(LLCT&TT) Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường Đảng, đồng thời là một trường đại học xây dựng trở thành trường trọng điểm quốc gia. Học viện là một cơ sở giáo dục có thương hiệu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các bậc, hệ khác nhau. Thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện đã được khẳng định và cần tiếp tục được giữ vững, phát huy và phát triển trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, thời đại số.
1. Các yếu tố làm nên thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
1.1. Thương hiệu từ truyền thống gần 60 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí cho đất nước
Từ năm 1962 đến năm 1969, Học viện Báo chí chí và Tuyên truyền (viết tắt là Học viện) đã mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ báo chí cho các phóng viên, viên tập viên, cán bộ làm công tác tuyên huấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Năm 1969, Nhà trường chính thức đào tạo báo chí ở trình độ đại học, với khóa học đầu tiên (Khóa 1), trong đó có lớp báo chí tiền phương, đào tạo 53 phóng viên để đưa vào chiến trường, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1992 là một bước chuyển lớn trong đào tạo báo chí tại Học viện. Nhà trường lần đầu tiên tuyển sinh đối tượng thí sinh tốt nghiệp THPT vào học Khóa 11. Đây cũng là thời điểm Khoa Báo chí tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho việc đào tạo báo chí theo chuyên ngành Báo in, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình. Năm 2003, Khoa Phát thanh - Truyền hình được thành lập trên cơ sở tách chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình từ Khoa Báo chí. Cũng thời gian này, Khoa Phát thanh - Truyền hình mở thêm chuyên ngành đào tạo Báo mạng điện tử và Báo chí đa phương tiện (năm 2017 đã giải thể chuyên ngành Báo chí đa phương tiện do chưa phù hợp với thực tiễn) và Quay phim Truyền hình.
Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã và đang đào tạo được 40 khóa báo chí ở bậc đại học với 06 chuyên ngành, bao gồm: Báo in, Ảnh báo chí, Phát thanh, Truyền hình, Quay phim truyền hình, Báo mạng điện tử, trong đó có cả các lớp báo chí chất lượng cao.
Từ năm 1962 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được gần 15.000 nhà báo cho đất nước và các nước bạn anh em như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Năm 1995, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ mở mã ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ Báo chí học và năm 2003 đào tạo trình độ Tiến sĩ Báo chí học. Đến nay, Nhà trường đã và đang đào tạo được 26 khóa Thạc sĩ Báo chí học các chuyên ngành và gần 20 khóa đào tạo Tiến sĩ Báo chí học. Đã có gần 1.000 Thạc sĩ và Tiến sĩ Báo chí học tốt nghiệp tại Học viện, bổ sung lực lượng lớn mạnh cho đội ngũ học thuật báo chí - truyền thông của đất nước và các nước bạn anh em.
Bên cạnh đó, Nhà trường còn chú trọng mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý và nghiệp vụ báo chí - truyền thông. Cho đến nay, Nhà trường đã mở được hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - truyền thông cho các đối tượng có nhu cầu.
Nhiều học viên, sinh viên trưởng thành từ đào tạo báo chí tại Học viện đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước. Nhiều người trở thành phóng viên, biên tập viên nổi tiếng ở các cơ quan báo chí trong và ngoài nước; đoạt nhiều giải thưởng báo chí cao quý.
1.2. Thương hiệu đào tạo báo chí từ các thế hệ thầy và trò xuất sắc
Ngay từ khi mới thành lập Khoa Báo chí, Nhà trường đã chú trọng tuyển dụng các cán bộ có kinh nghiệm từ các cơ quan tuyên huấn, báo chí về làm giảng viên cơ hữu; đồng thời, mời các nhà báo giỏi nghề ở Trung ương và địa phương làm giảng viên thỉnh giảng. Tiếp đó, hầu như khóa đào tạo nào Nhà trường cũng tuyển chọn, giữ những học viên, sinh viên xuất sắc ở lại đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho đội ngũ giảng viên báo chí ngày một lớn mạnh.
Có thể khẳng định, ở mỗi giai đoạn, cho dù thăng trầm, nhưng các thế hệ giảng viên báo chí của Học viện luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghề nghiệp trước các đồng nghiệp, học viên, sinh viên. Chính các thầy cô đã tạo dựng nên thương hiệu đào tạo báo chí cho Nhà trường trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều thầy cô là tấm gương nghiên cứu học thuật có uy tín trong nước và quốc tế. Nhiều thầy cô là chuyên gia giỏi, được các cơ quan báo chí tín nhiệm mời cố vấn nội dung, giữ chuyên mục, tổ chức xuất bản báo chí. Nhiều thầy cô đoạt các giải thưởng báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương; đồng thời là thành viên ban giám khảo các giải báo chí lớn trong cả nước. Nhiều thầy cô trưởng thành từ Khoa Báo chí giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước.
Thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện còn được tạo dựng từ các thế hệ học viên, sinh viên trưởng thành từ Khoa Báo chí. Lần giở danh sách học viên, sinh viên từ Khóa 1 đến nay, có thể tự hào bởi các thế hệ học viên, sinh viên lớp lớp được đào tạo bài bản, trưởng thành từ cái nôi đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam này. Nhiều học viên, sinh viên thành đạt, giữ cương vị tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng/phó các ban, phòng chuyên môn tại các cơ quan báo chí. Nhiều người có chức vụ cao trong hệ thống chính trị của đất nước. Nhiều người đoạt các giải thưởng báo chí quốc gia, ngành, địa phương, làm nên thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
1.3. Thương hiệu đào tạo báo chí từ chương trình đào tạo cập nhật, tiên tiến, hiện đại
Qua mỗi giai đoạn lịch sử, việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng về mục tiêu, đối tượng, nội dung, phương thức, thời gian, quy mô, chất lượng...
Giai đoạn đầu (1962), chương trình được xây dựng tập trung chủ yếu phục vụ công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí ngắn hạn. Giai đoạn bắt đầu đào tạo trình độ đại học báo chí (1969), chương trình bắt đầu được đầu tư quy mô, bài bản, phân định rõ khối kiến thức chung và khối kiến thức ngành, chuyên ngành báo chí, phù hợp với việc đào tạo các đối tượng đang hoạt động thực tiễn báo chí.
Giai đoạn đào tạo trình độ đại học báo chí (1992) theo hình thức tuyển sinh đối tượng mới tốt nghiệp THPT, chương trình đào tạo được đầu tư công phu hơn. Đặc biệt, đây là giai đoạn Khoa Báo chí có một đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở Liên Xô. Chương trình đào tạo được kết cấu rành mạch. Các môn học được định danh rõ ràng, phù hợp với thực tiễn phát triển của báo chí thế giới và trong nước. Nhiều vấn đề về lý luận và kỹ năng tác nghiệp báo chí được luận giải, đưa vào chương trình giảng dạy, được các cơ quan sử dụng nguồn lực báo chí đánh giá cao.
Năm 1995, Khoa Báo chí bắt đầu xây dựng đề án, tuyển sinh đào tạo sau đại học ngành Báo chí. Chương trình đào tạo thạc sĩ báo chí ra đời, tạo một bước chuyển mới trong đào tạo báo chí tại Học viện. Năm 2000, Ban Chủ nhiệm Khoa Báo chí đã bàn bạc, thảo luận, thống nhất xây dựng Đề án đào tạo Tiến sĩ Báo chí học. Bên cạnh chương trình đào tạo đại học, sau đại học ngành Báo chí, Nhà trường còn chú trọng chỉ đạo xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn quản lý báo chí và kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Các chương trình đã tạo độ hấp dẫn đối với các đối tượng đang hoạt động báo chí trong thực tiễn. Điều này cũng đã tạo ra thương hiệu cho đào tạo, bồi dưỡng báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2013, Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị đào tạo báo chí xây dựng chương trình đào tạo báo chí theo hình thức tín chỉ và chính thức đưa vào thí điểm áp dụng năm 2014. Đây là một bước chuyển mới trong đào tạo báo chí, tiến kịp với xu hướng đào tạo hiện đại trên thế giới. Việc đào tạo báo chí ở bậc đại học theo hình thức tín chỉ thể hiện nhiều điểm ưu việt.
Năm 2016, Nhà trường chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng Chương trình đào tạo báo chí theo hướng tích hợp, định hình rõ tổ hợp, khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành, trong đó việc định danh các môn học theo khối kiến thức về cơ bản đã giản lược, khắc phục được sự phân tán các môn nhỏ lẻ, hẹp.
Thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo báo chí đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhu cầu xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư thời gian thực hành rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ báo chí đối với người học ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học.
1.4. Thương hiệu đào tạo báo chí từ uy tín học thuật của đội ngũ các nhà khoa học
Thời gian đầu mới thành lập, dù trong điều kiện khó khăn bởi chiến tranh, nhưng Nhà trường đã tập hợp được đội ngũ những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, báo chí để viết các tập, bài giảng, giáo trình vừa mang tính lý luận, vừa nóng hổi hơi thở của thực tiễn hoạt động báo chí. Đây cũng là tiền đề cho ra đời hai tập sách quý “Giáo trình Nghiệp vụ báo chí” (tập I, II, xuất bản năm 1977, 1978).
Giai đoạn 1990 - 2000, Nhà trường bắt đầu quy tụ được các giảng viên được đào tạo trình độ Tiến sĩ báo chí từ Liên Xô (Liên bang Nga sau này) về làm việc, đặt nền móng cho việc nghiên cứu khoa học về báo chí - truyền thông. Thời điểm này, hệ thống giáo trình, bài giảng về báo chí được biên soạn bài bản, chuyên nghiệp hơn. Các sách, giáo trình tiêu biểu như: Cơ sở lý luận báo chí, Truyền thông đại chúng, Tác phẩm báo chí (tập I, II, III);…
Sau này, một lớp giảng viên báo chí của Học viện được đào tạo bài bản từ trình độ đại học, thạc sĩ đến trình độ tiến sĩ Báo chí học tại Trường. Bên cạnh đó, một số lượng lớn giảng viên trẻ được đào tạo báo chí - truyền thông từ nước ngoài và cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí được cử đi học tập nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học về báo chí - truyền thông tại Học viện. Lực lượng này đã bổ sung đông đảo, làm lớn mạnh đội ngũ học thuật về báo chí - truyền thông của Học viện cũng như của đất nước. Các giảng viên, nhà khoa học trong giai đoạn này đã cho ra đời nhiều sách, giáo trình chuẩn mực về báo chí như: Tổ chức sản xuất chương trình truyền hình; Tổ chức nội dung và thiết kế, trình bày báo in, Bình luận truyền hình, Công chúng báo chí, Báo chí và dư luận xã hội, Lao động báo chí, Ảnh báo chí, Lịch sử báo chí, Luật pháp và đạo đức nhà báo, Báo mạng điện tử - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Báo chí phát thanh,…
Có thể khẳng định, hầu hết các sách, giáo trình, bài giảng, bài báo khoa học, tài liệu tham khảo về báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay, phần lớn là kết quả nghiên cứu, công bố các nhà khoa học của Học viện. Điều này càng khẳng định thương hiệu vị trí “đầu đàn” của Học viện trong hệ thống đào tạo báo chí - truyền thông quốc gia.
Cũng chính vì thương hiệu này mà rất nhiều đối tác trong và ngoài nước tín nhiệm, hợp tác với Học viện để tổ chức nhiều hội thảo khoa học, dự án nghiên cứu quốc tế, cấp quốc gia, Nhà nước, cấp Bộ, ngành… về báo chí - truyền thông.
Hiện nay, nhiều giảng viên báo chí - truyền thông có uy tín của Học viện được các cơ quan hoạch định chính sách về báo chí - truyền thông mời tham gia tư vấn, cố vấn chuyên môn, được đánh giá cao cả về trình độ lý luận, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ báo chí - truyền thông. Cũng chính từ sự kết hợp giữa nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đã giúp cho các giảng viên báo chí - truyền thông có thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy, làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn người học; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo báo chí tại Học viện.
1.5. Thương hiệu đào tạo báo chí từ cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại và thể hiện văn hóa của một trường Đảng
Nếu như thời kỳ đầu tiên đào tạo báo chí tại Học viện gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật thì đến nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học tại Học viện được đầu tư, phát triển vượt bậc. Nhà trường xây dựng mới khu hành hành chính 11 tầng, thư viện, các giảng đường cao tầng, xóa trắng các nhà cấp 4. Đây là thời kỳ kỹ thuật, công nghệ số phát triển, các phòng học thực hành đào tạo báo chí - truyền thông với kỹ thuật cũ, lạc hậu được thay thế bằng các thiết bị mới hiện đại. Năm 2017, Nhà trường được đầu tư gần 70 tỉ đồng cho hệ thống phòng học thực hành đào tạo báo chí, bao gồm các studio, trường quay ảo, phòng thực hành sản xuất truyền thông đa phương tiện (multimedia), phòng chụp ảnh, phòng xuất bản báo in...
Sinh viên học báo chí được thực hành xuất bản các sản phẩm báo chí như: Đặc san Báo chí Trẻ, Chương trình phát thanh Sóng Trẻ, Chương trình truyền hình STV, trang thông tin điện tử Songtre.vn… Đặc biệt, Chương trình phát thanh Sóng Trẻ đã kết nối sản xuất sản phẩm phát thanh theo đơn đặt hàng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; nhiều sinh viên báo chí là cộng tác viên hưởng lương ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khi còn đang học tập tại Trường.
Là một trường Đảng, do đó văn hóa trường Đảng đã làm nên một thương hiệu cho Nhà trường, trong đó có hoạt động đào tạo báo chí. Các thế hệ học viên, sinh viên báo chí học tập, trưởng thành từ Học viện luôn tự hào được đào tạo để trở thành cán bộ làm công tác tư tưởng văn hóa, báo chí - truyền thông cho Đảng và Nhà nước.
Từ mái trường này, các thế hệ thầy và trò đều được trang bị kiến thức, kỹ năng và trình độ lý luận chính trị đầy đủ, chuyên nghiệp, do đó, khi hoạt động nghề nghiệp đều thể hiện rõ bản lĩnh chính trị rõ ràng, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thật tự hào mỗi khi công bố, trao các giải thưởng báo chí quốc gia, ngành, địa phương, tên của các nhà báo nguyên là cựu học viên, sinh viên, giảng viên báo chí của Học viện đều được xướng lên.
2. Một số giải pháp phát triển thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
2.1. Tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu đào tạo báo chí đã đạt được
Thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện đã được tạo dựng. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là Nhà trường cần phải chú trọng tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên báo chí đủ về số lượng, có chất lượng về nghiên cứu và giảng dạy để đảm bảo tiếp nối gìn giữ và phát huy những giá trị mà thế hệ đi trước đã tạo dựng. Học viện cũng phải chăm chút, giáo dục truyền thống cho thế hệ tiếp nối. Những người tiếp nối cần phải tự hào, noi gương và tôn vinh thế hệ đi trước đã viết nên trang sử vẻ vang về đào tạo báo chí của nước nhà và của Nhà trường.
