1. Khái quát vai trò của giáo dục, đào tạo nói chung và đào tạo năng khiếu, nghệ thuật nói riêng
Sự phát triển con người và giáo dục được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự tiến bộ xã hội. Giáo dục là nhân tố cơ bản để biến đổi lực lượng sản xuất, là vấn đề chiến lược trong phát triển của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại tri thức; là nhân tố quyết định tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Tầm quan trọng đặc biệt của giáo dục được thể hiện ở vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của nó. Một nền kinh tế - xã hội muốn có sức mạnh để phát triển cần tạo ra trình độ trí tuệ ngang tầm thời đại và nguồn chất xám cũng như nhân lực kỹ thuật đủ trình độ để luôn đổi mới nâng cao năng xuất lao động, phát triển các hoạt động dịch vụ, nâng cấp các hoạt động văn hoá, tinh thần… điều này phụ thuộc vào giáo dục và đào tạo.
Trong sự phát triển của giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay không thể không nhắc đến lĩnh vực đào tạo năng khiếu, nghệ thuật. Đào tạo năng khiếu, nghệ thuật để nâng cao đời sống nghệ thuật cho người dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, trong số các yếu tố liên quan đến phát triển giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo năng khiếu nghệ thuật nói riêng thì quản lý nhà nước giữ vai trò then chốt. Sự tác động từ chính sách của Nhà nước đến giáo dục và đào tạo là tác động đến những người tham gia vào quá trình giáo dục và tác động đến cả xã hội. Nhà nước ban hành chính sách qua hình thức các văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp về giáo dục, đào tạo có thể kể đến là: Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện.
Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Các luật và các văn bản hướng dẫn đã quy định nội dung, hình thức, các cấp độ đào tạo nghề, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan nhằm tạo điều kiện để hoạt động đào tạo nghề phát triển đúng hướng. Tuy nhiên cho đến nay, sau một thời gian thực hiện các luật nói trên thì các trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn. Nội dung tiếp theo và cũng là trọng tâm của bài nghiên cứu, chúng tôi đề cập những hạn chế, bất cập khi thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đối với các trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật hiện nay.
2. Những hạn chế, bất cập khi thực hiện các văn bản pháp luật trong thực tiễn đào tạo của các trường năng khiếu, nghệ thuật
2.1. Những hạn chế, bất cập trong công tác tuyển sinh và đào tạo
Chính thức có hiệu lực từ năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu chung đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo... nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực năng khiếu, nghệ thuật lại đang tạo ra vô số bất cập. Gần đây, hàng loạt các trường đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng loạt kiến nghị xung quanh những “rối ren” này.
Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này. Có thể nhận thấy rất rõ, tính đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật rất khác với các cơ sở đào tạo hiện nay trong ngành giáo dục. Tính đặc thù thể hiện ở công tác tuyển sinh và công tác đào tạo.
Quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu, nghệ thuật như: các ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đang triển khai trong các đại học, học viện; các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như cao đẳng, trung cấp văn hóa - nghệ thuật, các ngành, nghề chuyên môn đặc thù khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.
Những quy định trên làm cho công tác tuyển sinh đầu vào gặp nhiều khó khăn. Hiện nay tỷ lệ học sinh theo học năng khiếu nghệ thuật đang giảm dần, nhiều học sinh thực sự có năng khiếu nhưng không theo học hoặc không thể theo học thường xảy ra. Trong quá trình đào tạo năng khiếu nghệ thuật, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, nhiều học sinh không thể theo hết khóa học. Vì vậy chênh lệch giữa tổng số tuyển sinh và tốt nghiệp khá lớn. Mặt khác do công tác phân luồng đào tạo giữa các trình độ đào tạo còn nhiều bất cập, người học và gia đình chưa xác định rõ mục đích học tập, tâm lý chung còn nặng về bằng cấp dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Đây cũng là thực trạng chung dẫn đến hiện tượng thiếu hụt đầu vào, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng đào tạo.
Luật Giáo dục nghề nghiệp và nghị định hướng dẫn chỉ quy định chung chung mà không có những văn bản hướng dẫn riêng đối với tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật.
Múa là là ngành nghệ thuật rất đặc thù, thời gian học kéo dài nhiều năm nhưng tuổi nghề khá ngắn, khoảng 35 tuổi là phải chuyển nghề. Do đó việc thay đổi diễn viên diễn ra thường xuyên. Để có nguồn, nhà trường phải đào tạo từ bậc sơ cấp, trung cấp. Nếu giờ chỉ đào tạo đại học, tức tập trung vào biên đạo múa, huấn luyện viên thì các nhà hát mang tầm quốc gia, nơi thường tuyển diễn viên chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao từ trường múa, sẽ không thể tuyển được.
Theo quy định của luật thì Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng không được đào tạo hệ sơ cấp, trung cấp. Trong khi tính từ ngày thành lập, Học viện Âm nhạc quốc gia đã hơn 65 năm đào tạo hệ trung cấp. Vì hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc quốc gia là hệ đào tạo năng khiếu kéo dài từ 6-9 năm, không phải là giáo dục nghề (6-12 tháng) theo Luật giáo dục nghề nghiệp.
Để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần phải có 13 năm đào tạo liên tục từ bậc sơ cấp (từ nhỏ), dần tiến lên bậc trung cấp chuyên nghiệp, rồi tiếp tục học tới cao đẳng, đại học, nghĩa là đặc thù của đào tạo tài năng nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ. Việc yêu cầu các trường đại học, học viện khối nghệ thuật bỏ đào tạo trung cấp (như quy định của luật) đang gây ra xáo trộn rất lớn, nhất là khi các trường này đều đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật do Chính phủ giao.
Như vậy, do đặc thù ngành nghề, các trường nghệ thuật rất cần duy trì hệ đào tạo từ sơ cấp, trung cấp lên đại học để duy trì nguồn tuyển. Nếu có một nghị định riêng quy định các trường năng khiếu, nghệ thuật được đào tạo sơ cấp, trung cấp thì những đề án đào tạo theo yêu cầu xã hội sẽ không bị vướng khi triển khai.
Một yếu tố mang tính đặc thù nữa là việc đào tạo đối với khối ngành nghệ thuật rất khó khăn và tốn kém. Ðào tạo năng khiếu nghệ thuật khác với các lĩnh vực đào tạo đại trà. Ðối với các ngành hoặc lĩnh vực khác, một thầy có thể giảng dạy cho quy mô lớp đến hàng trăm sinh viên, còn đào tạo nghệ thuật lại phải chia thành những lớp nhỏ, một thầy hoặc thậm chí một đến ba thầy dạy một trò. Một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với tám giáo viên từ việc học các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông.
Về độ tuổi tuyển sinh, độ tuổi tuyển sinh ở các trường năng khiếu, nghệ thuật rất khác nhau, có trường phải thực hiện cả chế độ bảo mẫu đối với học sinh, không thể theo công thức chung giống như đào tạo ở các ngành nghề khác. Do đặc thù đào tạo năng khiếu nghệ thuật nên việc tuyển sinh vào trường không thể tiến hành ồ ạt mà phải có sự lựa chọn kỹ càng theo yêu cầu của từng chuyên ngành. Việc tổ chức đào tạo các ngành, nghề này cũng khác. Đa số các ngành đào tạo nghệ thuật giảng dạy theo hình thức một thầy - một trò nên việc tổ chức, xếp lớp cũng rất khác so với những trường nghề khác. Việc bố trí học văn hóa cùng với mười mấy môn chuyên ngành cho một năm học để phù hợp với tất cả học viên trong trường gặp rất nhiều khó khăn và vì vậy phải hết sức linh hoạt trong sắp xếp lịch dạy văn hóa và lịch dạy chuyên môn (năng khiếu, nghệ thuật).
Vì những yếu tố đặc thù nêu trên mà những quy định chung của Luật Giáo dục đã tạo ra nhiều “nút thắt” cho cho các trường năng khiếu, nghệ thuật. Theo Luật Giáo dục năm 2019 quy định các trường nghề không tổ chức dạy văn hóa và trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung cấp như trước mà phải liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Quy định này đã gây ra những xáo trộn lớn từ phía các trường trong công tác đào tạo. Có những thời điểm phục vụ các sự kiện lớn của Nhà nước, học viên các trường nghệ thuật phải luyện tập cả tháng trời tại sân vận động, nếu theo khung thời gian chương trình “cứng” của các trung tâm này thì học viên trượt hết. Điều này càng khiến trường khó hơn trong tuyển sinh.
Thực tế cho thấy, những bất cập của luật đã tác động “tiêu cực” tới phụ huynh và học sinh các trường năng khiếu, nghệ thuật.
Ngày 31 tháng 3 năm 2021, hàng trăm phụ huynh và học viên trường Múa phải gửi đơn kêu cứu khắp nơi do không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT sau khi ra trường dù có quá trình học đầy đủ và có điểm số. Nguyên nhân là vì từ năm 2017, trường đã được đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, danh sách hoạt động của Trường không có dạy văn hóa (theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014). Thay vì liên kết với một đơn vị giáo dục khác để dạy văn hóa thì trường vẫn tiếp tục dạy văn hóa như trước, không liên kết với đơn vị giáo dục bên ngoài dẫn đến việc không có mã định danh để cấp bằng tốt nghiệp cho các học viên. Sự việc này khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được công văn số 1016/BVHTTDL-ĐT ngày 1/4/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo THCS, THPT và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam. Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009; Luật Giáo dục ngày 14.6.2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:
“Trong trường hợp trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thì Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh theo thẩm quyền. Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định khung trung cấp chuyên nghiệp”.
Từ sự bất cập của Học viện Múa trong việc dạy văn hóa và cấp bằng cho học viên, ngày 06 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ có liên quan về vấn đề này. (Thông báo Số: 76/TB-VPCP Thông báo của Văn phòng Chính phủ kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Như vậy, văn bản pháp luật (Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản hướng dẫn) đã thiếu tính hợp lý và tính khả thi đối với các trường năng khiếu nghệ thuật nên các bộ, ngành liên quan vẫn phải áp dụng luật cũ.
Không chỉ Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Múa (trường đại học theo quy định của Luật Giáo dục), mà ngay cả trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cũng gặp những khó khăn khi thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các trường nghệ thuật cũng như các trường nghề khác không có chức năng giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS, THPT nữa mà phải liên kết với các trung tâm GDNN - GDTX để dạy văn hóa cho học viên. Điều này gây khó khăn cho công tác sắp xếp và quản lý giáo dục vốn mang tính chuyên sâu đặc thù của các trường nghệ thuật. Những khúc mắc liên quan tới vấn đề này một lần nữa khiến đại diện 500 phụ huynh học sinh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phải làm đơn kiến nghị vì lo lắng những thay đổi trong quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Thực tế cho thấy, nếu chỉ học văn hóa thì có thể học ở nhiều trường, nhưng các trường nghệ thuật nói chung còn đào tạo những bộ môn chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật. Vì thế, muốn được học tại trường, bắt buộc học sinh phải trải qua kỳ thi năng khiếu chứ không chỉ nộp hồ sơ là được vào học như các trung tâm GDNN - GDTX. Vì điều này, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cùng với các trường nghệ thuật khác trên địa bàn Hà Nội đã gửi tờ trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để xin tiếp tục được dạy chương trình GDTX cấp THCS, THPT như những năm học trước đây. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có Công văn số 2606/SGDĐT-GDTX-CN ngày 19/7/2021 để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cho phép nhà trường tiếp tục giảng dạy chương trình này. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3216/BGDĐT - GDTX - CN chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường nghệ thuật thực hiện đúng Luật Giáo dục.
Theo đơn kiến nghị của phụ huynh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, quy định này được áp dụng sẽ thay đổi bằng tốt nghiệp THPT của con em họ. Trước đây, bằng tốt nghiệp ghi là học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và được trường này ký, đóng dấu học bạ. Song, theo quy định mới, bằng tốt nghiệp của các học sinh này sẽ ghi là học tại trung tâm GDNN - GDTX dù trên thực tế các em vẫn là học sinh của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và các trung tâm kia chỉ đóng vai trò là đơn vị liên kết để giảng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THCS, THPT. Phụ huynh còn kiến nghị rằng, con em của họ được cấp bằng của GDNN - GDTX thì sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ bị hạn chế thi vào các các trường đại học của lực lượng vũ trang nhân dân. Điều này sẽ thiệt thòi lớn cho con em của họ. Và còn một bất cập nữa là: hiện nay học sinh đào tạo nghệ thuật đang thuộc diện hưởng trợ cấp của Nhà nước theo đề án đào tạo các chuyên ngành khó tuyển sinh. Nếu phải thực hiện đào tạo văn hóa tại các trung tâm GDTX thì học sinh sẽ phải chịu mức học phí văn hóa theo quy định của trung tâm GDTX. Điều này sẽ gây khó khăn về kinh phí cho nhiều gia đình.
2.2. Những hạn chế, bất cập trong quy định học hàm, học vị đối với đội ngũ giảng dạy
Trong quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về trình độ đối với những người làm công tác giảng dạy. Theo đó, quy định nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ (điểm c, khoản 1, Điều 72). Quy định này đã gây khó khăn cho các trường năng khiếu, nghệ thuật đào tạo bậc đại học. Bởi lẽ, đào tạo nghệ thuật nhất là diễn viên không thể đòi hỏi phải có học hàm, học vị đối với các giảng viên là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Hoặc các trường năng khiếu thể dục, thể thao, người dạy có thể là các vận động viên, các cầu thủ nổi tiếng có nhiều thành tích cao (phù hợp về mặt chuyên môn). Họ có thể giảng dạy nhưng đòi hỏi về học vị đối với nguồn nhân lực này là không thể. Nếu cứ áp dụng các quy định cứng như vậy thì sẽ không thể bảo đảm chất lượng đào tạo cho lĩnh vực năng khiếu thể thao, nghệ thuật.
Trên thực tế, công tác tuyển dụng giảng viên, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn đối với các trường năng khiếu, nghệ thuật, đặc biệt đối với giảng viên, giáo viên chuyên ngành có nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Cán bộ quản lý đào tạo chưa được đào tạo một cách bài bản, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ngày càng ít đi những nhà giáo được Nhà nước phong danh hiệu, không có chế độ chính sách để khuyến khích đội ngũ kế cận nâng cao trình độ chuyên môn, học hàm, học vị. Vì thế, việc mở mã ngành đào tạo nghệ thuật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khó khăn, vì do đặc thù chuyên ngành, tỷ lệ giảng viên nghệ thuật có trình độ thạc sĩ trở lên đối với các trường nghệ thuật còn thấp, đặc biệt các ngành thanh nhạc, nghệ thuật múa, biểu diễn nhạc cụ.
2.3. Những hạn chế, bất cập từ quy định của pháp luật về cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường năng khiếu, nghệ thuật
Việc chuyển đổi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rất khác so với đăng ký mở ngành theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường đào tạo các ngành năng khiếu từ trung cấp, cao đẳng lên đại học (đặc biệt đối với các trường âm nhạc). Việc chia tách, sáp nhập các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ảnh hưởng đến việc xáo trộn trong hệ thống; việc chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng ảnh hưởng đến hệ thống văn bản, phương thức quản lý, chuyển đổi chương trình, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tiêu chuẩn giảng viên, giáo viên…
3. Một số nhận xét
Từ những hạn chế, bất cập khi thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đối với các trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, tháng 9.2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự thảo bao gồm 4 chương, 15 điều. Dự thảo áp dụng với đối tượng là các đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường trung cấp, trường cao đẳng có tổ chức hoạt động đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Với Dự thảo này, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ. Tháo gỡ vướng mắc về độ tuổi và trình độ đào tạo; quy định các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học về nghệ thuật; quy định nhiệm vụ của các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo đối với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật theo Luật định…
Tuy nhiên cho đến thời điểm hết tháng 3/2022, Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn chưa được ban hành. Vì vậy mà vẫn còn những khó khăn nhất định cho các trường năng khiếu nghệ thuật trong mùa tuyển sinh đang đến gần.
Về quan điểm giáo dục nghề nghiệp giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chúng tôi nhất trí tán thành. Nhưng đề nghị tách hệ trung cấp nghệ thuật khỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trở về mô hình cũ. Vì chúng tôi quan niệm để Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý nhà nước (như quy định trước đây) thì hợp lý hơn. Bởi, chúng ta không thể đánh đồng trung cấp nghệ thuật (đào tạo âm nhạc, múa…) giống như nghề phổ thông khác có thời gian đào tạo ngắn.
Trong những năm qua, những chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nội dung chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật dẫn đến những khó khăn bất cập trong công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường năng khiếu nghệ thuật. Thiết nghĩ khi sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những luật liên quan đến giáo dục, đào tạo thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải lường đến những hạn chế, bất cập đối với các lĩnh vực đào tạo rất đặc thù. Luật đã thông qua mấy năm mà chưa có nghị định hướng dẫn đã làm các trường năng khiếu nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
__________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ, Thông báo số: 76/TB-VPCP ngày 08/4/2021.
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
3. Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
4. Quốc hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) 2018, Luật Giáo dục 2019.
5. Quân đội nhân dân online, Đừng để cơ chế lấy đi tương lai ngành nghệ thuật, 02/11/2021.
6. Tuổi trẻ online, Các học viện múa, âm nhạc kêu cứu vì không được đào tạo trung cấp, 25/07/2020.
7. Tuổi trẻ online, Hàng trăm học viên Học viện Múa Việt Nam ra trường ‘trắng tay” 31/03/2021.
8. Infonet-Vietnamnet, Chỉ 53,13% đại biểu tán thành Luật dạy nghề, 27/11/2014.
Bình luận