Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Một là, khẳng định tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ từ góc độ kinh tế mà từ nhu cầu giải phóng dân tộc, phát triển văn hóa và đạo đức.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã tìm thấy trong học thuyết khoa học và cách mạng của Mác con đường chân chính để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Trong bài Trả lời phỏng vấn của Sáclơphuốcniô, phóng viên báo L’Humanité, Người khẳng định: “…chỉ có chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”(1). Hồ Chí Minh đã thấy được giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Đối với Hồ Chí Minh: chủ nghĩa xã hội là ước mơ, mục tiêu lý tưởng của cách mạng Việt Nam, đó là sự nhất quán con đường cứu nước mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, xuất phát từ hoàn cảnh một nước thuộc địa mất độc lập, tự do, Hồ Chí Minh ra đi năm 1911 là để tìm con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, không theo con đường của các bậc tiền bối. Chính từ khát vọng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều năm khảo sát, tìm tòi, Người biết đến cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã đến với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội mới có thể giải phóng các dân tộc một cách triệt để. “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(2). Muốn vậy, giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ tìm thấy được trong chủ nghĩa xã hội và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có được giá trị chân chính của độc lập và tự do.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức, hướng tới chủ nghĩa nhân văn cao cả. Theo Người, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội vừa ở mức sống vật chất, vừa ở giá trị đạo đức của xã hội, ở phẩm chất đạo đức của những người cộng sản ưu tú. Việc giảm sút niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội, không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời mà chủ yếu là ở sự sa sút, thoái hóa của những người được mệnh danh là “những chiến sĩ tiên phong” trước thuận lợi hay khó khăn của cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, phong trào cộng sản quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh loài người chẳng những là do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành sức mạnh vô địch. Đạo đức chính là nhân tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. “Có gì sung sướng và vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”(3). Đối với Hồ Chí Minh, đạo đức cao cả nhất là đạo đức cách mạng, đạo đức giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Chủ nghĩa xã hội vì vậy cũng là giai đoạn phát triển mới của đạo đức.
Chủ nghĩa xã hội là một xã hội mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, một xã hội mà ở đó mọi người được tự do phát huy mọi năng lực của mình. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cao cả, trong sáng của con người là ở chỗ toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đó là đạo đức xã hội chủ nghĩa, là con người xã hội chủ nghĩa, là bước phát triển cao của đạo đức.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Việt Nam là một nước nông nghiệp, lấy đất và nước làm nền tảng nên đòi hỏi rất nhiều nhân lực. Địa hình Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, lại nằm trong vùng nhiệt gió mùa, người dân Việt Nam phải thường xuyên vật lộn, chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Chế độ công điền và công cuộc trị thủy sớm gắn kết con người Việt Nam lại với nhau. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đứng lên để chống giặc ngoại xâm, đó là những nhân tố quan trọng hình thành nên tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam - một nhân tố thuận lợi để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Con người Việt Nam có tâm hồn trong sáng, giàu lòng vị tha, yêu thương đồng loại, kết hợp được cái chung với cái riêng, gia đình với Tổ quốc, dân tộc và nhân loại… chính những truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam đã tạo nên bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Việt, là một trong những cơ sở dẫn dắt Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội. Như Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(4).
Bản chất của chủ nghĩa xã hội tự nó đã thể hiện những văn hóa tốt đẹp; chủ nghĩa xã hội là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt văn hóa và giải phóng con người. Nói đến văn hóa là nói đến con người, theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết là xây dựng con người có văn hóa, có trình độ, năng lực… và Người đã từng nhắc nhở: Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa, nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Đối với Hồ Chí Minh: muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa.
Hai là, khẳng định chân lý mới mẻ: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”.