Thế hệ tiếp nối cần bước tiếp con đường đào tạo báo chí, khai mở hướng phát triển mới tiên tiến, hiện đại, hội nhập thông qua việc cải tiến, đổi mới Chương trình và quy mô đào tạo, chú trọng về chất lượng, chuẩn đầu ra và vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Tiếp tục đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng phải đáp ứng tốt nhu cầu xã hội là trọng trách to lớn đặt lên vai những người làm công tác đào tạo báo chí tại Học viện hôm nay.
Cập nhật, hoàn thiện hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo về báo chí mà thế hệ đi trước đã tạo ra là việc làm cần thiết đòi hỏi những người tiếp nối công tác đào tạo báo chí tại Học viện phải đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tiền của. Nếu như có chiến lược phát triển cùng với sự quyết tâm của người đứng đầu, ý chí chung sức và sự tự trọng nghề nghiệp của những người làm công tác đào tạo báo chí, chắc chắn thương hiệu đào tạo báo chí không chỉ được giữ vững mà còn phát triển lên tầm cao mới.
Môi trường văn hóa trường Đảng góp phần tạo ra sự riêng có của hoạt động đào tạo báo chí tại Học viện. Đảng ta vẫn khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, do đó, công tác đào tạo báo chí vẫn được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ tư tưởng văn hóa của Đảng. Bên cạnh đó, Học viện cần được quan tâm, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ hiện đại hơn nữa. Điều này sẽ là động lực để thầy và trò báo chí hăng say cống hiến, học tập và phát triển thương hiệu đào tạo báo chí tốt hơn nữa.
2.2. Cần thiết phải xây dựng hệ thống nhận diện chuẩn để phát triển thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện
Đã đến lúc không còn quan niệm “hữu xã tự nhiên hương” trong đào tạo báo chí tại Học viện. Nhìn ra các nước bạn, trường bạn, hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông “trăm hoa đua nở”. Điều này đã phá vỡ sự “độc quyền” đào tạo đội ngũ báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Các cơ sở đào tạo chú trọng sử dụng mọi phương thức, phương tiện, kênh… để truyền thông quảng bá về trường, khoa, ngành, chương trình, quy mô, chất lượng, năng lực đào tạo, sản phẩm đầu ra…
Nhà trường cần hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu đào tạo của nhà trường nói chung, trong đó có hoạt động đào tạo báo chí. Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm: logo, slogan, danh thiếp, phong bì thư, tiêu đề giấy viết thư, tờ rơi, tờ gấp, catalogua, brochua, profile, quà tặng, đồng phục, lịch, sổ, bút… Đặc biệt, cần tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông nội bộ và truyền thông đối ngoại, các sản phẩm khoa học để quảng bá hình ảnh, thương hiệu đào tạo nói chung, đào tạo báo chí nói riêng. Hình ảnh Học viện cần được nổi bật hơn nữa trên Cổng thông tin điện tử ajc.edu.vn. Bởi, Cổng thông tin điện tử là một trong những công cụ quan trọng để quản trị Nhà trường trong thời đại số. Đây là phương tiện hữu hiệu kết nối nhà trường với các đối tác, “khách hàng”. Từ đây, hình ảnh, thương hiệu đào tạo báo chí sẽ lan tỏa, kết nối nhanh chóng giữa cơ sở đào tạo với hệ thống chính trị và nhu cầu xã hội, khi đó thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện sẽ càng được phát triển.
Tóm lại, thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đang và tiếp tục được khẳng định. Gìn giữ và phát triển thương hiệu đào tạo báo chí là lương tâm, nghĩa vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên tại Học viện hôm nay./.
____________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thế Quang (2019), Gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày tựu trường các lớp Đại học Báo chí - Xuất bản Khóa 1 (1969 - 1973), ajc.edu.vn.
2. Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2016), Trưởng thành từ Khoa Báo chí, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
3. Trần Bá Lạn (2017), Tâm tình từ con số 7, Nxb.Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Bình luận