Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai và ý nghĩa đối với việc giáo dục đạo đức cho sinh viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Ngày 7.5.1958, Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, động viên và giao nhiệm vụ. Tại Đại hội, Người đã có bài phát biểu ngắn, nhưng rất cô đọng, súc tích, chứa đựng nhiều nội dung mang tính giáo dục đối với các thế hệ sinh viên Việt Nam. Đến nay, đã trải qua 9 kỳ đại hội sinh viên Việt Nam, song lời dạy của Người vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với các thế hệ sinh viên Việt Nam.
Trong bài phát biểu, Người đặt vấn đề rằng, sinh viên là những trí thức tương lai, là những người chủ của tri thức và khoa học, là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH. Vì vậy, cần phải có đức và có tài, vừa hồng vừa chuyên. Người đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài trong phẩm chất của một con người: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”(1).
Để rèn luyện thành người có đức và có tài thật sự, mỗi sinh viên, theo Hồ Chí Minh phải trả lời được ba câu hỏi rất đơn giản nhưng cũng không dễ, và đó cũng là nội dung cơ bản mà Người muốn đề cập trong bài nói của mình.
1. Học để làm gì? Học để phục vụ ai?
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Tuy nhiên, quan niệm về việc học đôi khi chưa đúng, ít hay nhiều cũng còn mang dấu vết của xã hội cũ, tư tưởng tiểu tư sản. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, điều cần thiết đối với mỗi sinh viên là phải xác định cho được mục đích của việc học:
Một là, học để làm việc, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, học không phải để làm quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cá nhân chủ nghĩa nó đẻ ra cái tư tưởng danh lợi, chỉ muốn làm ông này ông khác, bà này bà khác”(2). Hiện nay, một bộ phận học sinh, sinh viên và phụ huynh vẫn còn tư tưởng này, cho rằng vào đại học là con đường duy nhất để sau này có thể được “thăng quan tiến chức”. Do đó, một số em không có khả năng học đại học, nhưng vẫn bằng mọi giá để được vào đại học. Từ đó, đã nảy sinh những hệ lụy cho xã hội và môi trường đại học, như hiện tượng sinh viên nợ nhiều môn, điểm tổng kết thấp… và không thể tốt nghiệp ra trường. Vì vậy, điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi sinh viên là phải xác định cho được mục đích học tập, đó là động lực cho sự phấn đấu và vươn lên để đạt được ước mơ và hoài bão của mình dù ở cương vị hay công việc nào.
Hai là, học không phải để tránh cái khó cái khổ cho mình, học không phải để rồi coi khinh lao động chân tay, học không phải để chạy theo bằng cấp, ngồi bàn giấy, chỉ tay năm ngón, xa rời lao động mà phải nghĩ đến đồng bào, đến nhân dân. Người sinh viên trí thức trong thời đại mới phải là người “có khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau”(3). Hiện nay, chủ nghĩa thực dụng trong một bộ phận sinh viên là một trong những vấn đề đáng báo động: Học để giành lấy học bổng, học để có một bằng đỏ… Tính thực dụng đó, một phần, bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường; phần khác, là do những hạn chế từ môi trường giáo dục của gia đình và xã hội. Do đó, cần thiết phải giáo dục cho sinh viên nhận thức đúng đắn về việc học, lý tưởng sống, những giá trị và phẩm chất của con người mới XHCN, sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, xã hội. Thiết nghĩ, góp phần cho sự giáo dục đó, mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên noi theo.
2. Về phương pháp học của sinh viên: Học như thế nào?
Một là, lý luận phải kết hợp với thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Người trí thức không phải là con người tư biện, chỉ biết ngồi trong phòng kín để tư duy mà phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “… Các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”(4). Đối với sinh viên, cả khối khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và nhân văn, muốn trở thành người lao động tốt, người cán bộ có đức và có tài của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, cần phải xâm nhập vào thực tế, đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống thì mới phản ánh được nguyện vọng của quần chúng nhân dân và do đó phục vụ nhân dân được nhiều nhất. Từ lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người giáo viên, muốn trở thành người thầy giỏi cũng cần phải luôn tự đổi mới và hoàn thiện mình, phải biết kết hợp lý luận với thực tiễn trong quá trình truyền đạt tri thức cho sinh viên.
Hai là, phải có quyết tâm trong học tập và lao động. Theo Người, quyết tâm là một giá trị về mặt tinh thần, nhưng nó có tác động rất lớn đối với việc rèn đức và luyện tài của mỗi sinh viên. Muốn có quyết tâm trong học tập, mỗi sinh viên phải xác định được mục đích học tập và ý nghĩa của sự cống hiến, học không phải để đối phó và học không phải chỉ vì lợi ích cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ động lực cho quyết tâm đó: “Muốn có quyết tâm thì phải có tinh thần, phải có sáu cái yêu”(5). Đó là những phẩm chất cơ bản của mỗi sinh viên. Vậy, những phẩm chất cơ bản của sinh viên là gì?
3. Những phẩm chất cơ bản của sinh viên để rèn đức, luyện tài
Thứ nhất, yêu Tổ quốc: “tức là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”(6). Đối với sinh viên hiện nay, yêu Tổ quốc, trước hết là phải xuất phát từ tình yêu quê hương, làng xóm, yêu ông bà, cha mẹ, những người đã sinh ra, cưu mang, đùm bọc và che chở cho mình. Yêu thầy cô và bạn bè, những người đã từng chia sẻ tri thức và những buồn vui khi còn ngồi trên ghế giảng đường học tập. Để đáp trả tình yêu đó, mỗi sinh viên phải phấn đấu học thật tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập, học ở mọi lúc mọi nơi, tham gia các hoạt động tập thể và công tác xã hội. Từ tình yêu đó, tình yêu Tổ quốc được hình thành và trở thành giá trị thiêng liêng bền vững của các thế hệ con người Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng.
Thứ hai, yêu nhân dân: “Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn, những công tác nặng nhọc với nhân dân”(7). Hiện nay, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, mỗi sinh viên phải biết chia sẻ khó khăn đó cùng với gia đình và xã hội; tạo lập một lối sống giản dị, gần gũi và hòa đồng với mọi người, tránh sự vô cảm.
Thứ ba, yêu CNXH: “Tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu CNXH, vì có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”(8). Người đã từng dạy, muốn xây dựng CNXH phải có những con người XHCN, con người XHCN là con người yêu nước, giàu tình nghĩa và có tinh thần quốc tế vô sản; mình vì mọi người và mọi người vì mình. CNXH là khát vọng, là giá trị đích thực mà nhân loại đang hướng tới. Mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Yêu CNXH tức là bản thân mỗi sinh viên phải ra sức phấn đấu, rèn đức luyện tài, lập thân lập nghiệp để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Lý tưởng đó phải được truyền lửa từ các thế hệ giáo viên, là ánh đuốc để thắp thêm niềm tin cho các em hướng về tương lai phía trước.
Thứ tư, yêu lao động: “Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu CNXH thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông”(9). Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin, lao động là bản chất của con người, là một trong những nguồn gốc hình thành con người, đưa con người trở thành “người” đúng nghĩa. Thông qua lao động, mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa con người và tự nhiên được xác lập. Sinh viên Việt Nam được rèn luyện và học tập dưới mái trường XHCN cần phải có tình yêu lao động và từng bước xác lập cho mình những giá trị của người lao động mới: Lao động có thể lực, trí lực và có trách nhiệm đối với công việc được giao; tránh thói làm ẩu và vô trách nhiệm... Người lao động trong xã hội mới - xã hội XHCN phải có sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực và đạo đức. Đó là 3 yếu tố cấu thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội hiện đại - một trong 3 khâu đột phá để giải quyết điểm “nghẽn” mà Đảng ta đã chỉ ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.
Thứ năm, yêu khoa học và kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng. Do đó, tiến lên CNXH thì phải có khoa học và kỷ luật. Ngày nay, khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Sinh viên là lớp thế hệ tiếp cận nhanh và có thể thâu tóm được những tri thức mới và làm chủ tri thức đó để từng bước làm chủ quá trình quản lý xã hội. Ph.Ăngghen trong bức thư “Gửi Đại hội Quốc tế sinh viên xã hội chủ nghĩa” đã viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho sinh viên hiểu được rằng, giai cấp vô sản trí thức (tác giả nhấn mạnh - BTKH) phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên, bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó - các công nhân thủ công nghiệp - giai cấp ấy có sứ mệnh phải đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới”(10). Ở đây, Ph.Ăngghen đã gắn liền “giai cấp vô sản trí thức” với “sinh viên” và coi sinh viên là nguồn chủ yếu bổ sung cho “giai cấp vô sản trí thức”, là tương lai cho sự phát triển của xã hội.
Khi khoa học càng phát triển, lao động ngày càng mang tính chuyên môn hóa, quốc tế hóa, tất yếu đòi hỏi người lao động phải có tính tổ chức, kỷ luật cao và tác phong công nghiệp. Đó chính là một trong những đặc điểm của con người mới XHCN. Vì vậy, ngay từ bây giờ, khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường, tự bản thân mỗi sinh viên phải từng bước hình thành tính tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt nội quy, quy chế của nhà trường, từng bước xây dựng cho mình lối sống mới XHCN và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kết thúc bài phát biểu, Người luôn tin tưởng và gửi gắm niềm tin vào các thế hệ sinh viên: “Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”(11).
Các thế hệ sinh viên Việt Nam hôm nay luôn khắc ghi những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, đó chính là hành trang quý báu cho mỗi sinh viên khi vào đời.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi quốc gia đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam là một tất yếu khách quan. Quan tâm giáo dục đạo đức, lý tưởng cộng sản cho thanh niên, sinh viên và tạo điều kiện cho họ lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan. Trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14.01.1993 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Đảng ta đã khẳng định: “Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người… Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không… phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên”(12).
Lần đầu tiên, Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25.7.2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(13). Điều đó, khẳng định thêm một lần nữa, Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo Việt Nam luôn quan tâm đến việc giáo dục và vun đắp cho các thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam - những người chủ tương lai của đất nước./.
______________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (10) Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), T.11, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.399 - 400,
(8), (9), (11) Hồ Chí Minh Toàn tập (1995), T.22, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.613.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 04- NQ/HNTW, ngày 14.1.993 Ban chấp hành Trung (3), ương khóa VII.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25.07.2008 Ban chấp hành Trung ương khóa X.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 1.2014.
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận