Đại hội XIII của Đảng vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên
Một là, về ý nghĩa, tác dụng của việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên.
Kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực của nhân dân. Trong thực tế, mỗi tổ chức, cá nhân được trao quyền lực thường có xu hướng lạm quyền, tức lạm dụng quyền lực đó để mưu cầu lợi ích của một nhóm người, hoặc lợi ích của cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy nguy cơ này ngay trong những ngày đầu thành lập nhà nước mới. Vì thế, Người đã chủ trương xây dựng một nhà nước kiểu mới thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(1).
Chỉ hơn nửa tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” (ngày 19.9.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: dưới chế độ mới, “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ”(2). Nhận thấy nguy cơ “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(3), Người luôn trăn trở, băn khoăn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(4).
Như vậy, quyền lực của các tổ chức, cá nhân là do Đảng hoặc Chính phủ, đoàn thể “ủy cho họ quyền lãnh đạo” mà có. Xét cho cùng, quyền lực đó cũng đều do nhân dân “ủy thác”. Người thẳng thắn giải thích: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(5).
Kiểm soát quyền lực để khắc phục sự tha hóa quyền lực, trừng trị và xử lý nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của cán bộ. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh thấy rõ nguy cơ của quyền lực làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên; quyền lực được nhân dân ủy thác để thi hành nhiệm vụ bị biến thành quyền lực của riêng mình, không giữ được phẩm chất, bản lĩnh và ý chí dẫn đến lợi dụng chức quyền để trục lợi, lạm quyền, lộng quyền, suy thoái về đạo đức, lối sống cùng những tiêu cực khác. Người đã nghiêm khắc phê phán: “dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”(6).
Hồ Chí Minh nhấn mạnh, kiểm tra, kiểm soát chính là phương pháp quan trọng để bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự là của nhân dân, cán bộ không bị tha hóa. Theo Hồ Chí Minh, việc kiểm tra công tác đối với cán bộ là một trong năm “cách đối với cán bộ”, tức là năm phương pháp quản lý cán bộ của Đảng. Người viết: “Kiểm tra - không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(7).
Vì vậy, Người giải thích: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(8). Như vậy, qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực sẽ phát hiện ra khuyết điểm, những cán bộ làm sai, lộng quyền, lạm quyền, không thực hiện đủ quyền hạn; qua kiểm soát, phát hiện và kiên quyết trừng trị những cán bộ lạm dụng quyền lực, lợi dụng quyền lực nhân dân trao cho rồi cậy quyền, cậy thế ức hiếp dân chúng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Hai là, về phương pháp kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên.
Thực thi nghiêm pháp luật. Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân - theo Hồ Chí Minh - việc áp dụng pháp luật có vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc xử lý bằng pháp luật đối với các vi phạm cần nghiêm minh, kịp thời, không được bao che. Người thường phê phán những cán bộ có tư tưởng bao che, xử lý không nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật: “Có cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chưa bị xử phạt kịp thời... Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm”(9).
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra, kiểm soát công việc lãnh đạo, quản lý nói chung và kiểm tra, kiểm soát đối với đội ngũ cán bộ có chức quyền có vai trò cực kỳ quan trọng. Người khẳng định: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(10). Trong kiểm soát quyền lực, việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, cụ thể sẽ phát hiện sớm các biểu hiện lộng quyền, lạm quyền.
Việc Đảng kiểm tra, giám sát, làm trong sạch đội ngũ đảng viên đang giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan nhà nước tức là Đảng đã thực hiện sự kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua kiểm soát đảng viên trong cơ quan nhà nước. Điều đó cho thấy, nếu Đảng có kỷ luật nghiêm, thì việc kiểm soát của Đảng đối với các đảng viên trong các cơ quan của bộ máy nhà nước càng có hiệu quả. Người phê bình nghiêm khắc các tệ lạm dụng quyền lực của các đảng viên là những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước. Người viết: “Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng. Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ”(11).
Công tác kiểm tra của Đảng cầm quyền bao gồm các hoạt động chủ yếu, như: kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nghị quyết, chủ trương của Đảng; việc thực hiện Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng, trong đó Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương thức kiểm soát từ dưới lên. Người chỉ rõ: “Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Còn ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo”(12). Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người chỉ rõ: “Có kiểm tra mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(13).
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương thức kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân, cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; trong đó, bầu cử có vai trò quan trọng, là một hình thức cơ bản để nhân dân thực hiện quyền kiểm soát của mình đối với Nhà nước.
Theo Người, để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quan trọng nhất là cơ quan quyền lực nhà nước phải được nhân dân bầu ra một cách dân chủ và tiến bộ. Người lý giải: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”(14), bởi vì: “lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”(15). Từ đó, Người khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(16).
Điều kiện để kiểm soát tốt, có hiệu quả - theo Hồ Chí Minh - “phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(17); “theo cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, thì việc kiểm soát nhất định kết quả tốt”(18). Đồng thời, “phải hăng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó”(19).
2. Vấn đề kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên cho đến nay vẫn mang tính thời sự, có giá trị thiết thực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan công quyền ở nước ta hiện nay. Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực, Đại hội XIII đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên:
Một là, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên bằng việc phát huy mạnh mẽ tính chủ động, tích cực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Cần phát huy mạnh mẽ tính chủ động, tích cực sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ là vì: Trong thể chế chính trị của nước ta hiện nay, tất cả các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) đều tham gia vào thực thi quyền lực chính trị. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực là tất yếu khách quan đối với bất cứ tổ chức nào và bất cứ chức danh nào trong hệ thống chính trị. Mặt khác, khi đánh giá về những hạn chế trong kiểm soát quyền lực thời gian qua, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời”(20).
Do đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “kiểm soát phải có hệ thống” trong điều kiện hiện nay, cần xây dựng và thực thi cơ chế để các tổ chức, cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm các chức trách, nhiệm vụ được giao, không lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích, lợi ích cá nhân. Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Để kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên, cần coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí.
Hai là, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên bằng việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Có thể khẳng định, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng là một trong phương thức quan trọng và hiệu quả. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhờ chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc này trong các cơ quan nhà nước đã phát hiện và xử lý nhiều tổ chức và cán bộ vi phạm, trong đó một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, người đứng đầu áp đặt ý kiến cá nhân đối với tập thể lãnh đạo.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn xảy ra ở một số nơi. Một số cấp ủy, tổ chức đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài”(21); “việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”(22).
Để khắc phục hạn chế này, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp: “Quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(23). Tùy theo tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong mỗi lĩnh vực, mỗi cấp, một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cần được cụ thể hóa và yêu cầu đảng viên thực hiện theo tinh thần kỷ luật đảng. Theo đó, cần “đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, chống tha hóa quyền lực; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương”(24).
Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ sở pháp lý để kiểm soát quyền lực theo tinh thần: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(25). Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp: bổ sung, hoàn thiện “các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”(26). Đây là điều kiện để hiện thực hóa các chủ trương về kiểm soát quyền lực: “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”, tránh sự chồng chéo của các cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát quyền lực.
Trong kiểm soát quyền lực, Đại hội XIII chú trọng nhiệm vụ “xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”(27). Theo đó, việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cán bộ. Đặc biệt là, lần đầu tiên nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ ngay cả khi đã nghỉ hưu hay chuyển công tác, đây là một trong những điểm mới đột phá để hạn chế sai phạm của cán bộ, góp phần thiết thực vào việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Bốn là, hoàn thiện các chế định pháp lý để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương.
Để phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên cần mở rộng quy chế dân chủ cơ sở, có cơ chế để nhân dân có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tham gia ngày càng thực chất vào các công việc của địa phương, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước và các cán bộ ở địa phương. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá có hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”(28).
Năm là, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về điều kiện bảo đảm tính hiệu lực trong kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cần phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc và đề cao kỷ luật của Đảng và Nhà nước”(29) và bảo đảm tính khách quan, hiệu lực của kiểm soát quyền lực đối với cán bộ. Theo đó, sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là không có “vùng cấm”, “không ai đứng trên, đứng ngoài pháp luật”, tổ chức, cá nhân lạm quyền, lộng quyền phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta kiên quyết chỉ đạo: kiểm soát quyền lực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí”(30); “tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(31)./.
____________________________________________
(1), (3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.6, tr.232, 127.
(2), (4), (5), (6), (14), (16) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.22, 64-65, 21, 51, 153, 153.
(7), (8), (10), (12), (13), (17), (18), (19) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.316, 327, 637, 328, 636, 327, 332, 189.
(11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.7, tr.33.
(15) Hồ Chí Minh (2011), , Sđd, T.12, tr.565.
(29) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.696.
(20), (21), (22), (23), (30) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.2, tr.217, 217, 225, 254-255, 250-251.
(24),(26),(27),(28),(31) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.1, tr.198, 194-195, 187-188, 192, 190.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 20.9.2021
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận