(LLCT&TT) Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ, viết được xem là một trong những kỹ năng khó với sinh viên. Sử dụng portfolio để đánh giá khả năng viết của sinh viên là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy trên thế giới. Chính vì vậy, mục tiêu của bài viết là tìm hiểu tính hiệu quả của portfolio trong việc phát triển kỹ năng viết, đồng thời đưa ra một số đề xuất để áp dụng phương pháp này trong việc dạy và học tiếng Anh nói chung và kỹ năng viết nói riêng. Đối tượng người viết muốn hướng tới là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
1. Mở đầu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc nắm vững và sử dụng tiếng Anh thành thạo là một trong những lợi thế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Phải thừa nhận tầm quan trọng của bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết trong việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, kỹ năng viết đóng vai trò quan trọng trong việc học ngôn ngữ. Từ thực tế giảng dạy, năng lực của sinh viên có thể được đánh giá một cách khá chính xác thông qua các sản phẩm viết của các em và người dạy cũng có thể nhìn thấy được sự tiến bộ thông qua từng sản phẩm viết. Chính vì vậy việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên, đặc biệt là các em chuyên ngành tiếng Anh là một việc vô cùng cần thiết.
Nhà văn Mỹ Mark Twain đã từng nói rằng “Viết lách rất dễ. Tất cả những gì bạn cần phải làm là gạch bỏ những từ sai nhưng để biết từ nào sai thì lại không phải một công việc dễ dàng.” Sinh viên học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai càng cảm thấy viết là một kỹ năng rất khó vì kỹ năng viết yêu cầu nhiều mặt như dấu câu, chính tả hay ngữ pháp. Với giáo viên dạy viết tiếng Anh thì đây cũng là một thử thách rất lớn nếu người dạy muốn có một bài giảng hiệu quả và giúp cho người học cải thiện được kỹ năng viết của mình.
Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên ngôn ngữ Anh năm thứ nhất, giáo viên nhận thấy rằng hầu hết các em có thể rất tốt ở các kỹ năng như nói, đọc hay nghe, nhưng nhiều em trong số đó mắc khá nhiều lỗi trong khi viết như lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt hoặc lỗi trình bày. Thông qua đánh giá sản phẩm viết của người học và qua phỏng vấn một số em, nguyên nhân của việc mắc lỗi khá đa dạng: sinh viên chưa nắm vững kiến thức ngữ pháp như thời của động từ hay cách dùng giới từ, sinh viên không nắm được yêu cầu của văn bản như cách trình bày đoạn văn hay thư từ. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức nền cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc diễn đạt và trình bày sản phẩm viết không được như mong muốn của người học.
Chính vì những nguyên nhân được đề cập đến ở trên, bài viết này muốn tập trung việc áp dụng portfolio (tạm dịch là bộ sưu tập tài liệu học) trong giờ dạy viết nhằm giúp người học cải thiện kỹ năng viết của mình.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Định nghĩa viết portfolio
Yang (2003) định nghĩa portfolio là một bản tổng hợp các sản phẩm của sinh viên, trong đó ghi lại nỗ lực, sự tiến bộ và thành tích của sinh viên đạt được, cũng như đánh giá của sinh viên về các tài liệu được sử dụng trong portfolio.
Khi áp dụng portfolio cho kỹ năng viết, Hyland (2003) cho rằng portfolio là loại hoạt động yêu cầu người học viết đi viết lại vài lần để có thể phản ánh được sự tiến bộ và khả năng viết trong một bối cảnh cụ thể. Evers và Wallberg (2004) cũng chia sẻ quan điểm tương tự về portfolio khi nhận định nó là một tập hợp các bài viết của sinh viên để phản ánh các kỹ năng mà sinh viên đã học được trong một môn học cụ thể. Bên cạnh đó, Hyland (2003) cũng chia sẻ định nghĩa về việc đánh giá năng lực viết của sinh viên thông qua việc sử dụng portfolio. Ông cho rằng thông qua portfolio, sinh viên có thể tạo ra các sản phẩm viết bằng việc sử dụng một số các nguồn thông tin đáng tin cậy, chỉnh sửa và nộp lại cho giáo viên sau khi họ tự sửa lỗi và nhận được đánh giá của giáo viên hoặc bạn của mình. Theo Damiani (2004), portfolio có thể chỉ ra những điểm mạnh của sinh viên. Portfolio bao gồm bản nháp, tự đánh giá, nhật ký, phần nhận xét của giáo viên và các sinh viên khác cũng như sản phẩm viết cuối cùng của họ.
2.2. Ưu điểm của việc sử dụng portfolio trong giờ dạy viết
Việc sử dụng portfolio trong các giờ dạy viết đã được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Chính vì vậy có rất nhiều chuyên gia đã tìm hiểu cũng như nhận định được một số điểm mạnh của việc sử dụng portfolio trong giờ dạy viết. Moya và O’Malley (1994) đã nói việc đánh giá sinh viên qua portfolio có thể nhìn thấy được điểm mạnh cũng như điểm yếu của người học. Cũng không quá khó để nhận ra ưu điểm này vì portfolio lưu lại những sản phẩm viết của người học, nên sinh viên có thể tự nhận ra sự tiến bộ của chính mình qua các bản viết đầu tiên, các bản đã được chỉnh sửa và bản viết cuối cùng dựa trên phản hồi của giáo viên và phản hồi chéo của các sinh viên khác trong lớp. Bên cạnh đó, các chuyên gia như Wallberg (2004) hay Nezakatgo (2011) cũng nói rằng việc sự dụng portfolio có thể khuyến khích sinh viên tự học và tự đánh giá. Thông qua việc tự đọc và sửa lại sản phẩm viết của chính mình, sinh viên có thể tự nhận thức cũng như hiểu hơn những gì họ đã được học.
Brown (2004) có nhận định khá chi tiết về những điểm mạnh của việc sử dụng portfolio. Ví dụ, portfolio có thể tăng động lực học, trách nhiệm của người học và sự tương tác giữa sinh viên và giáo viên hay nó cho phép người dạy đánh giá việc học ngôn ngữ của sinh viên qua nhiều khía cạnh.
2.3. Việc triển khai hoạt động viết Portfolio trong giờ dạy viết tiếng Anh
Quá trình triển khai hoạt động viết Portfolio có thể được tiến hành qua ba giai đoạn: giai đoạn hướng dẫn, giai đoạn thực hiện và giai đoạn đánh giá.
Giai đoạn 1: hướng dẫn sinh viên
Viết portfolio không phải là một hoạt động mới trong hoạt động dạy viết, tuy nhiên nhằm đảm bảo sinh viên hiểu rõ mục đích, cách thực hiện cũng như yêu cầu của hoạt động này giáo viên vẫn nên có một buổi hướng dẫn cho sinh viên, tránh trường hợp các em bỡ ngỡ hoặc không hiểu rõ yêu cầu của giáo viên. Vì vậy, sinh viên sẽ được cung cấp thông tin về yêu cầu của hoạt động viết portfolio bao gồm số bài, bao nhiêu bản phản hồi của sinh viên khác hoặc giáo viên trước khi viết bản cuối cùng, hình thức của portfolio, hạn nộp và trọng số điểm của hoạt động này trong khóa học viết.
Giai đoạn 2: thực hiện viết portfolio
Người dạy khuyến khích cũng như theo dõi tiến trình thực hiện hoạt động viết portfolio của sinh viên. Trong quá trình thực hiện, sinh viên có thể hỏi trực tiếp giáo viên trên lớp hoặc liên lạc qua các hình thức khác như gọi điện hoặc nhắn tin nếu như có gì không hiểu hoặc có thắc mắc. Giáo viên luôn phải kịp thời đưa ra phản hồi để cổ vũ sinh viên hoàn thiện công việc. Hoạt động viết portfolio gồm 5 bài chính ở mỗi tuần học và mỗi bài phải có ít nhất 2 phản hồi chéo từ sinh viên khác trong lớp và bản viết cuối cùng ở mỗi bài. Sinh viên sẽ nộp bản portfolio hoàn chỉnh cho giáo viên vào tuần thứ 6, sau khi các em đã hoàn thiện phần viết và chỉnh sửa.
Giai đoạn 3: đánh giá sản phẩm viết của sinh viên
Qua kinh nghiệm giảng dạy và phỏng vấn người học, sinh viên luôn mong muốn nhận được điểm cũng như phản hồi hay nhận xét của giáo viên sau mỗi lần nộp bài. Việc chấm và chữa sản phẩm viết của sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người dạy ngôn ngữ nói chung và kỹ năng viết nói riêng. Bởi vì, thông qua hoạt động chấm, chữa và nhận xét, sinh viên có thể nhận ra điểm mạnh của mình để phát huy cũng như điểm yếu của mình để cải thiện. Việc chấm chữa bài và đưa ra phản hồi còn tạo động lực cho sinh viên thực hiện các hoạt động kế tiếp. Trong quá trình giảng dạy, người dạy thông thường dùng 4 phương pháp phản hồi và sửa lỗi cơ bản: tự sửa lỗi (self - correction), sửa bài chéo (peer correction), chữa bài và đánh giá theo nhóm (group correction) và giáo viên sửa lỗi (teacher’s correction). Tuy nhiên, khi áp dụng vào hoạt động viết portfolio người dạy chú trọng vào 3 vòng phản hồi và nhận xét chính.
Bước đầu tiên là phần sinh viên tự chữa lỗi. Việc tự chữa lỗi của sinh viên thường khá mất thời gian do sinh viên phải đọc rất kĩ, phát hiện những lỗi sai và tự mình sửa. Nếu sinh viên có thể tự sửa thì khả năng nhớ và tránh lặp những lỗi này cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc tự đánh giá cũng có những hạn chế bởi việc này còn phụ thuộc vào khả năng của sinh viên. Chính vì vậy, sau khi viết bài xong và tự mình sửa bài thì sinh viên sẽ thực hiện bước thứ hai.
Ở bước thứ 2, sinh viên sẽ chấm chéo bài viết của nhau. Bijami và Nejad (2013) đề cập đến trong nghiên cứu của họ về hoạt động chấm chéo như là “việc sử dụng người học như là nguồn thông tin và tạo sự tương tác lẫn nhau theo cách mà người học đóng vai trò giống như những giáo viên được đào tạo, hoặc người phê bình các bản thảo của nhau ở văn bản viết và nói trong quá trình viết bài.” Việc học không phải là một hoạt động cá nhân mà giống như một hoạt động có nhận thức về bản chất của việc học tập trung vào việc chuyển từ học cá nhân sang sự tương tác trong bối cảnh thực tế. Vì vậy, phản hồi chéo sẽ giúp cho sinh viên có tiến bộ trong quá trình học do nó cho phép sinh viên tiếp thu kiến thức thông qua việc chia sẻ và tương tác lẫn nhau.
Sau khi hoàn thành xong bước 2, sinh viên sẽ sửa bài trên phản hồi của các sinh viên khác trong lớp và hoàn thiện bài viết cuối cùng trước khi nộp cho giáo viên. Ở bước cuối cùng, giáo viên sẽ đưa ra phản hồi, nhận xét và chấm điểm cho sinh viên. Đây là bước cuối cùng đồng thời cũng là bước quan trọng nhất. Thông qua việc đưa ra nhận xét, chấm điểm, giáo viên có thể giúp cho sinh viên nhận ra được sự tiến bộ của mình qua quá trình viết từ bản đầu tiên đến bản cuối cùng. Thêm vào đó, sinh viên biết áp dụng những điểm mạnh của mình cho các bài viết sau và cải thiện được điểm yếu của mình. Giáo viên cũng cần phải suy nghĩ kỹ khi đưa ra những nhận xét để tạo động lực cho sinh viên tiếp tục viết và việc chấm điểm cũng nên dựa vào cả quá trình viết của các em. Việc giáo viên đưa ra nhận xét và chấm điểm không những giúp sinh viên cải thiện được kỹ năng viết của mình mà còn giúp cho chính giáo viên định hướng được phương pháp cũng như chiến lược để giúp sinh viên học hiệu quả hơn trong tương lai.
2.4. Một số giải pháp để giúp cho hoạt động viết portfolio hiệu quả hơn cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh
Thực tiễn cho thấy, hoạt động viết portfolio có thể giúp cho sinh viên cải thiện kỹ năng viết của mình. Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy và sau khi áp dụng hoạt động viết portfolio cho sinh viên năm nhất khóa K.40 chuyên ngành ngôn ngữ Anh, người dạy đã rút ra được một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của hoạt động này hơn nữa ở các sinh viên khóa sau.
Điều đầu tiên là các cấp quản lý cần nâng cao chất lượng giáo viên bằng cách cổ vũ và khuyến khích họ tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như các kiến thức bổ trợ khác giúp giáo viên thực hiện quá trình giảng dạy có hiệu quả hơn.
Thứ hai, giáo viên cũng tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ bản thân bằng cách học hỏi đồng nghiệp hoặc những nguồn tài liệu có sẵn qua Internet. Thêm vào đó, giáo viên nên rút kinh nghiệm từ những vấn đề mà sinh viên gặp phải trong quá trình thực hiện hoạt động viết portfolio để hướng dẫn sinh viên khóa sau hiệu quả hơn. Giảng viên cũng nên đưa ra hướng dẫn cho sinh viên nhằm giúp các em biết cách chấm chữa bài và đưa ra phản hồi một cách hiệu quả trong quá trình đưa ra nhận xét chéo. Ngoài ra, sau mỗi khóa học, giáo viên nên yêu cầu sinh viên viết những điểm mạnh và điểm yếu của việc thực hiện hoạt động viết portfolio.
3. Kết luận
Hiệu quả của việc áp dụng hoạt động viết portfolio để tăng cường kỹ năng viết cho sinh viên đã được chứng minh qua các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Thực tiễn cho thấy việc áp dụng portfolio cho kỹ năng viết đã đạt được một số hiệu quả đáng kể. Thứ nhất, điểm viết của sinh viên trong bài kiểm tra đầu kỳ và cuối kỳ đã có sự tiến bộ rõ rệt. Hơn nữa, sinh viên cũng có thái độ tích cực hơn trong quá trình học tập. Bên cạnh rèn luyện kỹ năng viết, sinh viên còn học được cách đưa ra nhận xét, phản hồi cho bài viết của chính mình cũng như cho các sinh viên khác. Bên cạnh kết quả tích cực trong sự tiến bộ của sinh viên, việc áp dụng viết portfolio còn giúp cho mối quan hệ giữa các sinh viên trong lớp cũng như mối quan hệ giữa sinh viên và giáo viên được cải thiện đáng kể. Thông qua bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh điểm tích cực của việc áp dụng hoạt động viết portfolio trong giờ dạy viết và hy vọng những thông tin trên có thể đóng góp một phần trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường./.
_____________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bijami, M., Kashef, S. H., & Nejad, M. S. (2013). Peer feedback in learning English writing: Advantages and disadvantages. Journal of Studies in Education, 3(4), 91-97.
2. Brown, H. D. 2004. Language Assessment: Principles and Classroom Practices. New York: Pearson Education.
3. Damiani, V. B. (2004). Portfolio assessment in the classroom. National Association of School Psychologists, 301(1), 3-132.
4. Evers, W. M., and H. J. Walberg. 2004. Testing Students’ Learning, Evaluating Teaching Effectiveness. Stanford: Hoover Inst Press Publication.
6. Moya, S. S, and J. M. O’Malley 1994. “A portfolio assessment model for ESL”.The Journal of Educational Issues for Language Minority Students, 13,13-36.
7. Nezakatgoo, B. (2011). The Effects of Portfolio Assessment on Writing of EFL Students. English language teaching, 4(2), 231-241.
8. Hyland, K. 2003. Second Language Writing. New York: Cambridge University Press
9. Liu, J. and Hansen, J. (2002) Peer response in second language writing classrooms, the University of Michigan Press: Michigan.
10. Yang, N. D. (2003). Integrating portfolios into learning strategy-based instruction for EFL college students. IRAL, 41(4), 293-317. Retrieved December 7, 2009, from Education Full Text (Wilson).
Bình luận