Về vấn đề lạm dụng trẻ em ở nước ta hiện nay
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và cả sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế theo cơ chế thị trường với những tác động tiêu cực của nó vẫn kéo theo hàng loạt các vấn đề về trẻ em như trẻ em lang thang, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em vi phạm pháp luật… Sự lạm dụng, ngược đãi trẻ em không những đang gia tăng mà còn xuất hiện ở các dạng thức mới ngày càng phức tạp hơn. Nói cách khác, nó không chỉ tăng lên về mức độ, về số lượng mà còn đa dạng về hình thức. Bài viết này đề cập đến các hình thức lạm dụng trẻ em, mức độ và xu hướng của hiện tượng lạm dụng trẻ em dựa trên việc phân tích các tài liệu có sẵn trên báo chí và các nghiên cứu về tình trạng lạm dụng trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây.
Tình trạng lạm dụng trẻ em ở nước ta trong những năm vừa qua là khá phổ biến. Từ năm 2000 đến 2003, bình quân trên cả nước xảy ra 1.650 vụ phạm tội xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em nữ chiếm 63%, trẻ em từ độ tuổi 13 – 16 chiếm 51%, từ 6 – 13 tuổi là 40%, dưới 6 tuổi chiếm 9%. Các hình thức xâm hại hay lạm dụng trẻ em không chỉ dừng lại ở những dạng thức phổ biến vốn đã có từ trước mà đã xuất hiện thêm những hình thức lạm dụng mới. Đến nay có thể thống kê 6 hình thức lạm dụng trẻ em từ thể chất đến tinh thần bao gồm lạm dụng về thân thể, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, lạm dụng ma tuý, lạm dụng trẻ em làm công cụ kiếm tiền và lạm dụng năng khiếu của trẻ em.
1. Lạm dụng trẻ em về thân thể
Lạm dụng trẻ em về thân thể trước hết thể hiện ở việc người lớn dùng vũ lực để giáo dục trẻ em trong gia đình và trong trường học. Theo quan niệm truyền thống, cha mẹ có quyền dạy con bằng mọi hình thức, trong đó hình thức “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” được coi là cách giáo dục hữu hiệu để con cái phục tùng mọi ý kiến của cha mẹ và nhờ đó mà có thể sửa chữa được sai lầm.
Kết quả cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận trẻ em, do Viện Nghiên cứu Thanh niên tiến hành năm 1998, về các hình thức xử phạt của cha mẹ đối với con cái đã cho thấy một con số rất đáng ngại về tình hình bạo lực đối với trẻ em. Trong số 1.240 em nhỏ được hỏi có tới 90,52% nói rằng chúng thường bị cha mẹ đánh khi có lỗi, trong đó vừa đánh vừa mắng 25,6%, đánh đau là 64,92%. Cũng theo báo cáo này thì có 45% các em nói rằng mình bị phạt oan ức; 72,08% cho rằng đã rất đau buồn khi bị xử phạt và 27,92% nói rằng các em rất tức giận bố mẹ. Tỷ lệ các em tức giận bố mẹ cao nhất là ở nhóm những em tuổi vị thành niên - tuổi từ 14-16, chiếm 45,95%. Một số bậc cha mẹ tự cho mình cái quyền được dùng vũ lực để giáo dục con cái. Họ cứ tưởng rằng phải dùng đòn roi nghiêm trị thì con cái mới nên người được. Bởi vậy, khi con cái mắc khuyết điểm họ không lựa lời khuyên bảo mà áp dụng những hình phạt nặng nề như bắt úp mặt vào tường mấy tiếng đồng hồ, bắt nằm sấp lên giường để đánh đòn, thậm chí có người trói con vào cột đánh đến thâm tím mặt mày, hoặc dìm con xuống nước lạnh giữa trời đông rét mướt… chỉ để “dạy con”. Những hình thức dạy dỗ con kiểu như vậy chính là sự lạm dụng nhưng lại không được đại đa số những người cha, người mẹ nhìn nhận đúng. Việc ngược đãi trẻ em do đó vẫn hiện ra một cách thường xuyên thông qua cách dạy dỗ của cha mẹ.
Trẻ em không chỉ bị đánh bởi cha mẹ - người tự coi là có quyền dạy con bằng vũ lực - mà còn bị đánh bởi rất nhiều người khác như ông bà, cô chú, anh chị, trẻ lớn tuổi hơn, thậm chí ngay cả ở môi trường giáo dục có tính sư phạm cao là trường học thì trẻ cũng vẫn có thể bị đánh.
Chúng ta đều biết rằng vai trò của thầy, cô giáo trong nhà trường là dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh thông qua phương pháp chủ yếu là chỉ bảo, khuyên răn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những giáo viên lại áp dụng cả biện pháp dùng vũ lực để dạy bảo học sinh – một phương pháp phi sư phạm và được coi là xâm hại thân thể người khác. Chính việc dạy bảo học sinh bằng cách đánh vào tay hoặc bắt các em chịu phạt đã tạo tâm lý sợ hãi và dần dần hình thành trong đầu các em tâm trạng học để đối phó chứ không phải là học để tiếp thu kiến thức cho mình.
Một hình thức khác của lạm dụng trẻ em về thân thể đó là các em trở thành nạn nhân của các xung đột ngay trong gia đình của mình. Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc nhất trong những năm tháng đầu đời. Chúng có thể sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần từ phía họ. Song thực tế có thể rất nhiều trẻ em đã không được sống như vậy. Các em thường trở thành nạn nhân của các cuộc cãi vã, đánh lộn, nhiếc móc của người lớn đặc biệt là cha mẹ khi họ có những bất hoà.
Nhiều bậc làm cha mẹ, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp vẫn coi việc hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng các hình phạt dã man đối với trẻ là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, họ đánh; khi họ đang có sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh; khi họ có điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh.
Điều đáng lưu ý là nhiều lúc trẻ bị đánh không phải do lỗi của chúng mà do cha mẹ chúng có nhu cầu cần được giải toả những uẩn ức, tức giận, những xung đột, những mâu thuẫn phức tạp của họ. Và sự giải toả ấy thường được trút lên đầu trẻ con. Như trường hợp của em N (quê ở Nam Định): Từ khi bố em vay tiền mở quán cà phê nhưng bị thua lỗ, gia đình em trở nên lục đục, không hạnh phúc. Mẹ kêu ca, phàn nàn, chỉ trích bố là kẻ bất tài, vô dụng, chẳng làm nổi việc gì. Còn bố chán nản sinh ra cờ bạc, rượu chè, bê tha. Hễ cùng có mặt ở nhà là họ cãi vã, xô xát, đánh đập rồi doạ bỏ nhau. Thế rồi bao nhiêu bực tức hai người trút xuống đầu em bằng những lời chửi và những trận đòn nhiều khi rất vô lý. Chán quá em đã theo bạn bè bỏ nhà ra Hà Nội kiếm sống cho qua ngày…
ở những gia đình mà cha mẹ không còn yêu thương nhau nữa thì trẻ thường xuyên phải chịu áp lực từ phía một người hoặc của cả hai bởi chúng như là những “cái gai” trong mắt họ. Đã có không ít trường hợp, một trong hai người cảm thấy bế tắc muốn tìm đến cái chết, họ cũng tìm cách buộc con cái phải chết theo. Rõ ràng trẻ em đã phải trả giá rất đắt cho những vấn đề riêng của người lớn. Những trận đòn oan hằn rất lâu trong đời sống tinh thần và tình cảm của trẻ và cha mẹ chúng. Và nguy hiểm hơn, bạo lực gia đình đã không chỉ đe doạ sự phát triển về thể chất và tâm lý mà còn đe doạ đến tính mạng của các em.
