Đào tạo báo chí - truyền thông theo xu hướng tích hợp đa nền tảng, đa phương tiện
1. Báo chí - truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện là xu hướng tất yếu trong môi trường truyền thông số hiện nay
Báo chí đa nền tảng (Multi platform journalism) là xu hướng báo chí truyền thông mà người đọc có thể tiếp nhận thông tin trên nhiều nền tảng khác nhau: báo giấy, radio, truyền hình, báo mạng điện tử, máy tính, các thiết bị di động cầm tay (smartphone, iPad, Notebook…), các ứng dụng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Twiter...).
Truyền thông đa phương tiện (Multimedia communications) là hình thức ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, thiết kế những sản phẩm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Cụ thể, truyền thông đa phương tiện ứng dụng những kỹ thuật xử lý âm thanh, hình ảnh, video, audio; các kỹ năng đồ họa, thiết kế… để tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú, thu hút được sự chú ý của công chúng. Truyền thông đa phương tiện có thể đáp ứng tốt và toàn diện yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí trong xã hội hiện đại.
Xu hướng báo chí - truyền thông tích hợp đa nền tảng, đa phương tiện phù hợp với nhu cầu của công chúng hiện nay. Tính đến tháng 1.2021, số người sử dụng Internet trên toàn thế giới đạt 4,66 tỷ người, tăng 316 triệu người (7,3%) so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng Internet toàn cầu là 59,5%. Tuy nhiên, sự bùng phát Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng người dùng Internet. Vì vậy, con số thực tế có thể cao hơn. Hiện tại, có 4,2 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới. Con số này tăng 490 triệu trong 12 tháng qua, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người sử dụng mạng xã hội hiện chiếm hơn 53% dân số toàn cầu(1). Gần đây, WeAreSocial và Hootsuite đã phối hợp công bố báo cáo thường niên “Digital 2021” dựa trên việc khảo sát hạ tầng mạng viễn thông và thói quen sử dụng Internet của một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong vòng một năm qua, Internet tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ phát triển cao hơn mức trung bình chung của khu vực và đang từng bước đặt chân vào top các quốc gia hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 12.2020, dân số Việt Nam đạt 97,3 triệu người, trong đó có có gần 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương khoảng 70,3% dân số(2).
Theo báo cáo về Kinh tế số Đông Nam Á 2020, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 46% và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á là 41%(3).
Ở Việt Nam, báo chí - truyền thông tích hợp đa nền tảng, đa phương tiện nhiều năm nay đã được xem là xu hướng phát triển của nhiều cơ quan báo chí - truyền thông. Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Trên thực tế, các tòa soạn báo in (báo, tạp chí) truyền thống phần lớn bây giờ đều xuất bản báo in và báo mạng điện tử, do đó việc đào tạo đội ngũ phóng viên đa năng, chuyên nghiệp của báo chí đa phương tiện đáp ứng tình hình mới, nhiệm vụ mới, cơ cấu tổ chức mới là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Về khoa học - công nghệ, Chính phủ cũng chủ trương phát triển, đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực gắn với yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến và có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ truyền thông hiện đại. Các cơ quan báo chí trong tình hình mới cũng quan tâm và đầu tư mạnh về công nghệ. Với những điều kiện thuận lợi, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, những ứng dụng luôn được cải tiến và cập nhật thường xuyên sẽ giúp cho các nhà báo, nhà truyền thông tổ chức sản xuất các tác phẩm báo chí - truyền thông trên nhiều nền tảng một cách sáng tạo, hấp dẫn hơn.
2. Ứng dụng đào tạo báo chí - truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện hiện nay
Để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong thời đại thông tin, trên thế giới, nhiều cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực theo xu hướng đa nền tảng, đa phương tiện. Chương trình giảng dạy báo chí đa nền tảng của Đại học Duquesne (Mỹ) chuẩn bị cho sinh viên làm báo đa phương tiện trên nhiều nền tảng khác nhau từ nền tảng truyền thống đến hiện đại. Sinh viên được đào tạo đa năng. Một phóng viên đưa tin tức trực tuyến có thể, trong một ngày, quay video, tạo ra một câu chuyện bằng âm thanh, chữ viết và kể lại câu chuyện cho một trang web và các trang truyền thông xã hội như Facebook và Twitter. Báo chí đa nền tảng trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng để sản xuất nội dung cho bất kỳ nền tảng nào và cho phép họ nắm bắt cơ hội khi các nền tảng mới xuất hiện. Trong chương trình này, sinh viên cũng được học cách phỏng vấn, nghiên cứu, báo cáo, viết…
Ngoài một số kỹ năng cơ bản, sinh viên có thể sản xuất các câu chuyện đa nền tảng cho tin tức, thể thao, giải trí và các thể loại thích hợp khác nhau hoặc tìm hiểu và thực hành các kỹ thuật kể chuyện, video, âm thanh và đồ họa có thể áp dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm in, phát sóng, web, phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng di động và dựa trên web mới... Chương trình đào tạo báo chí đa nền tảng gồm khoảng 36 tín chỉ, đặc biệt có các môn chuyên ngành như: kiến thức truyền thông; sản xuất phương tiện mới, tin tức đa nền tảng I, tin tức đa nền tảng II, Audio và video, thu thập tin tức và sản xuất tại hiện trường, biên tập đa nền tảng,… và các môn học tự chọn khác(4).
Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Florida Tech (Mỹ) trong ngành báo chí đa nền tảng gia nhập lực lượng lao động với các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị nội dung thông tin cho nhiều phương tiện truyền thông hiện nay. Kết hợp công nghệ báo chí và truyền thông, sinh viên sẽ được biết cách tích hợp văn bản, hình ảnh và video để tạo nội dung hấp dẫn có thể xuất bản trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào.
Florida Tech sử dụng một chương trình giảng dạy tích hợp và kinh nghiệm thực hành để xây dựng chuyên môn nâng cao. Học cử nhân báo chí - truyền thông đa nền tảng, sinh viên có thể tiếp cận nhiều cơ hội thực tập sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông trên các nền tảng: Florida Tech Crimson, tờ báo do sinh viên của trường đại học xuất bản hàng tuần và phân phát cho hơn 5.000 độc giả; FTCR, đài phát thanh do sinh viên điều hành (Florida Tech College Radio); WFIT, đài phát thanh trong khuôn viên trường PBS; FITV Video Productions, một cơ hội cho sinh viên tham gia vào việc sản xuất chương trình chất lượng cho đài truyền hình trong khuôn viên trường…
Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí - truyền thông đa nền tảng của Florida Tech sẽ có cơ hội tìm được việc làm rộng mở: nhà sản xuất phát thanh, giám đốc đồ họa kỹ thuật số, điều phối viên truyền thông xã hội, biên tập video, chuyên gia truyền thông tiếp thị, nhà phát triển nội dung web, phóng viên, phát triển nội dung truyền thông xã hội, viết hoặc chỉnh sửa cho báo và tạp chí, viết blog, quan hệ công chúng, thiết kế kỹ thuật số(5).
Ở Việt Nam, tại một số cơ sở đào tạo cũng nhanh chóng đổi mới chương trình phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của người học về ngành báo chí - truyền thông .
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trước đây trong các chương trình thiết kế đào tạo chuyên sâu riêng từng chuyên ngành báo chí. Mấy năm gần đây, trong chương trình đã tích hợp dạy cho sinh viên kỹ năng sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông trên các nền tảng. Các chương trình cử nhân cho các chuyên ngành báo chí - truyền thông như: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện được thiết kế tích hợp nhiều môn học từ các chuyên ngành khác nhau. Cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện có khả năng sáng tạo và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng. Các nhóm kỹ năng sáng tạo được chú trọng như: ý tưởng và xây dựng kịch bản, kỹ năng viết cho truyền thông đa phương tiện, dẫn chương trình, chụp ảnh, quay phim, dựng phim, thiết kế các loại hình sản phẩm truyền thông đa phương tiện như: audio, video, hoạt hình 3D, phim ngắn, TVC quảng cáo, trò chơi, chương trình thực tế, xuất bản điện tử, phim tài liệu, ứng dụng sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên thiết bị di động (Mobile Media), thiết kế siêu phẩm số (mega-story)...; kỹ năng tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia thực hành nghiệp vụ tại phòng học đa năng, studio ảnh, studio phát thanh, studio truyền hình. Bên cạnh đó có sự tham gia đào tạo, hỗ trợ của các cơ sở kỹ thuật công nghệ truyền thông, các cơ quan báo chí, các tập đoàn truyền thông, các doanh nghiệp truyền thông. Sinh viên được tham gia các dự án truyền thông đa phương tiện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên được thực hành môn học trực tiếp tại các sản phẩm báo chí truyền thông của trường như: trang thông tin Songtre.vn, Truyenthongtre.vn, đặc san Báo chí Trẻ,…
Trường Đại học FPT, sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện được học thiết kế chiến lược truyền thông, cách thức thu hút đối tượng mục tiêu vào câu chuyện được lan tỏa, truyền thông trên các nền tảng, bao gồm trải nghiệm web tương tác, cộng đồng, thiết bị di động, chủ đề, thực tế ảo tăng cường… Sinh viên được học quy trình sáng tạo và kỹ thuật trong các sản phẩm video, âm thanh, radio, phát triển sản phẩm truyền thông trên nền tảng web và đa phương tiện. Sinh viên được học tập với cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ chức năng, thiết bị tác nghiệp: studio chụp hình, studio quay phim, studio livestream, studio phat thanh(6).
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, học truyền thông đa phương tiện trong giai đoạn chuyên ngành sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về báo chí, quan hệ công chúng, quản lý và tư vấn dự án truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng, các ứng dụng đa phương tiện .
Với sự đổi mới trong đào tạo, sinh viên ngành báo chí - truyền thông khi ra trường sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn. Họ có thể đảm nhiệm các vị trí công việc trong ngành báo chí - truyền thông như: phóng viên, biên tập viên và các công việc chuyên môn khác trong các toà soạn báo, tạp chí, các hãng tin, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, wsbsite; chuyên viên sáng tạo nội dung truyền thông (copywriter, viết kịch bản truyền thông, chụp ảnh, quay phim, dựng phim, thiết kế các loại hình sản phẩm truyền thông đại chúng như: gói nhận diện thương hiệu, các sản phẩm truyền thông nội bộ và quảng bá, video, quảng bá phim và sản phẩm hàng hoá, văn hoá, nghệ thuật, thời trang…); chuyên viên phát triển và ứng dụng sản phẩm truyền thông đại chúng (nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các kênh truyền thông đại chúng, tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh và phát triển các dự án bản quyền format sản phẩm truyền thông đại chúng, kinh doanh marketing, quản lý hình ảnh; quản trị thương hiệu, quản trị danh tiếng, quản trị khủng hoảng cho cơ quan, tổ chức và cá nhân; phụ trách dự án hợp tác, liên kết truyền thông…).
Truyền thông đa phương tiện là ngành tích hợp kiến thức kỹ năng truyền thông và công nghệ thông tin và đang trở thành một ngành “hót” trong xã hội hiện đại, được nhiều người quan tâm. Ở nước ta, ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…, khá nhiều trường đại học khác cũng đào tạo ngành này phục vụ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện:
Thứ nhất, về chương trình học, nhiều trường vẫn còn nặng về các môn học đại cương, cơ sở chung chung, chưa thực sự có nhiều môn học rèn luyện kỹ năng chuyên sâu thể hiện đặc trưng cũng như thế mạnh của trường về chuyên ngành. Một số chương trình thiếu sự cân đối, hợp lý giữa việc đào tạo nội dung và đào tạo kỹ thuật, công nghệ dẫn tới việc giỏi về công nghệ nhưng thiếu kỹ năng sáng tạo nội dung hoặc ngược lại.
Thứ hai, về đội ngũ giảng viên, có thể nói một số trường thiếu giảng viên trầm trọng, đặc biệt là thiếu giảng viên có chuyên môn tốt, có kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn để có thể hướng dẫn sinh viên thành thạo nghề đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách mời các nhà báo, nhà truyền thông, các chuyên gia vào trường giảng dạy. Tuy nhiên điều đó cũng có thể ảnh hưởng tới tính chủ động, chuyên nghiệp trong đào tạo.
Thứ ba, cơ sở vật chất của một số trường chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhiều cơ sở chưa có phương tiện kỹ thuật hiện đại như: phòng học đa năng, studio ảnh, studio phát thanh, studio truyền hình… Do đó sinh viên gặp khó khăn trong quá trình thực hành sáng tạo các sản phẩm báo chí, truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.
Thứ tư, nhiều cơ sở đào tạo đã có kết nối, hợp tác với các đơn vị báo chí - truyền thông giúp sinh viên có cơ hội thực hành, thực tế và rèn nghề ngay từ khi còn trên giảng đường. Tuy nhiên, sự hợp tác đó cần toàn diện, chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa.
Việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng để làm việc và thích ứng tốt trong môi trường hiện đại là điều các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đang nỗ lực hướng tới. Làm được điều đó bên cạnh sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan báo chí - truyền thông, các nhà báo, các nhà truyền thông… rất cần sự chủ động, đầu tư và tích cực đổi mới của chính bản thân các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông./.
______________________________________________________
(1) https://vov.vn/cong-nghe/tin-moi/luong-nguoi-dung-internet-tren-toan-the-gioi-dat-466-ti-833775.vov
(2) https://specials.laodong.vn/chuyen-doi-so-tai-viet-nam -va-nhung-thong-ke-an-tuong-2021/
(3) https://congnghe.tuoitre.vn/ti-le-nguoi-dung-internet-moi-cua-viet-nam-cao-nhat-dong-nam-a-2020111011 4839717.htm
(4)https://duq.edu/academics/schools/liberal-arts/academics/departments/media-department/undergraduate-programs/multiplatform-journalism
(5) https://www.fit.edu/programs/multiplatform-journalism-bs/
(6) https://hcmuni.fpt.edu.vn/nganh-dao-tao/nganh-truyen -thong-da-phuong-tien
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 10/2021
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận