“Lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Ba, năm 2023”
Tham dự buổi Lễ, về phía đại biểu khách mời có, PGS,TS. Phạm Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cùng đại diện các trường đại học: Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Trường Quản trị kinh doanh HSB; Học viện Kỹ thuật Quân sự…
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có, PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Trần Thanh Giang, UVBCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện; TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Trương Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Nhóm chuyên gia, Tổ thư ký, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35; trưởng, phó các đơn vị trực thuộc Học viện; các cán bộ, giảng viên; đại diện các lớp sinh viên đang học tập tại Học viện.
Tại buổi Lễ, PGS,TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng ban Chỉ đạo 35 Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát động “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Ba, năm 2023”.
Phát biểu phát động tại buổi Lễ, PGS,TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng ban Chỉ đạo 35 Học viện cho biết, năm 2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt 01 giải nhất tập thể, 01 giải nhất cá nhân và nhiều giải khuyến khích. Các bài dự thi phong phú về nội dung, đa dạng về chủ đề liên quan đến công tác Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quán triệt và thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
PGS,TS Mai Đức Ngọc nhấn mạnh, cuộc thi nhằm:
- Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho lực lượng thực hiện công tác này, hình thành mạng lưới các lực lượng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ lâu dài, bền vững;
- Nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội, góp phần bảo vệ, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng, các quy định, kết luận, chỉ thị của Đảng trong thời gian qua;
- Hình thành nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, có tính chiến đấu cao phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà còn lan toả phong trào này tới các trường đại học, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn cả nước.
PGS,TS Mai Đức Ngọc hy vọng, tiếp nối thành công của hai cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” năm 2021 và 2022, với tinh thần quyết tâm cao, khí thế mới, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ nhận được nhiều tác phẩm có chất lượng, đa dạng, thuộc các loại hình báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội...
Thành phần dự thi là toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học viên và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tác phẩm phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Tác phẩm dự thi là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa từng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động cuộc thi. Các tác phẩm dạng viết phải đảm bảo tỷ lệ không trùng lặp theo quy định cuộc thi (không quá 20% đối với thể loại tạp chí, không trùng lặp 25% đối với thể loại báo so với các công trình đã công bố của chính tác giả/nhóm tác giả hoặc tác giả/nhóm tác giả khác.
Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các ngành, địa phương, lĩnh vực.
Cũng tại buổi Lễ, TS Phạm Bình Dương, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thông qua thể lệ “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Ba, năm 2023”. Các đơn vị và chi bộ trực thuộc Học viện tổ chức phát động Cuộc thi, thu nhận và thẩm định các bài viết dự thi theo quy định và lập hồ sơ gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Học viện trước ngày 30.06.2023. Lễ công bố và trao giải cuộc thi được tổ chức vào tháng 09.2023, nhân dịp sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao giải theo 03 loại hình tác phẩm dự thi: loại hình bài tạp chí, loại hình báo in và loại hình phát thanh/truyền hình/Video clip; đồng thời, Ban Tổ chức trao giải Tập thể xuất sắc cho một số đơn vị trực thuộc Học viện có quá trình tổ chức triển khai cuộc thi sâu rộng, sáng tạo tại cơ sở, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII tại cơ quan, đơn vị; có nhiều sản phẩm tham gia dự thi đạt chất lượng tốt, trong đó có ít nhất 01 tác phẩm đạt giải B trở lên.
Ngoài giải chính thức, Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải Triển vọng cho tác phẩm dự thi của tác giả/nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên, sinh viên lọt vào vòng Chung khảo và có số điểm cao nhất trong số tác phẩm của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.
Tiếp đó, PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn, Trưởng khoa Triết học, đại diện Khối Lý luận nghiệp vụ và PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh và Truyền hình, đại diện Khối Báo chí, truyền thông phát biểu hưởng ứng cuộc thi.
Các đơn vị có tác phẩm dự thi gửi cho Ban Tổ chức theo đầu mối: Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, số 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 0973058333 (đ/c Nguyễn Thị Lan Phương), email: thiviet35ajc@gmail.com
THỂ LỆ
Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Ba, năm 2023
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 735- KH/HVBCTT, ngày 06 tháng 02 năm 2023
của Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
- Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đời sống xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua Cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lực lượng, tiến tới hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
- Nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng. Hình thành nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, có tính chiến đấu cao phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền của các đơn vị trong và ngoài Học viện.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Thể lệ này quy định mục đích, ý nghĩa, phạm vi, đối tượng áp dụng, tác giả, số lượng tác phẩm dự thi, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, Hội đồng Giám khảo và cách thức tổ chức Cuộc thi.
2. Để bảo đảm phạm vi nội dung, tính chất của Cuộc thi, các tác phẩm dự thi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ban Tổ chức về chủ đề, hình thức thể hiện. Những tác phẩm không đáp ứng yêu cầu này sẽ bị loại ngay từ khi tiếp nhận, không đưa vào chấm thi.
3. Để kịp thời phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các đơn vị trực thuộc Học viện sau khi nhận được tác phẩm dự thi của đơn vị mình, có thể chủ động công bố/đăng tải các tác phẩm có chất lượng tốt, nhưng khi gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Học viện phải gửi kèm theo minh chứng công bố/đăng tải (photo bài viết đã đăng tải trên báo/tạp chí, hoặc bản in nguyên trạng từ trang báo/tạp chí điện tử kèm đường link và bản mềm, hoặc đường link, địa chỉ đăng tải các tác phẩm phát thanh/truyền hình/videoclip).
Sau khi nộp tác phẩm dự thi, các tác giả/nhóm tác giả cũng có thể công bố/đăng tải tác phẩm của mình trên các phương triện truyền thông đại chúng được cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng phải báo cáo và cung cấp minh chứng kèm theo (như trên) về đơn vị đã thu nhận tác phẩm.
Việc cung cấp minh chứng công bố/đăng tải tác phẩm dự thi là căn cứ để Ban Tổ chức Cuộc thi xác định thời điểm công bố của tác phẩm dự thi (bảo đảm tính mới của tác phẩm) và tránh việc công bố/đăng tải tác phẩm dự thi nhiều lần.
CHƯƠNG II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Quy định về số lượng tác phẩm dự thi
- Với các tác phẩm dạng viết, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 02 tác phẩm tham gia dự thi: 01 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 01 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử).
- Với các tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm dự thi: 01 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 01 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 01 tác phẩm loại hình video clip.
Điều 4. Tiêu chí đối với tác phẩm dự thi
1. Về chủ đề, nội dung
Tác giả/nhóm tác giả xác định chủ đề tác phẩm theo các nhóm chủ đề tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm, những vấn đề nổi lên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; lý luận về đường lối đổi mới đất nước; mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay với các giá trị nổi bật (kết hợp hài hòa giữa ổn định và phát triển, lấy con người làm trung tâm, “không ai bị bỏ lại phía sau”, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân); bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; những nội dung cốt lõi, nội dung mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khoá XIII; bảo đảm an sinh xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội trên tất cả các lĩnh vực; tổng kết những kinh nghiệm quý, mô hình, cách làm hay và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (có Phụ lục định hướng, gợi ý chủ đề kèm theo).
2. Về hình thức:
Sản phẩm tham gia dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt thuộc một trong các loại hình: Tạp chí (in hoặc điện tử), Báo (in hoặc điện tử), phát thanh/truyền hình/video clip; bảo đảm quy định về hình thức sau đây:
2.1. Tạp chí
Tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài viết chính luận trên tạp chí in hoặc tạp chí điện tử với các yêu cầu cụ thể như sau:
- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).
- Ghi rõ loại hình bài viết: Tạp chí.
- Tóm tắt bài viết: không quá 150 từ, khoảng 10 dòng (in nghiêng).
- Từ khóa: gồm 3 đến 5 từ khóa.
- Dung lượng bài viết: Tối thiểu 4.000 từ - tối đa 6.000 từ (không tính chú thích và tài liệu tham khảo, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.
- Chú thích tài liệu trích dẫn: để ở cuối trang. Đối với sách báo tiếng Việt ghi rõ tác giả (năm), tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, tập số, trang trích dẫn. Đối với sách báo nước ngoài xuất bản bằng tiếng Việt thì sử dụng bản dịch ở lần xuất bản mới nhất. Tên sách và tên người nước ngoài đều viết bằng tiếng của nước đã xuất bản ấn phẩm, không phiên âm, chuyển ngữ hoặc dịch trừ những tên đã được Việt hóa (như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,...). Nếu sử dụng nguồn tài liệu chưa được công bố trên sách báo hoặc chỉ được phép dùng hạn chế thì phải ghi rõ tên cơ quan quản lý tài liệu, ký hiệu tài liệu.
- Tài liệu tham khảo: xếp tên tác giả (nếu không xác định được tác giả thì xếp theo tên cơ quan hoặc tên tài liệu) theo A,B,C với gồm: Tên tác giả (năm), tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, tập số.
2.2. Báo viết
Tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài báo chính luận trên báo in hoặc báo điện tử với các yêu cầu cụ thể như sau:
* Đối với báo in
- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).
- Ghi rõ thể loại bài viết: Báo in
- Tóm tắt bài viết: không quá 150 từ, khoảng 10 dòng (in nghiêng).
- Một bài viết không quá 4.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.
- Chú thích tài liệu trích dẫn (nếu có): Trình bày như đối với bài Tạp chí.
* Đối với báo điện tử
- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).
- Ghi rõ thể loại bài viết: Báo điện tử.
- Sapo: không quá 60 từ, khoảng 4 dòng (in nghiêng).
- Một bài viết không quá 2.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.
- Chú thích tài liệu trích dẫn (nếu có): Trình bày như đối với bài Tạp chí.
Với bài viết nhiều kỳ: không quá 03 kỳ, mỗi kỳ không quá 2.000 từ, mỗi kỳ kết cấu như một bài viết đọc lập.
2.3. Phát thanh, truyền hình
- Thể loại phát thanh: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (không quá 03 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút, thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
- Thể loại truyền hình: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (mỗi loạt bài không quá 03 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút, thể hiện được đặc trưng của báo truyền hình là hình ảnh động, hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.
2.4. Video clip
Mỗi tác phẩm là một video clip hoặc loạt video clip về cùng một chủ đề chuyên luận, chuyên đề (mỗi loạt video clip không quá 03 kỳ). Mỗi video clip (hoặc mỗi kỳ trong loạt video clip) có độ dài tối đa không quá 05 phút, thể hiện được đặc trưng của thể loại video clip là hình ảnh động, hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.
* Lưu ý:
- Tác phẩm dự thi của các tác giả sẽ được tổ chức chấm kín, vì vậy đề nghị tác giả/nhóm tác giả cung cấp thông tin cá nhân ở một trang riêng đính kèm phía sau tác phẩm (đối với dạng viết) hoặc kịch bản văn học (đối với dạng âm thanh/hình ảnh/video clip). Không đặt thông tin của tác giả gắn với bất cứ nội dung nào của tác phẩm.
- Thông tin cá nhân gồm: Họ và tên, năm sinh, bút danh, chức danh khoa học, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, địa chỉ email và số tài khoản (kèm chi nhánh ngân hàng), mã số thuế cá nhân.
- Những tác phẩm không đáp ứng các quy định về nội dung và hình thức nêu trên bị coi là phạm quy (bị loại). Ban Tổ chức Cuộc thi không hoàn trả các tác phẩm phạm quy.
Điều 5. Ban Tổ chức Cuộc thi
1. Ban Tổ chức Cuộc thi do Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động liên quan đến Cuộc thi.
2. Ban Tổ chức Cuộc thi được quyền sử dụng tác phẩm tham gia dự thi để công bố/đăng tải trên các phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Điều 6. Đơn vị Thường trực Cuộc thi
Đơn vị Thường trực Cuộc thi là Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đơn vị Thường trực Cuộc thi có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thể lệ Cuộc thi tới các đơn vị, cá nhân liên quan.
2. Là đầu mối nhận tác phẩm do các đơn vị gửi về tham dự Cuộc thi.
3. Chủ trì, phối hợp tham mưu về nội dung và bảo đảm về cơ sở vật chất cho Ban Tổ chức cuộc thi và Hội đồng Giám khảo.
4. Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động hợp pháp nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ cho quá trình tổ chức Cuộc thi. Phối hợp tổ chức quản lý và sử dụng nguồn tài trợ theo dự toán kinh phí của Cuộc thi bảo đảm các quy định về quản lý tài chính hiện hành.
5. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi.
Điều 7. Hội đồng Giám khảo
1. Quyết định thành lập Hội đồng Giám khảo do Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền ký.
2. Giúp việc cho Hội đồng Giám khảo có Tổ giúp việc do Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của đơn vị Thường trực Cuộc thi.
3. Hội đồng Giám khảo xây dựng tiêu chí và quy chế chấm thi phù hợp với yêu cầu của Cuộc thi và Luật Báo chí.
Điều 8. Lập hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi do các đơn vị trực thuộc Học viện lập, gồm các sản phẩm sau:
(1) Báo cáo tổng kết quá trình triển khai Cuộc thi ở đơn vị (nêu rõ hình thức triển khai, tổng số tác phẩm dự thi thu được và số tác phẩm dự thi theo từng loại hình; số tác phẩm gửi dự thi tại Học viện).
(2) Danh sách tổng số tác phẩm dự thi đã thu nhận được (theo mẫu của Ban Tổ chức Cuộc thi - định dạng Microsoft Excel).
(3) Nội dung các tác phẩm dự thi:
- Mỗi tác phẩm dạng bài viết gửi bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word), kèm thông tin cá nhân.
- Mỗi tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh gửi file âm thanh/hình ảnh/clip và kèm bản in kịch bản văn học (định dạng Microsoft Word), kèm thông tin cá nhân.
- Các tác phẩm đã công bố/đăng tải phải gửi kèm minh chứng theo quy định tai Điều 2 thể lệ này.
Điều 9. Phương thức, quy trình tổ chức chấm thi và xét giải thưởng
1. Phương thức, quy trình tổ chức chấm thi thực hiện theo mục 4, phần V Kế hoạch tổ chức Cuộc thi.
2. Ban Tổ chức Cuộc thi căn cứ kết quả triển khai Cuộc thi tại các đơn vị, kết quả tổ chức chấm thi để xét giải thưởng cho các cá nhân, tập thể, đề xuất Ban Chỉ đạo Cuộc thi quyết định.
Điều 10. Giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả Cuộc thi. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người khiếu nại, lý do khiếu nại và gửi về đơn vị Thường trực Cuộc thi.
Đơn vị Thường trực Cuộc thi có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức Cuộc thi. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh.
2. Các tác phẩm tham dự cuộc thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thu hồi giải thưởng (nếu có), thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Bản Thể lệ này đã được Ban Chỉ đạo cuộc thi xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh điểm nào chưa hợp lý, Ban Tổ chức Cuộc thi tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Cuộc thi xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tế./.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Bài liên quan
- Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- Ra mắt Ban liên lạc Hội cựu Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khu vực phía Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)
- Thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
Chiều 19/8/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu cho 35 sinh viên Khóa V.
Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Sáng 8/8/2024, Đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đã thực hiện khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng 04 chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền gồm: ngành Chính trị học, chuyên ngành Truyền thông chính sách; ngành Truyền thông quốc tế; ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế; ngành Quản lý công.
Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
Chiều 19/8/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu cho 35 sinh viên Khóa V.
Ra mắt Ban liên lạc Hội cựu Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khu vực phía Nam
Ra mắt Ban liên lạc Hội cựu Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khu vực phía Nam
Ban liên lạc Hội cựu Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khu vực phía Nam vừa ra mắt chiều 31/7 tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh. PGS, TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng hơn 20 cựu sinh viên của học viện tại khu vực phía Nam tham gia buổi lễ.
Gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)
Gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)
Sáng 21/6/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi Gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc mừng Viện Báo chí – Truyền thông, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử, các Chi hội Nhà báo.
Bình luận