Tác động của hoạt động văn hóa đến lối sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta
Trước hết, hoạt động văn hoá góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong việc xây dựng, bảo vệ môi trường sống trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, góp phần nâng cao mức sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong số 53 dân tộc thiểu số, ngoài 4 dân tộc: Hoa, Khmer, Chăm, Chơ Ro cư trú và sinh sống ở vùng đồng bằng, còn lại các dân tộc đều cư trú chủ yếu ở miền núi, cao nguyên, khu vực biên giới - nơi mưa nhiều, đất đai có độ dốc lớn, xói mòn rất mạnh, được xếp vào hệ sinh thái không bền vững. Nương rẫy là hình thức canh tác chiếm vị trí quan trọng trong đời sống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc cư trú ở vùng cao. Trong hệ thống tri thức dân gian ứng xử với môi trường tự nhiên, đồng bào các dân tộc thiểu số có những kinh nghiệm quý rất đáng trân trọng. Ý thức được điều đó, những chủ trương chính sách nhằm bảo tồn, phát huy có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc được ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã từng bước khôi phục lại môi trường văn hoá vùng đồng bào dân tộc. Những lễ nghi truyền thống gắn với môi trường thiên nhiên, như: lễ cúng bến nước của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, Lễ cúng Rừng của các dân tộc Bố Y, Pu Péo ở vùng miền núi phía Bắc,... đã và đang được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước.
Các hoạt động văn hoá góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, định hướng các giá trị văn hoá mới lành mạnh, phù hợp với trình độ phát triển của người dân, góp phần nâng cao chất lượng sống vùng đồng bào các dân tộc. Các hoạt động văn hóa diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tộc người trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong cộng đồng các buôn/làng.
Ngành văn hoá đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau như: định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Mường, Chăm, Khmer, Hoa; giao lưu văn hóa chuyên đề: Liên hoan hát Then đàn Tính; Giao lưu văn hóa, nghệ thuật vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia,... Các hoạt động giao lưu văn hóa trên vừa phong phú về nội dung, vừa đa dạng về hình thức, phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn, từng vùng, đặc biệt được đồng bào hoan nghênh và tích cực tham gia. Việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc gắn với hoạt động thông tin tuyên truyền lồng ghép trong các chợ phiên ở vùng cao, miền núi trong các lễ hội truyền thống, tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… đã góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi với nhau từ tiếng nói, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ… Sự hiểu biết này chính là cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc và góp phần xây dựng bản làng, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh.
Các hoạt động văn hoá góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của cộng đồng, người dân trong việc xây dựng xã hội lành mạnh trên cơ sở tôn trọng phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Thực tiễn hoạt động văn hoá ở cơ sở trong những năm qua đã và đang từng bước phát huy những mặt tích cực của các “thiết chế xã hội truyền thống” như hương ước, luật tục trong việc tham gia quản lý xã hội ở vùng nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Ví dụ trên địa bàn huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) đã xây dựng được các hương ước, quy ước thực hiện ở 155 thôn, bản, tổ dân phố. Các hương ước, quy ước đều gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, có nội dung thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; đặc biệt, nhiều thôn, bản ở các xã vùng cao đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ và phát triển rừng, chống các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Các hoạt động văn hoá góp phần khẳng định vai trò chủ thể văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trong bảo tồn, phát triển văn hoá, đề cao lẽ sống tốt đẹp, tinh thần yêu thương giữa con người với con người, tôn trọng giá trị văn hoá bản sắc của cộng đồng. Lối sống cộng cư trong các làng (bản, buôn, pley) là đặc điểm nổi bật trong xã hội cổ truyền của các dân tộc thiểu số nước ta. Ở đó, cộng đồng cư dân có chung sở hữu về đất đai thổ cư, thổ canh, rừng, bãi chăn thả, sông suối. Trong mỗi buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số các hoạt động kinh tế - xã hội vận hành xung quanh các mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, giữa con người với cộng đồng và giữa con người với con người. Lối ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên cũng như ứng xử văn hóa với con người ấy là lối ứng xử của mọi người, mọi nhà, diễn ra mọi lúc, mọi nơi... Nét nổi bật nhất trong đời sống của các dân tộc thiểu số là tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần tương thân tương ái.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, trong những năm qua, hoạt động văn hoá còn một số hạn chế, chưa thực sự thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đến việc xây dựng lối sống mới tốt đẹp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, thể hiện ở các vấn đề sau:
- Một số chính sách, hoạt động văn hoá còn chung chung, hệ thống chính sách về hoạt động văn hoá đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa đảm bảo tính đặc thù, khó triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, các chính sách, đề án về văn hoá các dân tộc thiểu số vẫn thường đứng biệt lập, ít gắn kết với các chương trình, đề án phát triển về kinh tế, bảo vệ môi trường... nên hiệu quả không cao.
- Công tác bảo tồn, phát triển văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa kịp thời, cùng với sự tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một.
Tác động tích cực của các hoạt động văn hoá chưa theo kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng của kinh tế-xã hội, của các điều kiện khách quan từ hội nhập, từ kinh tế thị trường,...Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được coi là "kho báu", "vốn quý" của các dân tộc rơi vào quên lãng và đang ngày càng mai một dần bởi nhiều lý do.
- Sự du nhập của các luồng văn hoá mới do thiếu kiểm soát chặt chẽ đã làm cho đời sống văn hoá và các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động văn hóa hiện nay đã và đang làm cho không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số bị biến đổi, biến dạng, mất đi. Thậm chí, giới trẻ còn cho rằng một số di sản văn hoá phi vật thể đó là lạc hậu, lỗi thời. Chúng ta đều biết, kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên chính là nhà rông, nhà dài và nhà mồ. Tuy nhiên, hiện nay những loại hình kiến trúc đó đang mất dần và thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại, mà nhà văn hóa cộng đồng là một thí dụ. Ðiều đáng quan tâm là những thiết chế văn hóa chưa thật sự phù hợp với truyền thống văn hóa của từng tộc người từ vị trí, kiến trúc, trang trí đến công năng. Có một thực tế không thể không quan tâm, đó là hiện nay nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên (phổ biến là ở các dân tộc: Mông, Thái, Ba Na, Gia Rai), hiện tượng người dân từ bỏ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, theo các tín ngưỡng khác (Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành và một số Tà đạo khác) có nguy cơ ngày càng trở nên phổ biến. Trong tâm thức của một số dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. “Nhà rông là ngôi nhà chung của cộng đồng. Trong văn hoá truyền thống, nhà rông là nơi trú ngụ của các linh vật được coi là thần bản mệnh của làng. Đây cũng là nơi để cộng đồng thực hiện các sinh hoạt, nghi lễ chung. Đối với những làng theo đạo, nhà rông được biến thành nhà nguyện, nơi giáo phu giảng dạy giáo lý. Phía trước những nhà rông truyền thống thường trồng cây nêu để cộng đồng giao tiếp với thần linh được thay bằng cây thánh giá. Cũng có nơi, cây thánh giá được đặt trên ngọn nêu, trên nóc nhà rông” . Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, xáo trộn trong tín ngưỡng tâm linh làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống của các dân tộc và đó cũng là một trong các nguyên nhân làm mất ổn định xã hội.
- Sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số với tư cách là chủ nhân văn hoá chưa thực sự được coi trọng trong các hoạt động văn hoá.
Thực tế cho thấy, chúng ta quá đề cao vai trò của quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động văn hoá mà dường như quên mất vai trò của chủ thể văn hoá trong hệ thống các hoạt động này. Điều 15 trong Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi rõ: "Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý”.
Việc Nhà nước đứng ra tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc như vẫn đang làm là hết sức cần thiết, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương và hành động nhằm bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc trong tình hình mới. Nhưng sự tham gia một cách chủ động của người dân vào các hoạt động văn hoá cũng không kém phần quan trọng. Sự tham gia của cộng đồng người dân vào các hoạt động văn hoá có thể được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, từ công tác bảo tồn phát huy di sản văn hoá, tổ chức giao lưu văn hoá đến việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Thực tế đã minh chứng, sự chủ động tham gia của cộng đồng chủ thể hoặc việc tạo điều kiện thuận lợi, trả lại thẩm quyền văn hóa cho cộng đồng chủ thể để họ tham gia trực tiếp vào việc quản lý, thực hành và truyền dạy di sản với tư cách là những chủ thể thực thụ cần được thúc đẩy bằng nhiều biện pháp và hình thức. Việc bảo tồn di sản văn hoá các tộc người bản địa ngay trong đời sống đã sản sinh và nuôi dưỡng nó (bảo tồn động) mới thực sự là điều cần thiết, quan trọng, đảm bảo cho sự bảo tồn và phát triển di sản văn hoá các dân tộc một cách bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thể chế hoá các quy định nhằm đảm bảo vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản của chính họ. Theo đó, các cơ quan hữu quan chỉ nên đóng vai trò tư vấn, định hướng và hỗ trợ quản lý, đồng thời cần đề xuất và triển khai các hình thức đa dạng để nâng cao năng lực tự quản và bảo vệ di sản cho cộng đồng các dân tộc.
Tuy nhiên, để xác lập được một thiết chế quản lý bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể phải có cơ cấu hỗn hợp, trong đó nòng cốt là những đại diện thành viên cộng đồng. Chỉ khi có cơ chế pháp lý bảo vệ vai trò của cộng đồng thì mới có thể giúp việc bảo tồn đi đúng hướng và đảm bảo lợi ích của việc bảo tồn các di sản văn hoá thuộc về chính cộng đồng các dân tộc. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thông qua các hoạt động văn hoá, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trước yêu cầu hội nhập để phát triển, nhiều giá trị mới theo làn sóng “toàn cầu hoá” du nhập vào Việt Nam, làm cho các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc thiểu số nói riêng đang đứng trước những thách thức to lớn. Để hoạt động văn hoá góp phần quan trọng trong việc xây dựng đạo đức lối sống của các dân tộc thiểu số nói riêng, con người Việt Nam nói chung, trước hết cần phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ; xây dựng đội ngũ trí thức; đảm bảo và phát huy quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần phải có định hướng và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, đặc biệt chú ý tính đặc thù giữa các vùng, miền, dân tộc, đảm bảo sự thống nhất, kế thừa giữa truyền thống với hiện đại, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và giá trị mới. Để làm được điều đó cần phải có sự đồng thuận trong nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân nhân, của mỗi cá nhân và cộng đồng các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí điện tử Dân tộc ngày 08.11.2013
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận