Xuân mới nói chuyện ... làng báo
Thật hay, vì tìm được đúng món làng báo vừa xứng đáng thay thế cho những tràng pháo nổ đì đùng, hoang phí, lại vừa đồng âm đồng điệu với hai tiếng tràng pháo, không làm mất đi âm điệu quen thuộc mà xưa kia dân mình thường đọc to lên, hay ngâm nga bên chén trà khay mứt, hoặc nguệch ngoạc thảo những nét phượng múa rồng bay trên giấy đỏ mỗi độ Xuân về.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, làng báo, bánh chưng xanh
Thật đúng, vì làng báo Việt Nam trong những năm qua, vào dịp tống cựu nghinh tân đều ra quân thật rầm rộ, trăm báo đua tài đua sắc, mỗi báo một vẻ độc đáo riêng, tạo nên một không khí thật nhộn nhịp tưng bừng mà đầy bản sắc văn hóa dân tộc. Làng báo đến dịp chào năm mới đã không hổ danh là tiếng nói của dân tộc, là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, khiến cho bao nước bạn phải trầm trồ thán phục khi dừng chân đứng trước những sạp quầy quán tiệm, và hội báo Xuân hằng năm. Đúng là như một ngày hội lớn, quy tụ đủ mặt anh hào, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ rừng xuống biển, từ miền xuôi lên miền ngược không thiếu cơ quan ngôn luận đại diện cho mọi tầng lớp xã hội nào!
Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên toàn quốc có hơn 650 tờ tạp chí - báo, chưa kể đến các cơ quan báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình) và những tờ tạp chí của các ban ngành phát hành tại địa phương như: sở Văn hóa Thông tin, sở Khoa học Công nghệ Môi trường, sở Y tế, sở Tư pháp, sở Du lịch, sở Thương binh - Lao động và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội tem tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Nội san tỉnh hội, Phật giáo… Vậy mới dám thử hỏi trên thế giới này có nước nào có được cả một làng Báo Xuân phong phú đa dạng như ở nước ta?
Ghé đến một sạp báo, một quầy, hay một tiệm báo dịp Xuân sang Tết đến, không ai không phải hoa cả mắt lên khi ngắm nhìn để chọn lựa cho mình một vài tờ báo mang về nhà đọc ba ngày đầu năm mới rảnh rang. Không thể dùng từ nào chính xác hơn là thiên hình vạn trạng. Báo lớn báo nhỏ, báo già báo trẻ, báo nam báo nữ, báo mỏng báo dầy, báo nặng báo nhẹ, báo đắt báo rẻ, báo Sở báo Bộ, báo tỉnh báo trung ương, báo nhà, khách… cứ tùy theo sở thích và túi tiền mà tha hồ chọn mua. Mọi lứa tuổi đều được phục vụ: người già có Người cao tuổi, xưa & nay, Cựu chiến binh… Con nít có Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Tri thức tuổi hồng, Khăn quàng đỏ, Rùa vàng, Giáo dục Tuổi thơ, Gia đình & Trẻ em… Giới phụ nữ thì có Phụ nữ Việt Nam, Thế giới Phụ nữ, Phụ nữ T.P HCM, Người đẹp Việt Nam, ấp Bắc chuyên đề Phụ nữ, Phụ nữ Thủ đô, Phụ nữ tiến bộ… Nam thanh nữ tú thì có Thanh niên, Tuổi trẻ, Tạp chí Thanh niên, Tri thức trẻ, Thế giới trẻ, Tiếp thị Gia đình… Ai thích thời trang thì chọn Thời trang trẻ, Nguyệt san mốt, Mốt & cuộc sống, Mỹ thuật, Đẹp… Ai thích mua sắm thì đã có Tư vấn tiêu dùng, Tiếp thị Việt Nam, Sài Gòn tiếp thị, Người tiêu dùng, Sành điệu, Mỹ phẩm… Ai quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự thì có Công an nhân dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Công an Đà Nẵng, An ninh Hải Phòng, Văn hóa Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới… Người có máu thích ngao du sơn thủy thì có các tờ Du lịch TP.HCM, Tạp chí Du lịch Việt Nam, Du lịch hoặc ngắm xem các trang du lịch trên các tạp chí in màu sang trọng khác như: Sài gòn Doanh nhân cuối tuần, Thông tin văn hóa, Tuần san Sài gòn giải phóng, Thứ bảy… Cán bộ, công nhân thì có các tờ Lao động, Người Lao động, Lao động & Công đoàn, Lao động Xã hội, Công nghiệp… Giới kinh doanh buôn bán thì đã có Thương mại, Kinh tế & hợp tác, Diễn đàn doanh nghiệp, Tạp chí Thương mại, Doanh nghiệp & Thương mại, Kinh tế Việt Nam… Dân mê thể dục thể thao thì phải đắn đo trước các tờ báo Thể thao Việt Nam, Thể thao & Văn hóa, Bóng đá, Phụ trương Thể thao SGGP, Thể thao ngày nay, Thể thao TPHCM, Bóng đá Tổng lực, Phụ nữ & Thể thao… Dân mê tin học khỏi phải lo mất phần với E-CHIP, PC Word, Làm bạn vói máy tính, Thế giới “A còng”, Tin học & đời sống… Ngành Tư pháp thì có Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật, Pháp lý… Nhà binh cũng đã có phần với Văn nghệ quân đội, Quân đội nhân dân, Cựu chiến binh… Nhiếp ảnh thì có ánh sáng đẹp, Nhiếp ảnh, Thế giới ảnh…Dân mê “xi nê”hay ca nhạc, kịch thì có Điện ảnh kịch trường, Điện ảnh TP.HCM, Màn ảnh sân khấu, Báo ảnh đất Mũi cuối tuần, Nghệ sĩ & sân khấu với nhiều ảnh minh tinh thần tượng… Cánh nhà báo cũng tha hồ mà học hỏi và nâng cao nghiệp vụ, mở mang kiến thức ngành nghề với Người làm báo, Nhà báo và công luận, Nghề báo, và “một trời” tạp chí Người làm báo của các Hội nhà báo các tỉnh, thành… Còn có cánh nhà báo nhà thơ thì “bơi” giữa một “biển” báo - tạp chí như các tờ báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn TP.HCM, và các giai phẩm Xuân của các Hội văn học nghệ thuật tỉnh từ Lạng Sơn đến Cà Mau… Còn nói về các báo tỉnh thì hiếm thấy đầy đủ trên các sạp quầy, điều dễ hiểu là báo tỉnh nào phát hành trong tỉnh đó, hay chỉ gửi biếu tặng nhau giữa các cơ quan, đảng bộ với nhau, và biếu các tác giả có bài đăng, và một vài tờ đại diện gửi đi tham dự Hội báo Xuân cho quần chúng nhân dân biết dung nhan mặt mũi. Cho nên, nếu có một người tha hương làm ăn ở tỉnh bạn xa xôi mà muốn mua một tờ báo Xuân của tỉnh nhà trên một sạp báo tỉnh khác thì có nước… chịu chết thèm! Đến bao giờ các báo tỉnh vượt khỏi được ranh giới địa phương mình để góp mặt trên các sạp quầy báo nhỉ?
Về nội dung phải nói là hầu hết các báo đều chọn lọc kỹ càng, tuyển duyệt kỹ lưỡng bài vở, đưa lên giai phẩm Xuân những bài viết đặc sắc, không đụng hàng (vì đã có đặt hàng trước), hấp dẫn lôi cuốn, và nói không ngượng miệng là nội dung kết tụ những tinh hoa tinh túy của những người cầm bút chân chính. Tên tuổi và tác phẩm mới keng của các nhà cách mạng lão thành, các nhà chính trị lỗi lạc, các nhà báo - nhà văn - nhà thơ lớn, các hoạ sĩ - nhiếp ảnh gia lừng lẫy, các cây đại thụ của giới phê bình văn học, hay của những cây bút trẻ đang lên sau những cuộc thi văn chương sẽ được ưu tiên xuất hiện trang trọng trên những trang báo Xuân với diện tích “thuộc diện ưu đãi”. Tiếp theo phải kể đến lượng bài lớn thuộc dạng tư liệu lịch sử “Nhân vật lịch sử tuổi Tý - Sửu - Dần - Mão…” hoặc “Những sự kiện lịch sự đáng nhớ năm Thìn - Tỵ - Ngọ…”, “Đầu năm xông đất các Văn nghệ sĩ tuổi Mùi - Thân - Dậu…” hay các bài sưu tầm biên soạn - góp nhặt liệt kê về “năm nào nói chuyện con nấy” như: “Những chuyện lạ kỷ lục về Chó - Lợn - Chuột…”, “Từ điển mi ni tục ngữ - ca dao Việt Nam về Trâu - cọp - mèo…”. Mấy năm gần đây, trên rất nhiều tờ báo Xuân còn xuất hiện thêm một mảng thể loại sưu tầm biên soạn về “Tem sưu tập” rất công phu và hơi lạ lạ như: “Năm Ngọ nói chuyện ngựa đua trên tem bưu chính”, “Chiến mã và kỵ sĩ trên tem bưu thư”, năm Mùi thì “Tìm hiểu các loài Dê qua tem sưu tầm”, “Sơn dương trên tem”, năm Thân thì “Các loài Khỉ trên tem Bưu chính Việt Nam”, “Tôn Ngộ không trên tem” và các bài “Tem Tết Việt Nam”, “Tem 12 con giáp các nước”… Phải công nhân đây là thể loại mới lạ, vừa góp phần làm phong phú thêm cho Báo Xuân cả về trang mục lẫn kiến thức, vừa khẳng định được chỗ đứng không kém phần quan trọng cho thú sưu tập tem thanh tao và bổ ích mà phong phú đã phổ biến lan rộng khắp thế giới, Mảng bài về tem sưu tập đã không còn là “đặc sản báo chí” của tạp chí Tem do Hội Tem Việt Nam, cũng như các Hội Tem tỉnh thành phát hành nữa, mà đã trở thành những đóa hoa tươi tắn đầy màu sắc quen thuộc trong vườn hoa của Báo Xuân Việt Nam hằng năm. Một thể loại nữa cũng cần nên kể đến là mảng trào phúng dí dỏm, đó là những trang mục mang lại tiếng cười cho độc giả ba ngày Tết, xuất hiện trên khắp các giai phẩm Xuân với các thể loại hí hoạ, biếm họa, thơ châm, tiểu phẩm, chuyện cười… Không kể đến các tờ báo ngành khác có báo dành cả trang, có báo đăng rải từ trước ra sau, có báo dành 2 - 3 trang cho mảng dí dỏm hài hước này. Dân mình gì cũng cười, nên không có gì phải lấy làm lạ khi thấy trên khắp các báo Xuân đều có phần ưu ái cho những “sản phẩm mang lại nụ cười”, vì cười cho vui cho hên, và vì “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà lị!
Về hình thức phải nói là đáng mừng, đáng vui khi mỗi báo Xuân nước ta càng đẹp hơn, trang nhã hơn, bắt mắt hơn với công nghệ in ấn hiện đại. Trang bìa có rất nhiều tờ báo Xuân luôn là “dung nhan ăn nói” nên được thiết kế vừa nghệ thuật lại vừa sắc sảo, gây ấn tượng với độc giả ngay sau cái nhìn đầu tiên. Những gì gọi là “Chân thiện mỹ”đều đã được thể hiện ra trước trang bìa, có thể nói là “rút ruột” mang ra ngoài để bày tỏ, đó có thể là một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật rất súc tích nhưng gợi ra biết bao điều tốt đẹp an lành, cũng có khi đó là một toàn cảnh tiêu biểu cho thành tựu năm cũ và hứa hẹn một năm mới tươi sáng, cũng có khi là một bức tranh cô đọng gợi lên một mùa xuân xán lạn huy hoàng đầy ý nghĩa và cảm xúc… Bên trong hầu hết các tờ báo Xuân đều dành nhiều trang in màu, với sự chọn lọc kỹ lưỡng từng tấm ảnh, bức tranh minh họa cho từng bài viết với kỹ thuật ấn loát tiến bộ vượt bậc nên đều rõ ràng, sắc nét. Đặc biệt là những tranh ảnh tư liệu nước ngoài được khai thác từ Internet, hay từ các đĩa CD - ROM, rất rõ, rất chi tiết, đã làm tôn thêm giá trị của từng bài viết và cả tờ báo. Sắc màu rực rỡ, sáng sủa hài hòa của một rừng Báo Xuân đúng là đã làm cho độc giả phải hoa cả mắt lên, nhiều khi muốn… choáng ngợp!
Bạn đọc nào cảm thấy có nhiều báo “hợp gu” với mình nhiều thì hao tiền nhiều. Có người thích coi chỉ một mảng đề tài, nhưng có người thứ gì cũng thích đọc, cũng thích tìm hiểu, thích thì cứ mua. Có người chỉ mua vài tờ báo mà quanh năm mình đã đọc quen. Có người kinh tế eo hẹp nên chỉ mua một, hai tờ báo tượng trưng để trong nhà cho hàng xóm, khách khứa có mà đọc ba bữa nghỉ ngơi thư giãn. Dân nghèo thì coi cọp ở các quầy sạp, rồi chờ có hội Báo Xuân sẽ thoải mái mà ngồi lật xem từng ảnh, đọc từng trang báo, gẫm từng trang chữ vẫn thấy Xuân thấy Tết.
Nói chung, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới nếu có ai mà không biết đến, hoặc không cầm trên tay, hay không sở hữu một tờ báo Xuân nào, thì thật là… không thấy mùa xuân. Chắc sẽ có người lo lắng rằng: “Báo Xuân phát hành quá nhiều như vậy liệu có bán hết trong một mùa xuân hay không?”. Xin thưa rằng: “Đừng có lo”. Dân mình đọc báo dữ lắm, mua báo cũng dữ lắm. Hằng năm, các quầy sạp báo chí đều sẽ trống trơn vào các ngày cuối năm, nếu có tồn thì tồn những tờ báo quá dở, quá khô khan, hoặc báo in ấn xấu lại quá ham hố phát hành với số lượng quá nhiều mà thôi! Cho nên nếu có ai đó có suy nghĩ “không vội gì mua báo Xuân, để từ từ đến ngày Mươi tết mua cũng được”, thì coi chừng không có gì để mang về nhà! Ngưòi ta mua báo Xuân đâu chỉ để mang về đọc ba ngày Tết, mà có người mua về để đọc cho hết cả tháng Giêng, có người đọc xong mỗi năm rồi đem cất kỹ để lưu giữ cả 12 năm qua như một bộ sưu tập, và còn lưu giữ thêm dài dài. Vậy cho nên mới có câu thơ vui rằng:
Xuân đi chớ tưởng xuân tàn
Đêm qua báo Tết vẫn còn đọc chơi
Đọc xong chớ xong rồi
Ngày mai đọc tiếp một hơi vẫn còn…
______________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 1+2.2005
Huyền Nữ Dương Chi
Bài liên quan
- Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
- Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- Giải pháp đổi mới hoạt động truyền thông phòng, chống tin giả tại các trường trung học phổ thông hiện nay
Xem nhiều
-
1
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
-
2
[Video] Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
3
Đồng chí GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
4
Đại hội Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp
-
5
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
-
6
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi gắn liền với cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2025: Khẳng định vai trò tiên phong của báo chí trong hành trình 100 năm đồng hành cùng dân tộc
Sáng 19-6, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2025.
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Trong bức tranh truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang dần được tái hiện với nhiều sắc thái mới, giàu tính biểu cảm và phản ánh đa dạng vai trò của họ trong đời sống đương đại. Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), việc quản lý, thể hiện và lan tỏa hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu nội dung lẫn chất lượng hình thức. Không chỉ đơn thuần là những khuôn hình đặc tả trang phục truyền thống hay lao động thường nhật, các sản phẩm báo ảnh tại đây còn hướng tới việc khắc họa chân dung người phụ nữ dân tộc với vai trò chủ thể phát triển – là cán bộ, trí thức, doanh nhân, nghệ nhân... Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm quản lý tốt hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay.
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển đổi số, việc truyền thông hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở thành một yêu cầu cấp thiết. Báo mạng điện tử với ưu thế về tốc độ, khả năng cập nhật và tính tương tác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành vi của cộng đồng doanh nghiệp. Bài viết này phân tích thực trạng quản trị thông tin về chính sách hỗ trợ DNNVV trên một số báo mạng điện tử chuyên ngành tài chính - đầu tư ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế và đề xuất giải pháp quản trị thông tin, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách kinh tế - cụ thể là chính sách hỗ trợ DNNVV trên báo mạng điện tử, trong thời gian tới.
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Báo mạng điện tử Việt Nam, với lợi thế về tính tích hợp đa phương tiện, tốc độ cập nhật và khả năng tương tác tức thời, đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc kết nối và chuyển tải thông tin hai chiều đến với khu vực nông thôn. Nhiều báo lớn đã mở các chuyên mục về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, cùng với đó là số lượng các bài viết về kinh tế nông thôn ngày càng nhiều, nội dung ngày càng đa dạng, tích cực ứng dụng đa phương tiện để thông tin hấp dẫn hơn, tăng cường tương tác với độc giả. Trên cơ sở khảo sát ba tờ báo điện tử là Dân Việt, Vietnamnet và Nhân Dân điện tử trong năm 2024, bài viết phân tích vai trò, hiệu quả thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, con người luôn được xác định là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của mọi chiến lược phát triển. Trong các nhóm xã hội, thanh niên – với tư cách là một bộ phận dân số có quy mô lớn, có trí tuệ, khát vọng cống hiến và khả năng thích ứng cao – giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển con người toàn diện, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó thanh niên là lực lượng xung kích, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng chịu nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, những tác động hậu COVID-19, và chủ trương tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay. Là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đặc biệt về mảng du lịch – dịch vụ, để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lao động trẻ có chất lượng, năng động, chuyên nghiệp và có ý thức chính trị – xã hội vững vàng.
Bình luận