Thực tiễn xã hội phương Đông, ngay từ rất sớm đã xuất hiện tư tưởng xã hội chủ nghĩa sơ khai, những tư tưởng tiến bộ trong “thuyết đại đồng” và truyền bá sự bình đẳng về tài sản của Nho giáo. Khổng Tử từng nói, thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng, “Người ta không sợ thiếu chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn”(5), việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số mà cho tất cả mọi người… đó chính là những chất liệu của văn hóa phương Đông là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phương Đông cũng là cái nôi của các tôn giáo lớn như Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo mà nội dung cốt lõi của các học thuyết này là nhằm giải phóng con người, mưu cầu hạnh phúc cho con người, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Có thể nói, nguồn gốc của tôn giáo tương đồng với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Về tổ chức kinh tế, ở phương Đông đã từng tồn tại hàng nghìn năm chế độ công điền, chế độ tỉnh điền, chế độ sở hữu ruộng công thể hiện tính cố kết cộng đồng cao, là cơ sở để xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu. Tất cả những đặc trưng của xã hội phương Đông rất gần với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đó là tiền đề, điều kiện thuận lợi để “chủ nghĩa xã hội xâm nhập vào châu Á dễ hơn ở châu Âu”, là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở xã hội phương Đông nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng.
Chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của phương Đông, của châu Á bởi các nước này đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều trở thành đối tượng xâm lược của thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa thực dân tiến hành xâm lược áp bức, bóc lột các nước thuộc địa (thực hiện công nghiệp hóa cưỡng bức), làm thay đổi cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp - giai cấp công nhân thuộc địa ra đời có điều kiện phát triển, tiếp thu truyền thống, lý luận. Chủ nghĩa thực dân đã thực hiện sự thống trị tàn bạo đối với các nước thuộc địa: độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị và nô dịch về văn hóa. Chính sự tàn bạo vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc, sự thống trị dã man đã tước bỏ các quyền làm người của mỗi người. Chính sự tàn bạo đó đã giúp cho người dân nhận thức được bản chất của chế độ tư bản, từ đó lựa chọn, hướng về một xã hội tốt đẹp hơn mà nhân loại đang tiến đến.
Chính sự áp bức tàn bạo vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản đã làm bần cùng hóa người lao động, thúc đẩy nhân dân đấu tranh, là tiền đề, điều kiện để chủ nghĩa xã hội ra đời và phát triển. Đúng như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(6).
Ba là, sáng tạo trong cách tiếp cận về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Hồ Chí Minh không có một tác phẩm chuyên bàn về chủ nghĩa xã hội, cũng không đưa ra một khái niệm chung về chủ nghĩa xã hội mang tính lý luận cao mà bằng những quan niệm khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Người diễn đạt chủ nghĩa xã hội trên những mặt cụ thể, bằng những lời lẽ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.
Theo Người, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội bao gồm các mặt hoàn chỉnh, con người được phát triển toàn diện, tự do. “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên trái đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những bức tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”(7). Nói cách khác: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”(8). Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(9).
Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội thông qua những mặt cụ thể về chính trị, sở hữu, phân phối của chủ nghĩa xã hội. Trong Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(10). Đồng thời Hồ Chí Minh khẳng định: “trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội”(11).
Về chế độ sở hữu, trong bài Nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị Sư phạm, Người chỉ ra: “Chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa ngân hàng .v.v…làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”(12), đó còn là chế độ phân phối theo lao động đảm bảo sự công bằng và bình đẳng, “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(13). Đó là chế độ xóa bỏ bóc lột, thực hiện nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, trong bài Nói chuyện với anh chị em học viên, cán bộ, công nhân viên trường Đại học nhân dân Việt Nam, Người nói: “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động”(14).
Quan niệm về chủ nghĩa xã hội còn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh bằng việc xác định các động lực, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Về động lực của chủ nghĩa xã hội, theo Người, nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là ra sức phát triển sản xuất, xây dựng con người mới, chú trọng phát triển khoa học và kỹ thuật. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa,… có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”(15). “Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của nhân dân”(16). “Muốn thực hiện được chủ nghĩa xã hội phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát huy hết khả năng của mình”. “Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hoá của nhân dân”(17).
Chủ nghĩa xã hội là hướng tới mục tiêu cho con người và vì con người. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì?” và Người tự trả lời rất đơn giản, dễ hiểu: chủ nghĩa xã hội “Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”; “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”(18); “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”(19); “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”(20); “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần bị xoá bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(21).
Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh đã chỉ ra bản chất của chủ nghĩa xã hội. Những quan niệm đó của Người về chủ nghĩa xã hội đạt tới sự giản dị, dễ hiểu nhưng cũng chứa đựng bao suy tư, chiêm nghiệm trong cuộc đời để có thể chưng cất được cái bản chất nhất, cốt lõi của chủ nghĩa xã hội mà bất cứ ai cũng có thể hiểu, nhớ và làm theo. Xuyên suốt trong quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh”, một xã hội phát triển hài hòa về các mặt, “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”(22), đó chính là hướng đến một xã hội nhân đạo nhất, nhân văn nhất và văn hóa nhất.
Bốn là, không chỉ nhấn mạnh động lực mà còn chỉ ra các trở lực trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau. Để đi tới mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải phát huy hiệu quả các động lực xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, động lực cơ bản của sự phát triển lịch sử là hoạt động thực tiễn của con người phù hợp quy luật khách quan. Vì vậy, suy cho cùng, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội thông qua hoạt động cải biến tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người.
Vận dụng quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải phát hiện những động lực và những điều kiện bảo đảm cho động lực đó thực sự trở thành sức mạnh thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là những động lực bên trong, nguồn nội lực của chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định, động lực quan trọng và quyết định nhất là con người và được thể hiện trên hai bình diện, công đồng và cá nhân. Người nhận thấy nhân dân là nguồn động lực vĩ đại mà nòng cốt là công - nông - trí thức. Người nói: Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người. Vì lẽ đó, trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho con người, vì con người.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội bên cạnh việc xác định rõ những động lực thúc đẩy sự nghiệp đó đi đến thắng lợi cũng cần phải khắc phục những trở lực, lực cản kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đó là hai mặt của một quá trình biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “ba thứ giặc” cần phải tiêu diệt là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ba trở lực này cần phải đánh đuổi để đưa cách mạng tiến lên. Khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đã chỉ ra những căn bệnh (trở lực) có thể dẫn đến những nguy cơ thái hóa, biến chất của một Đảng cầm quyền, đến an nguy của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những lực cản đó là những kẻ thù phải đánh đổ thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những kẻ thù đó: “Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài, gian khổ. Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng. Kẻ địch gồm có ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Loại kẻ địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(23).
Năm là, xác định loại hình quá độ gián tiếp cụ thể của Việt Nam.
Đề cập đến quá trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản, C.Mác cho rằng, “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(24). Trên cơ sở phân tích đặc điểm của nhân loại giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin khẳng định: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xôviết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(25). Điều này cho thấy, có hai hình thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội: trực tiếp và gián tiếp.
Với Hồ Chí Minh, chu trình vận động của lịch sử xã hội loài người được phác họa như sau: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v..”(26). Như vậy, Hồ Chí Minh thừa nhận, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá độ gián tiếp.
Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm lớn mà quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần phải quan tâm và “đặc điểm lớn nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(27). Đặc điểm này thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài.
Người chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”(28). Tuy nhiên, muốn “tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì không phải “cứ ngồi mà chờ” là sẽ có được chủ nghĩa xã hội. Nếu nhân dân ta mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.
Sáu là, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đất nước có chiến tranh.
Một thực tế là công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, hai cuộc kháng chiến chống hai cường quốc kéo dài đã thu hút phần lớn tâm trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy Người đã xác định mục tiêu cơ bản và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng việc tiến hành cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội - bước kế tiếp của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà ngay từ Luận cương năm 1930 của Đảng do Người khởi thảo đã nêu. Cống hiến sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong khi còn tiến hành chiến tranh nhân dân (tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược) Giáo sư Shingo Shibata (Nhật Bản) viết: "Một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và của Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Nói chung, người ta thường cho rằng chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện hoà bình. Ý kiến chung về chủ nghĩa xã hội cho tới nay vẫn còn thịnh hành trong chủ nghĩa Mác là chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Họ phải thực hiện việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn có chiến tranh. Theo tôi được biết, Đảng Lao động Việt Nam là đảng đầu tiên trong các đảng mácxít trên thế giới áp dụng lý luận này"(29). Không dừng lại ở đấy, trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện hàng loạt những quan niệm rất rõ ràng, cụ thể và sống động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước hết, Người xác định đó là con đường vô cùng gian khổ, khó khăn, lâu dài và phải trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ vời những đặc điểm cụ thể, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể chứ không thể dễ dàng, mau chóng mà có được.
