(LLCT&TT) Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là một trong những điều kiện tiên quyết để Đảng có thể giữ vững vai trò lãnh đạo của mình. Để nhân dân tin Đảng, hết lòng ủng hộ Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, quyền lợi của nhân dân lên trên hết, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Gắn bó “máu thịt” với nhân dân là vấn đề thuộc bản chất cách mạng của Đảng ta vì sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nhân dân cần Đảng dẫn đường, lãnh đạo. Hiện nay, tư tưởng của Người vẫn đang chỉ dẫn cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
1. Dân là gốc của nước, của cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần, là người làm nên lịch sử, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản và là động lực của mọi cuộc cách mạng. V.I.Lênin khi bàn về mối quan hệ này tiếp tục khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quần chúng nhân dân mới là người sáng tạo nên lịch sử chứ không phải dựa vào một vài cá nhân kiệt xuất.
Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là mối quan hệ biện chứng, được hình thành và phát triển gắn với tiến trình cách mạng của dân tộc, trong đó Hồ Chí Minh khẳng định dân là gốc của nước, của cách mạng. Dân là gốc của nước, của cách mạng vì dân có số lượng đông, vì mọi “lực lượng đều ở nơi dân”(1), “lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng”(2). Người cũng khẳng định quyền lực lớn nhất thuộc về nhân dân: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). Do đó, cán bộ, đảng viên phải: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(4); Vì vậy, “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(5) mới phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, được quần chúng tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ. Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng không phải từ trên trời sa xuống, nó ở trong xã hội mà ra. “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”(6). Do đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có mối quan hệ gắn bó tự nhiên. Đảng phải dựa vào nhân dân để lãnh đạo nhân dân, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người khẳng định: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”(7).
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân đông đảo, trước hết là của những tầng lớp nghèo khổ nhất, bị áp bức bóc lột nhiều nhất, của công nhân và nông dân. Người khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân: “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được”(8). Vì vậy, “Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được”(9). Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người viết: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”(10). Dân không những có lực lượng đông mà còn rất cần cù, thông minh, khéo léo, có nhiều kinh nghiệm quí báu. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(11). Hồ Chí Minh không những nhận thức sâu sắc mà còn phát triển những nội dung mới, làm phong phú thêm tư tưởng dân là gốc của nước, của cách mạng.
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”(12); “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(13). Vì vậy, trong mọi suy nghĩ và hành động của Người đều luôn lấy dân làm gốc: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(14). Đây là một tư tưởng tổng quát, có tính triết lý sâu xa, thể hiện một thế giới quan khoa học, một quan niệm nhân sinh đúng đắn đầy ý nghĩa nhân vǎn cao cả.
2. Dân là chủ của đất nước, là chủ vận mệnh của chính mình. Đảng phải dựa vào dân, nhân dân phải luôn tin vào Đảng là nhân tố bảo đảm cho sự đúng đắn của đường lối cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mang lại quyền làm chủ cho nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ”(15), “chế độ ta là chế độ dân chủ”(16), không chỉ nói một lần mà Người đã nhắc lại nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ở những tác phẩm khác nhau.
Người cũng khẳng định: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(17). Dân là chủ vì dân có quyền hạn, có quyền hành - tức là có khả nǎng thực tế quyết định, định đoạt, điều hành những tổ chức, những công việc do mình làm chủ. Như vậy, dân là chủ vì mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Dân đã là chủ thì đương nhiên dân có lợi ích của người làm chủ, nghĩa là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Dân là chủ, có quyền hành, lợi ích thì đương nhiên cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với mọi công việc, từ kháng chiến, kiến quốc đến xây dựng đổi mới đất nước.
Quan tâm đến lợi ích, coi trọng lợi ích là thể hiện rõ quan điểm triết học duy vật lịch sử, rất đúng với lý luận và có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong công cuộc đổi mới hiện nay. Muốn xây dựng được chế độ mới thành công cũng phải dựa vào công sức, tiền của của nhân dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phải bảo vệ lợi ích của nhân dân, phải yêu dân, dựa vào dân, gần dân, lắng nghe, học hỏi, tin dân. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền đều là đầy tớ của dân, công bộc của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ dân.
3. Dân có lực lượng to lớn, cần phải được giác ngộ, tổ chức, lãnh đạo để tạo ra sức mạnh cho cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm: Dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Quan niệm như vậy là rất phù hợp với thực tế và rất cần thiết để có phương pháp ứng xử thích hợp với từng đối tượng cụ thể trong dân chúng. Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến thái độ chính trị và hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Người đã nhiều lần nói về phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, rất cần cù, thông minh và khéo léo, có nhiều kinh nghiệm quý báu. Người khẳng định: Chúng ta phải ghi tạc vào đầu chân lý này: Dân rất tốt. Tuy nhiên, do dân chúng không thuần nhất mà có nhiều thành phần, nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận, nhiều trình độ, nhiều ý kiến khác nhau, có những nhu cầu và lợi ích riêng khác nhau, lại thường bị giai cấp bóc lột thống trị lừa phỉnh, cưỡng ép, “chia để trị”, cho nên “dân thường chia rẽ phái này bọn kia”. Và nhìn tổng thể, trong dân bao giờ cũng có ba loại người: tiên tiến, trung bình, lạc hậu, mà trong đó loại trung bình, vừa vừa, ở giữa nhiều hơn hết. Chính vì đặc điểm của dân như vậy cho nên Hồ Chí Minh khẳng định rằng cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ, ... sức cách mệnh phải tập trung; muốn tập trung phải có đảng cách mệnh vận động và tổ chức dân chúng. Đó chính là cơ sở sâu xa của sự cần thiết phải có Đảng lãnh đạo, cơ sở sâu xa của tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh và cũng là cơ sở sâu xa của chiến lược đại đoàn kết nổi tiếng của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”(18).
Tư tưởng về dân của Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong các thời kỳ cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó vượt khỏi khuôn khổ tư tưởng thuần tuý của một con người, trở thành một chiến lược cách mạng của Đảng ta. Tư tưởng về dân, dân chủ của Hồ Chí Minh đã chứa đựng toàn bộ nguyên lý vì dân, do dân, của dân mà Đảng ta đã nhận thức rõ và đang lãnh đạo, triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
4. Đảng phải luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, chăm lo mọi mặt cho nhân dân và đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(19). Do đó, Đảng phải thực hiện “cách mạng không ngừng”, tiếp tục tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo không thuộc về ai khác ngoài Đảng Cộng sản. Cần phải thấy rõ sự khác biệt giữa nhiệm vụ mới với nhiệm vụ cũ. So với việc phá bỏ chế độ cũ thì việc tổ chức xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ rất lâu dài, khó khǎn, phức tạp; đặc biệt là trong điều kiện nước ta, điểm xuất phát đi lên chủ nghĩa xã hội rất thấp; vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Chính Hồ Chí Minh đã nhìn thấu suốt và khẳng định: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(20). Đó là những chỉ dẫn quý báu của Người để Đảng ta xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, Đảng đã giành được chính quyền và lãnh đạo chính quyền của dân, do dân, vì dân. Do đó, “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(21). Đảng cầm quyền phải là người tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Đảng dựa vào dân, dân tin Đảng là một trong những nhân tố bảo đảm sự đúng đắn của đường lối và tạo nên cao trào cách mạng. Đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống của nhân dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Trong điều kiện đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên phải thật sự dân chủ với dân, phải kiên quyết cùng nhân dân chống tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát, phê bình của nhân dân. Nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Đảng phải có trách nhiệm chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân. Để dân đói, dân rét, dân ốm, dân dốt, Đảng và Chính phủ đều có lỗi. Dân không đủ muối, không có gạo đủ no, không có vải mặc đủ ấm, không có trường học cho các cháu, Đảng phải lo. Nghĩa là tất cả mọi việc Đảng phải lo, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đấu tranh thống nhất nước nhà, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đến cả việc “tương cà mắm muối” của dân, Đảng đều phải lo.
5. Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân chứ không phải sự nghiệp của một cá nhân anh hùng nào. Nhưng cách mạng muốn bảo đảm thắng lợi phải tập hợp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất. Nhân dân phải được tổ chức, lãnh đạo. Chỉ có đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân mới đủ khả nǎng để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân làm cách mạng.
Đảng cầm quyền phải liên hệ, gắn bó mật thiết với nhân dân, và trong mối quan hệ với nhân dân, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Với vị thế là người lãnh đạo, Đảng phải đề ra được chủ trương, đường lối đúng; xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài; phải xây dựng mình thật trong sạch, vững mạnh… Với vị thế là người “đầy tớ” phải tận tâm, tân lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước… Đảng làm tròn được trách nhiệm của người lãnh đạo và người đầy tớ mới có chỗ đứng trong lòng nhân dân, mới được nhân dân tin yêu, ủng hộ, bảo vệ. Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định rằng, Đảng ta không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc; rằng Đảng chỉ mưu giải phóng cho dân, nên mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm và chịu trách nhiệm trước dân. Đặc biệt là khi Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng phải luôn luôn nhớ rằng mình là đầy tớ của nhân dân chứ không là “quan” nhân dân. Trong Di chúc lịch sử của Người, một lần nữa Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(22). Đây là một luận điểm cách mạng, khoa học của Hồ Chí Minh, là một đóng góp quan trọng vào lý luận xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Luận điểm này đã chỉ rõ vấn đề bản chất nhất trong mối quan hệ giữa một đảng cộng sản cầm quyền với quần chúng nhân dân.
6. Hiện nay, Đảng ta đang thực hiện mạnh mẽ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của mình. Đảng phải dựa vào dân, thông qua phong trào cách mạng của nhân dân để tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân... Tiếp tục và kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Ðảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tích cực đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Nghị quyết chỉ rõ: Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”(23). “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân”(24). Vì nhân dân, vì sự phát triển và tiến bộ của nhân dân khiến cho mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân ngày càng chặt chẽ. Trong tiến trình đổi mới của đất nước xác định nhiệm vụ, mục tiêu, xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách ngày càng thể hiện rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.
Vấn đề Đảng phải lãnh đạo thế nào, đưa ra chủ trương ra sao để giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nếu tất cả đảng viên của Đảng, từ đảng viên có chức vụ đến đảng viên thường đều là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách, lối sống, đều chí công vô tư trong giải quyết công việc thì tự nhiên sức hút của Đảng với nhân dân sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân sẽ ngày càng trở nên bền chặt, không gì, không thế lực nào có thể chia rẽ được. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, từ những chỉ dẫn của Người để tìm ra những giải pháp trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Thứ nhất, giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên, để làm sao cho mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải xác định là người lãnh đạo, người phục vụ, người đầy tớ của nhân dân. Một trong những biện pháp tổ chức có hiệu quả để giáo dục đảng viên là thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Theo Người, muốn giúp đỡ đồng chí, thì trước hết mình phải tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Nếu cả một Đảng, cả một xã hội ai ai cũng xác định trước là tự sửa mình, sau mới đến sửa người như mong muốn của Người, thì sẽ xây dựng được một xã hội và những con người tốt đẹp.
Thứ hai, trong mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”. Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng vững mạnh. Tiếp tục ban hành các chủ trương, đường lối, cơ chế để phát huy được vai trò làm chủ của người dân, coi trọng lợi ích của nhân dân. Nhận thức đúng và giải qiải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện Đảng lãnh đạo và cầm quyền hiện nay trước muôn vàn diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, lại hàng ngày phải đối mặt với những tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Do đó, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới tổ chức bộ máy và hoàn thiện thể chế.
Nhân dân phải tham gia giám sát các hoạt động của Đảng và Nhà nước, sự đánh giá của dân, hoạt động trực tiếp của dân trong đời sống chính trị. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều phải thực hành dân chủ và đoàn kết, thực hành dân vận và thực hành đạo đức cách mạng mà Người đã nêu gương, đã chỉ dẫn. Xây dựng cơ chế hiệu qủa tự kiểm soát quyền lực, đặc biệt là tính công khai, minh bạch về thông tin, một trong những phương thức tốt nhất để thúc đẩy mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân chủ động tham gia vào công việc giám sát và đóng góp ý kiến về công tác xây dựng Đảng và cán bộ. Để đổi mới và phát triển đất nước thành công theo mục tiêu đã đề ra thì đổi mới, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đang trở thành vấn đề của mọi vấn đề mà Đảng ta coi là khâu then chốt hiện nay.
Thứ tư, Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác dân vận, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo giữ vững mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, xây dựng những tấm gương cá nhân và tập thể điển hình làm tốt công tác dân vận để tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước phải đề ra và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chính sách đối với vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo nghề, chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội, nhà ở, việc làm… để nhân dân có cuộc sống ấn no, hạnh phúc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo của Đảng, công tác kiểm tra có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Công tác kiểm tra giúp cho các cấp ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật của Đảng, hiện tượng xa dân, đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, chú trọng căm lo xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; đồng thời có cơ chế, quy chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân đối với độ ngũ cán bộ, đảng viên và hoạt động của Đảng.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một giải pháp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng về vị tri, vai trò, sức mạnh của nhân dân. Thông qua học tập, mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ, thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc của nước”, nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy phục vụ nhân dân làm tôn chỉ, mục đích cho hành động của mình, của cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để nâng cao tư tưởng vì dân, vì nước, nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức lãnh đạo phục vụ nhân dân, xây dựng phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, gần gũi nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực tiễn công tác, trong sinh hoạt là cơ sở để thúc đẩy, là điều kiện để giữ vững và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tránh và chống lại những biểu hiện quan liêu, xa dân, khinh dân như đã diễn ra ở một số cán bộ, đảng viên trong thời gian qua.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, về xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân nói riêng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đảng ta luôn quán triệt những chỉ dẫn của Người trong xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân, thực sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, được quần chúng tin theo, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ. Thực tế lãnh đạo của Đảng ta trong cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đã phát huy được sức mạnh, sự đoàn kết, trí tuệ của nhân dân, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. /.
____________________________________
(1), (3), (16) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.6, tr.232, 232, 232.
(2), (5), (12), (13), (14), (18) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.335, 330, 335, 498, 333, 75.
(4), (20), (21) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.65, 64, 65.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.400.
(7), (17) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.145, 382.
(8), (9), (11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.2, tr.513, 299, 297.
(10) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.1, tr.119.
(15) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.453.
(19) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.13, tr.119.
(20) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.11, tr.92.
(22) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.612.
(23), (24) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, T.I, tr.96, 71.
Bình luận