(LLCT&TT) Quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam diễn ra trong những năm gần đây. Xu hướng này càng trở thành một “làn sóng” dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhất là đại dịch bệnh Covid-19. Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế vì có nhiều lợi thế. Để tận dụng được thời cơ vàng, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt những điều kiện để thu hút dòng vốn dịch chuyển này trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bài viết nêu lên xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, phân tích những hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng quá trình dịch chuyển sản xuất.
Trong cuốn sách “Thế giới phẳng”, Thomas Friedman đã đưa ra 10 nhân tố làm phẳng thế giới, trong đó nhân tố thứ 6 là chuyển sản xuất ra nước ngoài. Thomas Friedman cho rằng, Trung Quốc với việc gia nhập WTO đã đưa Bắc Kinh và thế giới tới một trình độ hoàn toàn mới về chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trung Quốc không có đối thủ trong việc thu hút dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài và dần trở thành “công xưởng của thế giới”. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc bắt đầu diễn ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này như: giá nhân công ngày càng đắt đỏ, việc phá giá đồng Nhân dân tệ…
Xu hướng này tăng lên mạnh mẽ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bắt đầu vào tháng 3 năm 2018 với việc Mỹ tăng thuế đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc. Đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã có một làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điểm đến của các nhà máy này chủ yếu là các nước ASEAN, Ấn Độ. Việt Nam với lợi thế gần Trung Quốc, nguồn nhân lực dồi dào và với những thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thị trường với dân số đông, tầng lớp khá giả ngày càng tăng đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đón dòng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc. Để nắm bắt được cơ hội có một không hai này, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc phát huy các lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư và khắc phục được những hạn chế còn tồn tại. Trong đó, việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình dịch chuyển này không chỉ mong muốn của nhà đầu tư mà còn là sự chuẩn bị của Việt Nam. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng ta xác định.
1. Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
Từ khi ra nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc dần trở thành “công xưởng của thế giới”, lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc cùng những thay đổi trong chính sách đã làm cho Trung Quốc từ nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ với một thời kỳ tăng trưởng kinh tế “thần kỳ”. Đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt mức trung bình 30% kể từ năm 2002. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn của hơn 120 quốc gia. Hàng hóa của Trung Quốc có mặt ở hầu hết các nước với giá cả cạnh tranh từ những hàng hóa đơn giản đến những hàng hóa có giá trị cao. Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra khi các nhà đầu tư nhận thấy “công xưởng của thế giới” bắt đầu tiềm ẩn những rủi ro, những lợi thế trước đây dần mất đi như giá cả nhân công tăng cao, chi phí sử dụng bất động sản công nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng mạnh sau quá trình phát triển liên tục của nền kinh tế và mức sống dân cư. Trung Quốc cũng đang cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng gia tăng tiêu thụ nội địa, tập trung phát triển dịch vụ và xuất khẩu mặt hàng có giá trị cao hơn… cùng với sự thay đổi của các chính sách tài chính như việc phá giá đồng Nhân dân tệ… cho nên các nhà đầu tư phải đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản xuất để phân tán rủi ro.
Đầu năm 2018 cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra sau khi những nỗ lực đàm phán của hai bên không đi đến sự thống nhất. Hai nước liên tiếp đưa ra các đòn trả đũa nhau bằng việc đánh thuế cao lên các sản phẩm xuất khẩu của nhau. Các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc tìm cách dịch chuyển sản xuất của mình để tránh bị đánh thuế cao cho các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để các nhà sản xuất trong nước mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh thị trường. Các nhà đầu tư có thể chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 xảy ra bắt đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc, các nước phải phong tỏa, đóng cửa biên giới, hạn chế lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, nhất là khẩu trang, các loại vật tư, thiết bị y tế nhất là ở những nước phát triển, khi những sản phẩm này hầu hết được cung cấp từ Trung Quốc và một số nước khác. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu làm cho các nước như Nhật Bản, Mỹ và EU thấy được sự phụ thuộc quá lớn vào hàng hóa từ Trung Quốc. Chính phủ các nước như Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nước mình rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về Mỹ hoặc sang nước thứ ba. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng có những động thái tương tự. Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh qua 2 đợt công bố, có 30/60 doanh nghiệp được chính phủ Nhật hỗ trợ đã chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng.
Có thể thấy, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thực chất là một xu hướng khách quan đã diễn ra trong nhiều năm nay với động lực chính được thúc đẩy bởi mục tiêu lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất, chi phí và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19, xu hướng này được đẩy mạnh hơn, trở thành một “làn sóng” dịch chuyển bởi ngoài các động lực trên nay có thêm động lực phân tán và giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam có nhiều lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng hiện nay như:
Một là, Việt Nam có một nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng ngày càng được nâng lên. Thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Hai là, Việt Nam có một môi trường chính trị - xã hội ổn định và bước đầu thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, với nhiều thành tựu được thế giới công nhận. Điều này rất quan trọng vì nó cho thấy Việt Nam là một điểm đầu tư an toàn, có năng lực quản trị, thích ứng nhanh với những diễn biến của dịch bệnh. Môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện
Ba là, Việt Nam tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực. Các FTA sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hưởng các ưu đãi giảm thuế hấp dẫn, khi xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và châu Âu. Gần đây nhất là hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là một lợi thế rất lớn để các nhà đầu tư di chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tiếp cận các thị trường có được do các hiệp định thương mại tự do.
Bốn là, Việt Nam có được một vị trí chiến lược, nằm cạnh Trung Quốc một thị trường tiêu thụ lớn và cũng là nơi cung cấp phần lớn các yếu tố đầu vào cho sản xuất các ngành. Hơn nữa, Việt Nam có đường bờ biển dài nằm trên một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Năm là, Việt Nam đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường logistics và cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng của hệ thống điện nước.
Với những yếu tố trên có thể thấy rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn để đón làn sóng dịch chuyển đầu từ Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư như: mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và chất thải; tiếp tục phát triển ngành dịch vụ logistics để giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là cần chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
2. Một số hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay
Mặc dù giáo dục đào tạo được Đảng và Nhà nước quan tâm, tuy nhiên thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp phải mất thêm chi phí để đào tạo lại khi tuyển dụng nhân sự mới. Thực tế cho thấy, lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, khả năng thích ứng với những thay đổi, kỹ năng thực hành, ý thức và tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam. Nhiều lao động mặc dù đã qua đào tạo nhưng phần lớn khi làm việc lại phải đào tạo lại, năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Cơ cấu lao động ở nước ta đang có những sự dịch chuyển từ lao động tay nghề thấp sang lao động chất lượng cao. Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, khuôn mẫu, lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Có thể thấy rõ như các doanh nghiệp nước ngoài trong các ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã liên tục đầu tư và mở rộng sản xuất trong những năm gần đây như Samsung, Foxconn (tập đoàn nổi tiếng với việc sản xuất các sản phẩm của Apple)… Như vậy, việc sử dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo sẽ dần ít đi và thay vào đó là lao động có trình độ cao và nhiều kỹ năng hơn.
3. Một số giải pháp xây dựng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đảng và Nhà nước coi là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Với làn sóng dịch chuyển đầu tư trong giai đoạn hiện nay, cần tăng tốc quá trình này nhằm tận dụng thời cơ vàng trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển sản xuất. Cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề…; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở vật chất phục vụ cho thực hành. Chú trọng đào tạo ra đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, có khả năng thích ứng với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể đào tạo thí điểm theo các chương trình của các nước phát triển như Đức, Úc. Xây dựng các chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo các tiêu chuẩn của các nước như Pháp, Bỉ, Hàn Quốc. Các chương trình này sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho các doanh nghiệp FDI mà còn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, nắm bắt được yêu cầu về số lượng, chất lượng, loại hình… về nguồn nhân lực mà nhà đầu tư mong muốn ở chúng ta bằng cách khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp khi họ đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, phải tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu, sự biến đổi của nguồn nhân lực trong tương lai. Nhất là dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ba là, cần chú trọng hơn nữa tới việc đào tạo theo nhu cầu của thị trường, bằng việc kết hợp việc đào tạo của các cơ sở đào tạo với các cơ sở sử dụng lao động. Điều này không những giảm được sự lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực mà còn làm cho người lao động được tiếp xúc với thực tế máy móc, môi trường làm việc của mình ngay trên ghế của nhà trường. Về phía các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo với nhà trường, tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường bằng việc cử các chuyên gia, các kỹ thuật viên đến giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm… Doanh nghiệp còn có thể tiếp nhận thực tập sinh, tài trợ học bổng, hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành.
Bốn là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề như môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, nhà ở, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay./.
________________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bình luận