Bảy là, có quan điểm khác về bước đi và cách làm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là phải tìm tòi phương thức, biện pháp với bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, đồng thời phù hợp với đặc điểm và xu thế của thời đại. V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “Tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của chủ nghĩa xã hội”(30).
Nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhận định: “Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi đảng cộng sản và mỗi đảng công nhân”(31). Hồ Chí Minh đặt vấn đề, “chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội?,... phải dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(32). Người cũng lưu ý rằng, cần phải quan tâm những đặc điểm riêng về truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc, địa lý, tài nguyên, đất đai, con người Việt Nam với những đặc điểm và thể chất, tinh thần, v.v.. để làm căn cứ, định ra phương châm, biện pháp phù hợp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Về phương châm, theo Người, cần phải quán triệt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chế độ mới, có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước anh em, nhưng không sao chép, máy móc, giáo điều. Đồng thời xác định bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải xuất phát từ điều kiện thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng thực tế của nhân dân.
Về biện pháp, cách thức tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Người luôn nhắc nhở phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, rập khuôn, phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo ra cách làm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong từng bước đi và cách làm để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phải thực hiện kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, khẩu hiệu “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “vừa chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”, có thể coi là một sáng tạo của Việt Nam.
Trong điều kiện chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, v.v.. Hồ Chí Minh chủ trương phải kết hợp cải tạo với xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, mà xây dựng là chủ chốt và lâu dài; xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, vì vậy cách làm là đem tài của dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân; đồng thời Người nhấn mạnh vai trò quyết định của biện pháp tổ chức thực hiện. Chỉ tiêu một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi,... có như thế kế hoạch mới hoàn thành tốt được.
Thấm nhuần lý luận Mác - Lênin về vai trò quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng, phải huy động hết tiềm năng, nguồn lực có trong dân để đem lại lợi ích cho dân. Nói cách khác, phải biến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng là tập hợp lực lượng, đề ra đường lối, chính sách để huy động triệt để các nguồn lực của dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Đây cũng chính là nét sáng tạo trong phương thức và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tài sản vô giá, là lý luận và kim chỉ nam cho mọi hoạt động và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đó đã bao quát những vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin. Đó là các quan điểm về tính tất yếu, bản chất, mục tiêu, động lực của chủ nghĩa xã hội; về tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ, về đặc điểm, nhiệm vụ, các hình thức, bước đi, biện pháp thực hiện trong thời kỳ quá độ cũng như trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tư tưởng đó đã chỉ rõ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao nhất, bất biến của toàn Đảng, toàn dân ta./.
_______________________________________________
(1), (9) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, T.15, tr.588; tr.623.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.4, tr.175.
(3), (11), (13), (14), (23), (32) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.11, tr.612; tr.610; tr.404; tr.241; tr.606; tr.92.
(4), (16), (17), (18), (19), (27) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.12, tr.563; tr.371; tr.371; tr.490; tr.604; tr.411.
(5), (6), (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.1, tr.47; tr.40; tr.469.
(8), (15), (21), (22) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.13, tr.483; tr.66; tr.438; tr.438.
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.7, tr.434.
(12), (20), (31) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.10, tr.390; tr.390; tr.401.
(24) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Sđd, T.19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.47.
(25) Hội đồng Trung ương Chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2004), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.115.
(26) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,T.8, tr.293.
(28) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.9, tr.91.
(29) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện thông tin KHXH (1993), Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Hà Nội, tr.113.
(30) V.I.Lênin (1979), Toàn tập, T.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.160.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận