Tìm hiểu lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nền kinh tế tri thức
Kinh tế tri thức theo quan điểm của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế thế giới là “nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, sự phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Đó là một nền kinh tế mà sản xuất, dịch vụ chủ yếu dựa vào tri thức và công nghệ, khi mà ngành công nghệ thông tin chiếm tới 2/3 GDP. Các nước công nghiệp phát triển đang phấn đấu để chuyển dịch từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. ở Việt Nam, Đảng ta xác định “cần phát huy lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt được trình độ công nghệ tiên tiến ..., từng bước phát triển kinh tế tri thức”(1).
Tuy nhiên, nhận thức về nền kinh tế tri thức còn có các quan điểm khác nhau thậm chí trái ngược nhau. Những nhận thức đã có về nền kinh tế tri thức của các nước kinh tế phát triển ở phương Tây đưa ra, một mặt xuất phát từ những vấn đề vốn có, đã xảy ra trong hiện thực nhưng mặt khác nó bao gồm cả những dự đoán được trình bày trên cơ sở ý thức hệ tư sản. Cho nên, bên cạnh những nội dung đơn thuần có tính khách quan, còn có những vấn đề chung như lực lượng sản xuất, quan hệ sản sản xuất, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trong nền kinh tế tri thức thì họ xem xét trên cơ sở các quan điểm triết học tư sản. Vì vậy chúng ta cần có quan điểm khi phê phán, biết lọc bỏ và giữ lại khi xem xét lý luận về kinh tế tri thức của các nước phương Tây. Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học duy vật biện chứng nói riêng là cơ sở, là công cụ quan trọng định hướng cho chúng ta trong nghiên cứu lý luận, trong hoạt động và chỉ đạo thực tiễn.
Tri thức, thông tin, công nghệ luôn có vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong nền kinh tế nông nghiệp tác động của tri thức và công nghệ chưa rõ nét do vốn tri thức của con người còn hạn chế, trình độ công nghệ thấp. Những thành tựu của khoa học thế kỷ XVII dẫn tới cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất vào cuối thể kỷ XVIII đã thúc đẩy sự chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Cơ sở khoa học của nền kinh tế công nghiệp là các khoa học tự nhiên dựa trên ngành vật lý cổ điển. Cơ sở kỹ thuật của nền kinh tế công nghiệp là máy móc cơ khí, trong đó máy công tác có vai trò quyết định nhất. Những thành tựu nổi bật của khoa học thế kỷ XX đã dẫn tới cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại bắt đầu từ giữa thế kỷ XX. Cuộc cách mạng này đã thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp chuyển sang nền kinh tế tri thức. Cơ sở khoa học của nền kinh tế tri thức là các khoa học tự nhiên dựa trên ngành vật lý hiện đại với hai học thuyết dẫn đường là thuyết tương đối và thuyết lượng tử. Vật lý học hiện đại đã cho phép nhận thức của con người đi sâu vào thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Khi nhận thức thế giới vi mô, con người đã phát hiện ra các thuộc tính vật chất mới và chính các thuộc tính ấy là nguồn gốc sâu xa dẫn đến các thành tựu mới về kỹ thuật và công nghệ. Cơ sở kỹ thuật của nền kinh tế tri thức là máy điều khiển tự động trong đó máy tính điện tử có vai trò quan trọng nhất. Máy điều khiển tự động mở ra những khả năng mới to lớn góp phần quan trọng chuyển nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Do hoàn cảnh sản xuất và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi nơi, mỗi nước có khác nhau, nên sự nhận thức và vận dụng lý luận hình thái kinh tế-xã hội của Mác vào thực tiễn có khác nhau. Đã có một thời, trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa có những nhận thức không đúng như: Quan hệ sản xuất đi trước lực lượng sản xuất, coi trọng sự phù hợp của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất chứ không phải là ngược lại. Hoặc cho rằng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quan hệ sản xuất ngang với lực lượng sản xuất trong nền sản xuất xã hội.
Những nhận thức không đúng đắn đó là do yếu tố chủ quan chứ không phải do tính đặc thù của quy luật mà tạo nên sự phát triển chệch hướng của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất.
Đứng trước những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học hiện đại và trước thực tế đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, kẻ thù của chủ nghĩa Mác, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội tấn công trực diện vào chủ nghĩa Mác, vào lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của Mác. Họ cho rằng lý luận hình thái kinh tế-xã hội được xây dựng trong nền kinh tế công nghiệp đã lỗi thời. Theo họ, nội dung các khái niệm lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất cần được bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế tri thức :
- Lực lượng sản xuất của học thuyết Mác-xít gồm tư liệu sản xuất và người lao động; nay cần thêm yếu tố thứ ba là khoa học và coi khoa học là yếu tố hàng đầu.
- Người lao động trong học thuyết Mác-xít được hiểu là người công nhân, theo họ trong nền kinh tế tri thức người lao động là người trí thức, không còn công nhân và giai cấp công nhân.
- Cấu trúc quan hệ sản xuất theo học thuyết của Chủ nghĩa Mác gồm các quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, các quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất và các quan hệ trong phân phối sản phẩm. Theo họ, nay cần thêm hình thức sở hữu trí tuệ và họ cho rằng hình thức này quan trọng hơn cả sở hữu tư liệu sản xuất.
Đứng trên quan điểm Mác-xít khi xem xét các quan điểm trên ta thấy:
- Khoa học có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, điều đó đã được khẳng định. Song vấn đề cần tìm hiểu là mối quan hệ của khoa học với các yếu tố vật chất trong các quá trình sản xuất. Các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin coi tiến bộ khoa học như một nhân tố hàng đầu của tiến trình phát triển xã hội, là động lực của lịch sử.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật tạo nên sự thay đổi căn bản về chất của lực lượng sản xuất, bao gồm cả phương tiện, công cụ lao động và hoạt động sản xuất của con người. Triết học Mác-xít khẳng định : Lực lượng vật chất chỉ bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất, bản thân tư tưởng, tự nó không thể cải biến được thực tiễn, chỉ khi nào tư tưởng, lý luận đó thâm nhập vào quần chúng làm cho họ sử dụng lực lượng thực tiễn. - Khi đó tư tưởng, lý luận mới trở thành lực lượng vật chất. C.Mác đã chỉ rõ khoa học là sản phẩm tinh thần chứ không phải là sản phẩm vật chất, khoa học chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi người lao động biết ứng dụng khoa học sáng tạo ra công cụ sản xuất để tiến hành sản xuất C.Mác cho rằng, trong xã hội tư bản, nhà tư bản chỉ có thể chiếm hữu được sức mạnh của khoa học bằng cách sử dụng máy móc tức là khoa học được vật chất hóa.
Như vậy, lực lượng sản xuất trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng bao gồm người lao động với kỹ năng lao động của họ và tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ lao động. Hay nói cách khác trong quá trình sản xuất, lao động của con người và tư liệu sản xuất trước hết là công cụ lao động kết hợp với nhau thành lực lượng sản xuất. Sự tác động to lớn, sâu sắc của khoa học vào các yếu tố của lực lượng sản xuất minh chứng cho dự đoán thiên tài của C.Mác “Lý luận (khoa học) cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất” khi khoa học “thâm nhập vào quần chúng”. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhận thức, trong chỉ đạo thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Cảnh giác với lý luận tư sản dưới các màu sắc bằng phương pháp truyền thống mà các lực lượng thù địch từng tiến hành là tách một đoạn ra khỏi một câu nói đầy đủ của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin, tách ra khỏi mối liên hệ trong lập luận, tách ra khỏi điều kiện, hoàn cảnh để phê phán, để chống phá, để phủ định tính khoa học các phạm trù, nguyên lý Mác-xít.
Sự khác nhau căn bản giữa triết học Mác với các trào lưu triết học phi Mác-xít được C.Mác nêu rõ trong luận cương về Phơ Bách : “Các nhà triết học trước kia chỉ tìm cách giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau song vấn đề là cải tạo thế giới”. Nó trở thành công cụ nhận thức thế giới và cải tạo thế giới bằng thực tiễn cách mạng. Mục đích giải phóng con người, giải phóng giai cấp quán xuyến toàn bộ học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin. Về người lao động, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”(2). Nguời lao động luôn được coi là “giai cấp cách mạng” dù là trong nền kinh tế công nghiệp hay trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, người công nhân, người lao động trong nền kinh tế công nghiệp khác trong nền kinh tế tri thức về chức năng trong hệ thống con người - công cụ sản xuất.
Trong nền kinh tế công nghiệp, người công nhân, người lao động vừa phải thao tác, vừa phải điều khiển sự vận động của công cụ sản xuất và nguyên liệu khi sử dụng máy móc cơ khí. Trong quá trình lao động này, hao phí của người công nhân, người lao động rất lớn. Đó là hao phí do phải sử dụng nhiều cơ bắp, yêu cầu thao tác khéo léo của chân tay và sự căng thẳng về thần kinh để chịu đựng các điều kiện của lao động.
Người công nhân, người lao động trong nền kinh tế tri thức, khi sử dụng công cụ là máy điều khiển tự động thì nhiệm vụ chủ yếu là giám sát và kiểm tra. Tuy nhiên, để hoàn thành chức năng giám sát, kiểm tra trong quá trình sản xuất, người công nhân phải có trình độ hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, công nghệ của hệ thống công nghệ sản xuất. Do yêu cầu cao của quá trình sản xuất trong nền kinh tế tri thức, người công nhân phải là người lao động có trí tuệ, trực tiếp với công cụ sản xuất để đảm bảo cho sự vận động công cụ sản xuất - nguyên liệu làm ra sản phẩm. Như vậy, trong hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa dù ở giai đoạn nền kinh tế công nghiệp hay nền kinh tế tri thức thì giai cấp công nhân vẫn tồn tại, vẫn là lực lượng sản xuất chủ yếu nhất, vĩ đại nhất.
Về cấu trúc của quan hệ sản xuất, có ý kiến cho rằng trong nền kinh tế tri thức sở hữu trí tuệ cao hơn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là yếu tố quan trọng nhất quy định quan hệ sản xuất. Để xem xét, đánh giá quan điểm này, chúng ta cần làm rõ thực chất của sở hữu trí tuệ. Điều ai cũng biết rằng tri thức được áp dụng vào sản xuất có ba loại : Tri thức khoa học, tri thức kỹ thuật và tri thức công nghệ. Trong đó, việc hình thành tri thức khoa học là của xã hội, của những nhà khoa học. Vấn đề đặt ra là ai có nhu cầu, có khả năng “chiếm hữu” những nội dung tri thức khoa học được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Tri thức về kỹ thuật và tri thức về công nghệ là sự vận dụng tri thức khoa học vào những điều kiện vật chất cụ thể nên đòi hỏi vừa phải có tri thức kinh nghiệm, vừa phải có tri thức lý luận, có kỹ năng và phương pháp để thực hiện quá trình lao động. Điều mà chúng ta cần nhận thức là từ nguyên lý khoa học đến vấn đề công nghệ là một khoảng cách lớn mà không phải ai cũng có thể tiếp cận. Trong nền kinh tế công nghiêp, vấn đề sở hữu trí tuệ cũng đã được xác định khá hoàn chỉnh. Nội hàm của sở hữu trí tuệ phong phú, bao hàm nhiều mặt như sở hữu công nghệ, sở hữu bản quyền khoa học, nghệ thuật, tác phẩm văn hóa...
Những thành tựu của khoa học đã giúp cho con người đi sâu nghiên cứu thế giới vi mô, phát hiện ra nhiều thuộc tính mới của vật chất. Đó là nguyên nhân trực tiếp đưa đến các phát minh mới về kỹ thuật và công nghệ, đưa đến sự tăng cao về chất lượng sản phẩm và hiệu suất cao về năng suất lao động. Song vai trò của tri thức, của công nghệ chỉ được hiện thực hóa khi lực lượng công nhân công nghiệp, công nhân trí thức tham gia vào quá trình sản xuất. Nguồn lợi to lớn của các nhà tư bản chỉ có sinh ra trong quá trình sản xuất đó, giá trị to lớn đó không có nguồn gốc nào khác là sự chiếm đoạt giá trị thặng dư. Tuyệt đối hóa vai trò của tri thức không thấy lực lượng sản xuất trực tiếp - công nhân công nghiệp, công nhân trí thức là nguyên nhân cơ bản của quan điểm sở hữu trí tuệ cao hơn sở hữu tư liệu sản xuất, sở hữu vốn, tài nguyên ...
Như vậy, nội dung của quan hệ sản xuất trong nền kinh tế tri thức vẫn bao gồm các quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, các quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất, các quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động.
Khoa học và công nghệ hiện đại chính là đặc điểm thời đại của sản xuất, là đặc trưng cho lực lượng sản xuất hiện đại. Dự kiến thiên tài của C.Mác khoa học trở thành “lực lượng sản xuất trực tiếp” trở thành “lực lượng sản xuất độc lập” có ý nghĩa định hướng tích cực đối với cả hoạt động khoa học, cả hoạt động sản xuất. Chính những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại giúp con người cải tiến, nâng cao chất lượng công tác tổ chức quản lý sản xuất, còn nội dung các quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất và phân phối sản phẩm trong hình thái kinh tế - xã hội tư bản về cơ bản vẫn như khi còn là kinh tế công nghiệp. Sở hữu trí tuệ cao hơn, quan trọng hơn về sở hữu tư liệu sản xuất là quan điểm sai lầm, không phản ánh đúng cơ cấu và sự tác động lẫn nhau của các thành tố của quan hệ sản xuất. Bởi mỗi mặt quan hệ của hệ thống quan hệ sản xuất có vai trò và ý nghĩa riêng biệt. Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất luôn luôn có vai trò quyết định đối với tất cả các quan hệ xã hội khác. Đó là quan hệ cơ bản, quan hệ trung tâm của các quan hệ sản xuất. “Định nghĩa quyền sở hữu tư sản không phải là gì khác mà là trình bày tất cả những quan hệ xã hội của sản xuất tư sản”(3).
Kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác muốn phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội bằng cách đòi thay đổi, bổ sung những nội dung mới của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nền kinh tế tri thức. Để thực hiện ý định đó, họ đã :
- Thông qua nhận thức khái niệm “tri thức” đánh tráo khái niệm chung và riêng, phổ biến và đặc thù, cụ thể và trừu tượng.
- Tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của ý thức đi đến chứng minh vai trò tuyệt đối của tri thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Hướng con người thụ động tiếp nhận tư tưởng duy tâm, quan điểm triết học và xã hội học tư sản về vị trí của khoa học trong quá trình sản xuất.
Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là hệ thống những nguyên lý, quan điểm về cách tiếp cận và nhận thức lịch sử một cách khoa học. V.I.Lênin đã dạy đừng xem chủ nghĩa Mác là xong xuôi có sẵn mà phải bổ sung hoàn thiện trong điều kiện mới. Tuy nhiên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
_________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.191.
(2) V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, T.38, tr.430
(3) C.Mác và Ph.ăng ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.4, tr.234.
Nguồn: Bài đăng số tháng Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5-2006
Bài liên quan
- Tương lai cho thế hệ vươn mình
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
- Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
- Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS. Tổng Bí thư Tô Lâm
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
3
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
4
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
5
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định số 154/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú
Quản lý nhà nước về cư trú là một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước đối với các vấn đề xã hội được tiến hành theo quy định theo pháp luật về cư trú. Quản lý nhà nước về cư trú là cơ sở để cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cơ quan có thẩm quyền trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thực hiện an sinh xã hội cho người dân. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiến hành hoạt động quản lý cư trú, với các cách thức phù hợp với yêu cầu quản lý, trình độ phát triển, phong tục tập quán của mình. Ở Việt Nam, ngay từ khi đất nước giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt nhiệm vụ quản lý cư trú lên hàng đầu trong xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước.
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, lịch sử của Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên, các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công tác tư tưởng có vai trò trọng yếu trong thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác tư tưởng lại càng có vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó tạo nên sức mạnh vô địch, là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu, kỳ vọng, đích đến của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quốc Oai, Thành phố Hà Nội công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện ngày càng đạt kết quả tích cực. Nâng cao chất lượng đảng viên là cơ sở, tiêu chí quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, toàn diện. Bài viết làm rõ thực trạng chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ rõ những khó khăn, thách thức; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội thời gian tới.
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Thực hiện dân chủ ở cơ sở - xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức – là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân kiểm tra, nhân dân thụ hưởng. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề quan trọng, luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Để dân chủ ở cơ sở được hiện thực hóa, việc đảm bảo thực hiện với những cơ chế cụ thể là vấn đề cấp thiết.
Bình luận