2. Lạm dụng sức lao động trẻ em
Sử dụng lao động trẻ em là tình trạng khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhất là trong các gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Việc huy động trẻ em vào quá trình lao động sản xuất đang trở thành một nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết ở những gia đình thiếu nhân lực và thiếu vốn sinh sống, làm ăn. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình mà buộc phải tham gia lao động sớm, nhưng cũng có những em lại tự nguyện tham gia lao động với mong muốn góp phần giảm bớt gánh nặng gia đình, cải thiện điều kiện sống.
So với các dạng lao động khác, lao động trẻ em dễ bị coi thường, dễ bị lạm dụng hơn cả do bởi đây là loại lao động vừa sẵn có, vừa rẻ, dễ sai bảo và phù hợp với nhiều loại công việc. Sự lạm dụng này diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp như trả công thấp, kéo dài thời gian lao động, giao cho trẻ làm công việc quá sức, ngược đãi các em về thể chất và tinh thần…
Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều trung tâm dạy nghề, công xưởng thu hút trẻ em lao động dưới danh nghĩa học nghề, tập việc không có tiền công hay thù lao ít ỏi, trong khi các em phải lao động quần quật cả ngày, kể cả các ngày lễ tết. Mặt khác, do tham gia lao động trong khu vực kinh tế tư nhân, ngoài quốc doanh vốn không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội, không có hay không tham gia tổ chức công đoàn nên nguy cơ các em bị bóc lột và phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại mà lẽ ra chỉ dành cho người lớn là điều khó tránh khỏi.
Tình trạng những cơ sở “mái ấm tình thương” lợi dụng sức lao động trẻ em núp dưới bóng nhân đạo cũng là điều đáng nói. Nhiều cá nhân đã và đang đứng lên để thu nạp trẻ em lang thang, cơ nhỡ về nuôi nấng, dạy nghề và tạo việc làm. Thế nhưng, việc thu nạp và sử dụng lao động trẻ em đã tạo nên một ranh giới mong manh giữa làm nhân đạo và bóc lột lao động trẻ em. Một số cơ sở mái ấm tình thương mang danh nhân đạo nhưng thực tế lại tìm cách tận dụng lao động và đối xử với các em rất tàn tệ. Tuy nhiên đối với các em chỉ cần có cơm ăn hai bữa, có chỗ ngủ và chỗ che nắng che mưa, không phải lang thang ngoài phố là một điều hạnh phúc.
Trong những năm gần đây, xuất hiện một dạng lao động trẻ em khá phổ biến các vùng đô thị, đó là trẻ em làm thuê giúp việc cho các gia đình. Với sự tác động của chính sách đổi mới và sự vận hành của nền kinh tế thị trường, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, điều kiện vật chất và tinh thần của họ được nâng lên rõ rệt. Do đó, nhu cầu thuê mướn lao động giúp việc trong gia đình có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động trẻ em làm thuê giúp việc đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự lạm dụng đối với loại lao động này là khá lớn bởi công việc mà các em thường làm diễn ra trong gia đình chủ nên khó “nhìn thấy”, các em thường làm việc “độc lập” dưới sự kiểm soát của gia chủ, bởi vậy nguy cơ bị lạm dụng sức lao động là khó tránh khỏi.
Một điều đáng lưu ý là lao động giúp việc gia đình thường do trẻ em gái thực hiện. Theo quan niệm truyền thống thì công việc gia đình được coi là của phụ nữ, dẫn đến việc hình thành thói quen suy nghĩ cho rằng lao động giúp việc trong gia đình phù hợp với các em gái hơn các em trai. Điều này thể hiện khá rõ sự phân biệt đối xử nam nữ trong phân công lao động. Các em gái thường phải làm những công việc nội trợ tưởng có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại rất nặng nhọc, tốn nhiều công sức và đặc biệt là mất nhiều thời gian và buồn tẻ, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại. Những loại công việc này thường khó gọi đích danh tên mà gọi chung là việc “nội trợ”, “việc vặt”, “việc nhỏ”, là việc của “đàn bà”, “con gái”. Lý do chủ yếu là do quan niệm coi thường, xem nhẹ và coi những công việc đó là chức năng, của phụ nữ và các em gái.
3. Lạm dụng tình dục trẻ em
Lạm dụng tình dục trẻ em là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm ở khắp mọi nơi trên thế giới bởi lẽ đây là thực trạng vô cùng nhức nhối và bị lên án gay gắt nhất. ở nước ta trong những năm gần đây, số trẻ em bị xâm hại tình dục là khá lớn. Năm 2002, trên toàn quốc xảy ra 1.741 vụ xâm hại trẻ em với 1.922 em bị hại, bao gồm những hành vi xâm hại như giết, cưỡng dâm, gây thương tích cơ thể, bắt cóc, mua bán trẻ em vì mục đích thương mại tình dục… Đặc biệt trong đó tội xâm hại tình dục trẻ em chiếm khá lớn: 955 vụ với 962 em, bằng 55% tổng số vụ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh sự. Sự lạm dụng này phức tạp không chỉ ở mức độ mà còn ở phạm vi của nó kể cả trong và ngoài gia đình.
4. Lạm dụng trẻ em bằng con đường ma tuý
Mại dâm và ma tuý là hai tệ nạn xã hội tồn tại song hành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự bùng phát và gia tăng tệ nạn sử dụng ma tuý trong giới trẻ là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số trẻ em bị lạm dụng tình dục. Giám sát dịch tễ cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV, nghiện ma tuý lên đến 75,8% lại xuất phát từ gái mại dâm chưa đến tuổi vị thành niên. Điều này có nghĩa rằng, những em nghiện ma tuý có nguy cơ cao tham gia vào hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình trạng trẻ em bị người lớn lạm dụng thông qua con đường ma tuý ngày càng nhiều. Sự lạm dụng này thể hiện ở hai khía cạnh: Trẻ em bị đầu độc, gây nghiện bằng các chất kích thích (như thuốc phiện, heroin,…) và trẻ em bị lạm dụng, lôi kéo vào việc mua bán.
Có thể khẳng định rằng trong số các đối tượng tham gia vào việc sử dụng mà tuý thì trẻ em là đối tượng dễ bị lạm dụng nhất bởi vì ở lứa tuổi này, các em còn ngây thơ, thiếu hiểu biết, suy nghĩ còn nông cạn, chưa được chín chắn, tầm nhìn xa trông rộng còn hạn chế. Mặt khác, lứa tuổi mới lớn (15 – 16 tuổi) thường rất tò mò, ham thích cái mới, luôn muốn thể hiện mình và dễ bị kích động. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu đã dụ dỗ, lạm dụng các em, biến các em thành “những miếng mồi ngon” và buộc các em phải phụ thuộc vào các chất kích thích.
Trẻ em trong gia đình khá giả, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt éo le (cha mẹ mất sớm, cha mẹ ly hôn…), trẻ em lang thang, trẻ em sống trong môi trường phức tạp là những nhóm đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng bằng con đường ma tuý nhiều hơn cả. Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt thì việc lo lắng, mải mê mưu sinh là điều khó tránh khỏi. Sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái bị giảm sút do họ luôn bị cuốn hút vào vòng xoáy của kinh tế thị trường. Họ cứ nghĩ rằng chỉ cần kiếm được nhiều tiền thì cuộc sống gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc, con cái sẽ được sung sướng, đầy đủ. Vì thế không những họ ít quan tâm đến con cái, họ còn thường tỏ ra nuông chiều chúng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ biết lạm dụng những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu, biến các em thành đệ tử trung thành của chất bột trắng. Cũng có những em do hoàn cảnh gia đình éo le, cha mẹ mất sớm hoặc cha mẹ bất hoà dẫn đến ly hôn, các em không được sự quan tâm đẩy đủ của cha và mẹ hoặc do bị sốc về mặt tâm lý nên đâm ra chán nản, bất mãn và mong muốn làm một việc gì đó thật táo bạo để quên đi nỗi buồn. Nắm bắt được tâm lý, trạng thái bất ổn đó, không ít kẻ xấu đã lôi kéo, dụ dỗ các em đến với con đường nghiện hút. Ngoài ra, việc sống trong môi trường quá phức tạp, không lành mạnh, không đảm bảo an toàn cũng khiến các em bị lôi kéo, lạm dụng. Chẳng hạn, phải sống trong gia đình có cha mẹ hoặc người thân mắc nghiện, hay môi trường xung quanh có nhiều tụ điều tiêm chích ma tuý thì các em cũng dễ bị nhiễm theo.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do hoạt động ma tuý ngày càng tinh vi và phức tạp, trong khi đó học sinh, sinh viên lại là đối tượng dễ bị kích động, thường bị bọn xấu rủ rê lôi kéo. Có nhiều nơi, bọn buôn bán ma tuý đã ngang nhiên mang heroin đến tận cổng trường để bán cho học sinh. Những loại chất kích thích này có thể được bọc dưới dạng kẹo, thuốc lá, hoặc thậm chí để nguyên dạng là chất bột và gói thành những gói nhỏ. Nhiều em học sinh ban đầu chỉ vô tình tiếp xúc với các chất kích thích đó do không biết mình bị lừa gạt. Dần dần các em bị gây nghiện và trở thành những con nghiện bất đắc dĩ. Tuy nhiên, cũng có những em học sinh vì tò mò “muốn dùng thử cho biết” và vì sự lôi kéo của bạn bè xấu đến với ma tuý một cách tự nguyện mà không hề biết đến hậu quả nghiêm trọng do tính bồng bột của mình gây ra.
Trẻ em không những bị đầu độc, gây nghiện bằng các chất kích thích mà còn bị lạm dụng, lôi kéo vào việc mua bán ma tuý, vận chuyển các chất kích thích.
Đối với những kẻ buôn bán ma túy, do nhận thấy trẻ em là đối tượng có khả năng hoạt động rất linh hoạt, ít bị các cơ quan điều tra chú ý nên bọn chúng đã lợi dụng đặc điểm này để lôi kéo các em tham gia vào việc canh gác, vận chuyển, mua bán ma túy, gây khó xử lý cho các cơ quan chức năng. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, trẻ em là đối tượng được áp dụng những hình phạt đặc biệt đối với người phạm tội chưa thành niên. Cụ thể, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người đã thành niên.
5. Lợi dụng trẻ em làm công cụ, phương tiện để kiếm tiền
Trong các gia đình mà những ông bố, bà mẹ lười lao động, không chịu tìm kiếm một công việc làm ăn để duy trì cuộc sống mà chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào người khác thì quả là đã có lỗi rất lớn đối với chính con cái của họ. Đã vậy, họ lại lạm dụng, lôi kéo cả con cái của mình - những đứa trẻ còn đang trong độ tuổi ăn, chơi và học - để cùng tham gia vào việc kiếm sống. Tuổi thơ của các em đã không còn được vô tư, trong sáng như đám bạn bè cùng lứa, các em phải lam lũ, lang thang vất vả trên hè phố mong kiếm được miếng ăn hàng ngày.
Bên cạnh hiện tượng trẻ em ăn xin do cha mẹ sai bảo, ép buộc thì hiện nay tình trạng trẻ em lang thang khắp phố phường, tối đem tiền về nộp cho kẻ gọi là “bang chủ” bắt đầu xuất hiện. Tình trạng “cái bang”, “Bang chủ”, “cai đầu”… được hình thành với hình thức thu nạp trẻ lang thang nhằm lợi dụng các em làm công cụ để kiếm tiền.
Các em tìm đến nơi công cộng để ăn xin, lớn hơn thì đánh giầy, bán báo, bán vé số, bán hàng dạo, bán đồ cho khách du lịch, mang thuê vác mướn, thậm chí còn có cả trẻ con ăn cắp do một tên “đầu trộm đuôi cướp” cầm đầu và chỉ đạo. Những đứa trẻ lang thang từng ngày bị những kẻ vô đạo bóc lột sức lao động mà không giám kêu ca hay phản kháng lại do sợ bị đánh đập hoặc chịu sự trừng phạt từ phía những tên cầm đầu. Sự phụ thuộc của các em vào nhóm người này bắt nguồn từ suy nghĩ non nớt “sống lang thang một mình còn bị bọn đầu gấu bắt nạt hơn” nên các em thà chịu sự chi phối của bọn người có tổ chức này còn hơn là lang thang tự do một mình. Rõ ràng, những kẻ đánh cắp tuổi thơ như vậy cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc.
6. Lạm dụng năng khiếu bẩm sinh của trẻ em vào mục đích thương mại
Đây là hình thức lạm dụng trẻ em mới xuất hiện trong cơ chế kinh tế thị trường, bao gồm các hình thức lạm dụng trẻ em để thu băng, đĩa nhạc, chụp ảnh lịch, báo hoặc tổ chức các chuyến lưu diễn ca nhạc với mục đích mang lợi nhuận.
Với mức sống ngày càng được cải thiện thì nhu cầu hưởng thụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân đô thị cũng ngày càng gia tăng, trong đó thưởng thức văn hoá nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Thị trường ca nhạc gồm các loại băng đĩa hát được bày bán với đủ chủng loại đang được làm mới thêm bằng những băng đĩa hát có giọng ca của trẻ em.
Việc phát huy khả năng đặc biệt ở trẻ em và khai thác một cách đúng mực là đáng khuyến khích song một số người, trong đó có bậc làm cha mẹ chỉ vì mục đích kiếm tiền để không ngần ngại cho con em mình tham gia vào hoạt động mang lại lợi nhuận đó.
Hiện nay, các vũ trường, quán bar, sân khấu ca nhạc cũng sử dụng trẻ nhỏ tham gia biểu diễn để tạo không khí thay đổi, mới lạ nhằm thu hút khách hàng ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, cha mẹ các em cũng thu được một khoản thù lao từ việc biểu diễn của con mình. Những bài hát mà các em biểu diễn không phải là những bài hát phù hợp với lứa tuổi của mình mà các em được chỉ bảo để thể hiện những bài hát hiện đại của người lớn nói về những mối tình uỷ mị, ướt át mà ngay cả chính bản thân của các em cũng không hiểu được ý nghĩa của lời bài hát muốn nói gì. Có những em còn biểu diễn các động tác điệu nghệ của các ca sĩ nổi tiếng như “quăng micro từ tay ngày qua tay khác, lấy giọng gào thật to lời bài hát khiến giọng trong trẻo con nít của các em trở nên khàn khàn”. Thông thường thời gian biểu diễn của các em trong vũ trường, quán bar khoảng 30 phút đến 1 giờ làm thay đổi không khí trong quán. Việc nhận tiền thù lao chủ yếu là do thoả thuận giữa cha mẹ các em và những người chủ tổ chức buổi diễn. Có nhiều lần, đến 23 giờ đêm nhưng các em vẫn còn biểu diễn trên sân khấu. Với không khì ồn ào, náo nhiệt, thậm chí quá khích ở các quán bar, vũ trường thì ngay cả một số người lớn cũng không thể chấp nhận được vậy mà chính người lớn lại đưa con mình thâm nhập vào môi trường đó, đồng thời biến các em chỉ biết hát, múa theo lập trình của người lớn như một cái máy cốt làm sao thực hiện được mục đích kiếm tiền.
Việc khai thác một cách thái quá năng khiếu bẩm sinh ở trẻ của người lớn đã làm cho các em mất đi vẻ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của lứa tuổi mình và dần hình thành tâm lý thích biểu diễn ca nhạc để được chú ý và có được tiền. Không những thế thời gian dành cho việc học tập của các em cũng bị hạn chế, dẫn đến kết quả cũng như ý thức học tập của các em bị sa sút.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 6 (tháng 11+12)/2005
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận