(LLCT&TT) Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc mang ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc. Tiếp cận trên phương diện quan hệ dân tộc - tộc người, tư tưởng của Người được biểu đạt qua nội dung về quyền bình đẳng giữa các dân tộc - tộc người, thực hiện liên minh giai cấp, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội và tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ, một trong những quan điểm chỉ đạo cho tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước là khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền địa lý, tín ngưỡng, tôn giáo,… trên cơ sở thống nhất mục tiêu, định hướng phát triển và lợi ích căn bản. Đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp cận dưới góc độ dân tộc - tộc người vừa biểu đạt mức độ, số lượng rộng lớn của các dân tộc - tộc người tham gia, vừa biểu đạt quy mô đa dạng, nhiều thành phần của các dân tộc - tộc người ấy nhằm phục vụ những lợi ích cơ bản của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là ngọn cờ hiệu triệu mọi giai cấp, tầng lớp đứng lên thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Trong các trước tác thành văn cũng như các lời kêu gọi, thư tín hay buổi nói chuyện trực tiếp, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau từ cán bộ, đảng viên đến đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu niên, học sinh,… Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới hai chữ “đoàn kết”, có khi cụ thể là “đoàn kết dân tộc”, khi lại là “đại đoàn kết toàn dân”, “toàn dân Việt Nam đại đoàn kết”, “nhân dân đoàn kết”,… Người xác định đại đoàn kết dân tộc là “vấn đề sống còn” của cách mạng và có vai trò quyết định sự thành công của cách mạng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu của cách mạng nước nhà. Đây đồng thời là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy cũng như cả quá trình hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.
Ngay trong kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”(1). Bình đẳng là quyền lợi chính đáng của chế độ dân chủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bởi trong chế độ ấy “chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(2). Ngược lại, tính ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa cũng là môi trường để bình đẳng đạt đến giá trị cao nhất và thực chất nhất. Bình đẳng còn là nghĩa vụ.
Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, Đảng và Chính phủ ta chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân. Đồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no”(3). Trong thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai ngày 18 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Tôi biết tấm lòng yêu nước thương nòi của đồng bào lúc này rất sôi nổi. Đấy là một chứng cớ rất tốt đẹp cho vận mệnh nước nhà. (…) Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải đấu tranh đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”(4).
Tư duy về bình đẳng dân tộc là cơ sở cho hành động đúng đắn để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời là nguyên tắc trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc nhất quán của Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm kết tinh của tình yêu nước chân chính cùng tinh thần cộng sản cao cả ở Người, với nguyên tắc đảm bảo những lợi ích chính đáng, thiết thực cho nhân dân, cho đất nước. Đoàn kết là cội nguồn để cách mạng thắng lợi, độc lập chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các dân tộc chính là tinh thần cốt lõi trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Hồ Chí Minh chỉ ra còn có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa từng dân tộc ở nước ta do những nguyên nhân khác nhau. Tuy vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở từ trung ương đến địa phương không được vì những khác biệt đó mà có những tư tưởng, hành động, ứng xử không đúng đắn, thiên kiến với bất cứ dân tộc nào. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Người phát biểu: “Hiện nay có hàng vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng. (…) Nhưng có một số rất ít đồng bào miền xuôi còn có những hành động không đúng, cho nên ảnh hưởng đến tình đoàn kết anh em. Cái đó không phổ biến lắm đâu, nhưng cũng có. Như thế là không tốt. Phải đoàn kết các dân tộc, phải đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt”(5). Người cho rằng thành kiến không chỉ làm chia rẽ các dân tộc mà nó còn làm cản trở sự tiến bộ của cả đất nước, bởi vậy, Người khuyên nhủ: “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”(6).
Hồ Chí Minh luôn lưu ý đến vấn đề đại đoàn kết các dân tộc - tộc người thông qua việc đánh giá đúng vị trí trọng yếu, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú cũng như bản sắc văn hóa riêng đặc thù của mỗi cộng đồng dân tộc. Từ đó, Người nhiều lần nhấn mạnh triết lý đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết tạo thành công và đoàn kết phải là một khối thống nhất mà các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời. Từ đó, Người xác định rõ nguyên tắc, đoàn kết phải dựa trên cơ sở bình đẳng nhưng tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn phê bình và yêu cầu khắc phục ngay những tư tưởng hẹp hòi, kì thị dân tộc (đối với dân tộc đa số), tự ti dân tộc (đối với dân tộc thiểu số). Người nhắc nhở: “Cũng phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. Từng cán bộ, từng đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang đều phải chú ý điểm này”(7).
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh luôn khẳng định các dân tộc đều là anh em, bởi vậy, các cấp bộ đảng phải thực hiện bình đẳng, đoàn kết và tương trợ, đoàn kết phải được cụ thể hóa bằng những chính sách hết sức cẩn trọng, toàn diện, cụ thể, sát hợp tình hình thực tiễn đời sống người dân. Điều đó thể hiện qua lập luận của Người, “Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”(8). Người căn dặn: “các cấp bộ Đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc, thực hiện sự đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc”(9). Đây được xem là nguyên tắc vừa đúng đắn, vừa tinh tế, vừa nhân văn của Hồ Chí Minh, cũng vừa là bài học kinh nghiệm Người truyền dạy đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, bình đẳng giữa các dân tộc được xem là cơ sở, là mấu chốt tạo nên đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên được Hồ Chí Minh nhắc nhở đồng bào cũng như các cấp bộ Đảng ghi nhớ, thực hiện. Có thể thấy rằng, đại đoàn kết trong tư tưởng của Người được hiểu không chỉ là sự tập hợp đông đảo lực lượng một cách thuần túy theo bề rộng mà còn ẩn chứa triết lý ở tầng sâu đó là, bình đẳng là cơ sở cho đoàn kết, là giá trị thực sự tạo ra đoàn kết, thúc đẩy đoàn kết.
Trong Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, Hồ Chí Minh phát biểu: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc”, bởi lẽ “đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn”(10). Trên thực tế, Hồ Chí Minh cùng Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến công tác này và nhận thấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chỉ được phát huy khi tập hợp lực lượng trong một tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất với nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Đây cũng chính là nguyên tắc sống còn trong đại đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh lập luận: “Lực lượng chủ yếu trong khối đại đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất”(11), “nhiệm vụ của đồng bào, cán bộ, bộ đội hiện nay là: Đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân dân, giữa lương và giáo”(12).
Trong cơ cấu xã hội phức tạp của cộng đồng dân tộc - tộc người, theo Hồ Chí Minh, “bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”, bởi vì “chủ nghĩa xã hội là tiền đồ chung của cả dân tộc và trong đó có tiền đồ riêng của mỗi cá nhân”(13) và còn bởi “sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”(14). Từ đó, Người xác định rất rõ rằng đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chung của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, song trước hết phải là trách nhiệm của mỗi giai cấp, tầng lớp.
Đối với giai cấp công nhân, nhiều lần Hồ Chí Minh nhấn mạnh họ là lực lượng đi đầu, ““Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải tăng cường không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân”(15). Giai cấp nông dân lại là một lực lượng lao động và lực lượng cách mạng đặc biệt to lớn. Mặc dù họ không phải là lực lượng có khả năng lãnh đạo cách mạng, song ngay từ ngày đầu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, họ đã hăng hái tham gia vào việc đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, họ có thể là những người “đồng minh tin cậy” của giai cấp công nhân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, nhắc đến liên minh trong thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh rất nhiều lần nhắc tới đội ngũ trí thức, khẳng định vai trò quan trọng của trí thức và nhắc nhở “giai cấp công nhân đoàn kết chặt chẽ với giới trí thức để giúp họ phục vụ cách mạng, phục vụ chủ nghĩa xã hội”(16). Để việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đúng tầm nhiệm vụ chiến lược, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải chú trọng phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa. Hồ Chí Minh xem tuyên truyền, vận động là phương thức hữu hiệu hàng đầu để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, tuyên truyền để người dân các dân tộc - tộc người phát triển kinh tế - xã hội trở thành nội dung quan trọng hàng đầu để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hồ Chí Minh cũng nhắc đến vai trò của các thành phần khác trong các cộng đồng dân tộc - tộc người, như giai cấp tư sản dân tộc, phụ nữ, sinh viên, học sinh,… và ngay cả những người trước đây từng đối đầu với chúng ta nhưng nay tán thành quan điểm hòa bình, chống đế quốc, tay sai,… Người phát biểu “Mặt trận dân tộc thống nhất cần mở rộng hơn nữa, củng cố hơn nữa, đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, từng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào”(17). Thực tế cho thấy, trong suốt sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất trong đó Đảng là một thành viên, cũng đồng thời là lực lượng lãnh đạo, đi đầu. Ngược lại, Mặt trận dân tộc thống nhất trải qua các thời kỳ lịch sử cũng đã phát huy được sức mạnh quy tụ nhân dân các dân tộc anh em của mình, từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, bằng uy tín, bằng trái tim nhiệt thành cho phong trào cách mạng nước nhà, bằng cốt cách và tri thức, Hồ Chí Minh đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, không phân biệt tôn giáo, địa vị xã hội,… tham gia đóng góp vào mặt trận đoàn kết dân tộc. Nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam năm 1946 là những nhân sĩ, trí thức không phải đảng viên như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên,… Đặc biệt, trong số đó phải kể tới cụ Huỳnh Thúc Kháng, đã từng giữ chức vụ quyền Chủ tịch Chính phủ. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc - theo Hồ Chí Minh, là đoàn kết các dân tộc - tộc người nhưng phải lấy liên minh công - nông - trí làm gốc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và được tập hợp trong một Mặt trận dân tộc thống nhất.
Quán triệt, vận dụng hiệu quả và sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc ở nội dung cách mạng có tính chiến lược, lâu dài. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991 nêu rõ: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”(18).
Lần đầu tiên tính chất “cấp bách” của đại đoàn kết dân tộc được nhắc đến trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX và đã được từng bước giải quyết bằng các chính sách cụ thể. Nhờ đó, chất lượng đời sống các dân tộc - tộc người có sự cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tích cực, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Gần đây nhất, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ, phải “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đồng thời huy động, phân bố, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực; chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí của đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và “nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(19).
Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đó là, “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(20). Đồng thời, Nghị quyết Đại hội cũng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào “phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với “giá trị văn hóa, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ” để Việt Nam “phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới”(21).
Trên thực tế, cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay đang cư trú đan xen trên 51/63 tình, thành phố cả nước, tập trung ở những vị trí chiến lược, xung yếu về an ninh, quốc phòng với quy mô dân số và trình độ phát triển không giống nhau. Các dân tộc thiểu số có nền văn hóa dân tộc đặc sắc cũng như truyền thống đoàn kết lâu đời. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh dân tộc Kinh là dân tộc đa số, 53 dân tộc thiểu số còn lại cũng đứng trước nhiều khó khăn như quy mô nền kinh tế nhỏ bé, sản xuất phân tán, hầu như thiếu hụt dự án đầu tư vào tuyến xã khu vực III, tỷ lệ hộ nghèo ở một số tỉnh cao, nhiều hộ thiếu đất sản xuất; dân số, sức khỏe, giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp,…
Trong suốt thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng chính sách dân tộc với nội dung toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống, từ chính trị như công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở,... đến kinh tế như ưu tiên đầu tư ở các vùng dân tộc và miền núi, phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng từng vùng,... đến văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng,… Kế tục Hồ Chí Minh ở một chặng đường lịch sử mới, Đảng và Nhà nước tiếp tục mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lấy nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo lợi ích giai cấp gắn với lợi ích dân tộc, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc - tộc người trong nước, tạo đồng thuận xã hội và sức mạnh nội lực tổng hợp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành “nòng cốt chính trị” trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân các dân tộc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, thực hành dân chủ.
Có thể nói, với tư duy “đại đoàn kết toàn dân tộc chính là đường lối chiến lược” thấm nhuần xuyên suốt quãng đời hoạt động thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã cho thấy, để độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết toàn dân không thể chỉ là một kế sách chính trị, mà nó phải thực sự xuất phát từ tấm lòng chân thành của người lãnh đạo, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh những thách thức đặt ra từ thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc nói chung, cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Tiếp nối tư tưởng của Hồ Chí Minh ở một chặng đường lịch sử mới, để có thể phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đảng cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc về giá trị của đoàn kết, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời quyền làm chủ của nhân dân phải luôn luôn được bảo đảm và tôn trọng./.
____________________________________________
(1), (2), (9), (11), (13), (15), (16) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.12, tr.371, 372, 231, 417, 493, 370, 371.
(3), (8), (10) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.13, tr.44 - 45, 269, 225.
(4), (7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.67, 167.
(5), (14) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.167, 286.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.375.
(12) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.11 , tr.552.
(17) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.119.
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, tr.16.
(19), (20) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. CTQG Sự thật, tr.170, 118.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, T.II, Nxb. CTQG Sự thật, tr.340.
Bình luận