên mặt báo những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dòng chủ lưu là tố cáo âm mưu, thủ đoạn xâm lược, tội ác của Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn, phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân hai miền Nam, Bắc chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng hậu phương miền Bắc phục vụ cho tiền tuyến lớn miền Nam, phản ánh vấn đề vận động quốc tế và đấu tranh ngoại giao, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, có khi chỉ là những tia lửa nhỏ để nhân lên thành ngọn lửa lớn, mở rộng phong trào, cổ động tập thể góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp...
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo Nhân Dân đã cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giữ vững ý chí chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Sự cổ vũ, đấu tranh đó trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào thi đua cũng như đối với cuộc đấu tranh khắc phục những cái xấu xa, lạc hậu trong xã hội nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Sự cổ vũ, đấu tranh đó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát động những cuộc vận động cách mạng, những phong trào quần chúng rộng lớn trong công nhân, nông dân và giới trí thức, trong thanh thiếu niên và phụ nữ... Từ năm 1965 đến năm 1975, báo rất coi trọng ý nghĩa của công tác tư tưởng và nhận thức nghiêm chỉnh trách nhiệm của báo về nhiệm vụ này. Báo coi việc nâng cao tính tư tưởng là một nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu của mọi hoạt động của mình. Tất cả các thể loại mà báo sử dụng từ những thể loại cơ bản về chức năng tuyên truyền và cổ động đến những thể loại về chức năng tổ chức và chỉ đạo, đều phải biểu hiện rõ ràng tinh thần đó. Tất cả các đề cương, kế hoạch tuyên truyền quan trọng về kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cứu nước, về xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa, về xây dựng Đảng và Nhà nước, về thông tin thời sự quốc tế... đều phải thể hiện rõ phương hướng và phương châm công tác tư tưởng. Trong mười năm (1965-1975), báo Nhân Dân đã có chủ trương đúng, tuyên truyền trúng, có nền nếp tốt và đạt tiến bộ rõ rệt.
Năm 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, Việt Nam và chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Cách mạng Việt Nam đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bất lợi về tương quan lực lượng. Trước tình hình như vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã nảy sinh tâm lý hoang mang, dao động, sợ Mỹ, không dám đánh Mỹ và không tin thắng Mỹ. Đảng đã có đủ bản lĩnh chính trị và trí tuệ để có thể đưa ra được những luận cứ khoa học về một đường lối chống Mỹ có khả năng thuyết phục được toàn Đảng, toàn dân tin tưởng và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Báo Nhân Dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng được thể hiện ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và 12 năm 1965, giữ vững và củng cố ý chí quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng, phân tích, dự báo tình hình đất nước và diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, Đảng đã xác định rõ phương hướng công tác tuyên truyền, trong đó có báo Nhân Dân là tập trung cao độ vào nhiệm vụ tuyên truyền cho nhiệm vụ thiêng liêng nhất của dân tộc lúc này là chống Mỹ, cứu nước, là xây dựng niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Báo đã góp phần khơi dậy tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Nhờ có quyết tâm cao độ, Đảng và nhân dân Việt Nam mới vững vàng bước vào cuộc kháng chiến, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1966 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc cổ vũ tinh thần của nhân dân, nó đã theo bước chân của mỗi người dân Việt Nam trong lao động và chiến đấu với tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Trước những diễn biến phức tạp của cuộc kháng chiến, Đảng luôn có những nhận định, đánh giá tình hình chiến lược mới một cách bình tĩnh và sáng suốt, tạo nên sự tin tưởng vững vàng, sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả nước một lòng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là điểm tựa vững chắc cho công tác tuyên truyền của báo Nhân Dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ tư, nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, kỹ thuật, chất lượng, nội dung, văn phong và hình thức tờ báo; tính chiến đấu của báo, xung kích trên mặt trận tư tưởng và ngôn luận hàng ngày.
Là tờ báo chính trị của toàn Đảng, toàn dân, mọi kế hoạch tuyên truyền và kế hoạch công tác, nhất là của các bộ phận trực tiếp tham gia công việc xây dựng các số báo đều phải nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng chính trị của tờ báo nhằm cổ vũ toàn dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đi đôi với kiến thức về nghiệp vụ và kỹ thuật, kiến thức về văn hóa cũng có một ý nghĩa rất quan trọng. Có trình độ văn hóa ngày càng cao là một điều cần thiết, không những để nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ thuật làm báo mà còn để nâng cao năng lực nghiên cứu và diễn đạt ý kiến về mọi vấn đề.
Trong mười năm (1965-1975), báo Nhân Dân đã có những đợt tuyên truyền quan trọng phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những chủ đề khác nhau được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và đông đảo bạn đọc hoan nghênh như phong trào “ba đảm đang” của phụ nữ; phong trào “ba sẵn sàng” của thanh niên... Có những bài xã luận, luận văn tuyên truyền, bình luận, phóng sự điều tra, ghi nhanh, thơ châm biếm và những tin, ảnh được nhiều người khen ngợi. Việc trình bày báo phản ánh đúng định hướng chính trị của tờ báo Đảng đã thành nền nếp tốt. Báo đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu về một số thể loại, về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong văn phong báo chí, về cách trình bày báo, về nền nếp phối hợp các bộ phận để tiến hành những đợt tuyên truyền tập trung, về bảo đảm tính cân đối giữa các lĩnh vực thông tin...
Là cơ quan trung ương của Đảng, báo đứng ở vị trí hàng đầu trên mặt trận tư tưởng và ngôn luận hàng ngày. Báo phải bảo vệ đường lối, quan điểm lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam về các vấn đề đối nội, đối ngoại, bác bỏ những quan điểm sai trái biểu hiện bằng những bài chính luận đưa ra đúng lúc, lập luận vững vàng, nêu trúng điểm mấu chốt của vấn đề. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo Nhân Dân đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân Việt Nam, nêu lên ý chí tiến công kẻ thù, không sợ hy sinh, gian khổ để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong mười năm (1965-1975), báo đã có nhiều cố gắng và có những tiến bộ nhất định và đang thể hiện vai trò của tờ báo chính trị - xã hội theo hướng đó.
Tính chiến đấu và tinh thần cách mạng tiến công của báo còn biểu hiện rõ ràng, mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh xây dựng hậu phương miền Bắc, phục vụ cho tiền tuyến lớn miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Báo đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội. Ngoài ra, báo còn tích cực chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí... có trọng tâm, trọng điểm, chính xác và đúng pháp luật. Đi sâu vào cuộc sống, vào thực tiễn hành động cách mạng của quần chúng trên những mũi nhọn đấu tranh và ý thức tư tưởng của từng đối tượng cụ thể. Báo góp phần tăng cường khí thế tiến công cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc.
Như vậy, báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Đảng và nhân dân Việt Nam, một phương tiện hữu hiệu để Đảng lãnh đạo, tổ chức cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân trong đó có sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1965 đến năm 1975. Nghiên cứu những vấn đề được phản ánh trên báo Nhân Dân giai đoạn 1965-1975 không chỉ góp phần làm sáng tỏ hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn có thể rút ra được những kinh nghiệm, những thành công cần vận dụng, phát huy vào hiện tại. Báo Nhân Dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã làm tròn chức năng của một cơ quan ngôn luận của Đảng. Báo đã đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng của Đảng./.
____________________________________
(1), (2), (3) Hồi ký (1996), Nhớ một thời làm báo Nhân Dân, Nxb. CTQG, tr.28, 31, 33.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 3.2021
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Luận bàn về tính chất và vai trò của xuất bản sách chính trị
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 3 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 4 Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- 5 Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- 6 Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận