Bình đẳng giới về giáo dục ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và những vấn đề đặt ra
Chính sách giáo dục ở nước ta hiện nay được coi là một trong những chính sách quan trọng và luôn được Đảng và Nhà nước xác định một cách nhất quán là “quốc sách hàng đầu”; “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển’ và mục tiêu của giáo dục là nâng cao liên tục năng lực của mọi công dân không phân biệt nam nữ. Nhờ vậy, những năm gần đây Việt nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ dân số biết chữ cao hơn so với các nước có cùng trình độ phát triển. Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục và đào tạo. Trẻ em trai và trẻ em gái, phụ nữ và nam giới đều có quyền tham gia vào tất cả các cấp giáo dục của xã hội. Sinh thời Hồ Chủ tịch đã từng kêu gọi: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để theo kịp nam giới”(1). Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những thành tựu về giáo dục, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay cũng đang ảnh hưởng đến cơ hội hưởng thụ khác nhau về giáo dục của nam giới và nữ giới và nó đang diễn sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm tuổi, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Thực tế cho thấy vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu khả quan: khoảng cách bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, thu nhập không ngừng được rút ngắn; số phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, những khác biệt về giới vẫn còn tồn tại cả trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Để luận chứng cho những giải pháp nhằm nâng cao bình đẳng giới, bài viết này tập trung vào phân tích thực trạng của sự khác biệt giới trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta hiện nay, qua đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực này.
Trong phạm vi bài viết này, khái niệm “Giáo dục được hiểu là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống, có mục đích đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - văn hoá của xã hội. Hội nghị Cairo 1994 nhấn mạnh giáo dục như là nhân tố cơ bản trong sự phát triển bền vững, là một thành phần của phúc lợi và là phương tiện để cá nhân nhận được kiến thức”(2).
Từ khái niệm về giáo dục nêu trên chúng ta có thể hiểu bất bình đẳng giáo dục chủ yếu là sự thấp kém về cơ hội đi học, khả năng tốt nghiệp các cấp giáo dục của nữ giới so với nam giới. Vì giáo dục có nhiều cấp độ khác nhau nên bất bình đẳng giới trong giáo dục có thể được xem xét trên cấp độ giáo dục phổ thông và đào tạo nghề nghiệp.
1. Bất bình đẳng giới trong giáo dục phổ thông
Những năm qua chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, những thành tích của chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục là rất đáng khích lệ và mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc. Hiện nay tỷ lệ biết chữ cấp quốc gia đạt gần 90%, điều đáng nói hơn là sự khác biệt về giới ở bậc tiểu học đang được thu hẹp dần, chênh lệch cơ cấu nam - nữ đến trường ở từng cấp học có xu hướng được rút ngắn qua các năm. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ là bước đầu, chưa thực sự bền vững, nhiều thách thức lớn đã và đang đặt ra cho công tác giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay đó là: Trong tổng số người mù chữ, phụ nữ vẫn chiếm hơn 2/3 so với nam giới (Phụ nữ 69%; nam giới 31%) (Điều tra dân số và nhà ở, 1999). Số liệu cũng cho thấy 12% em gái trong độ tuổi 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học, trong khi đó tỷ lệ này chỉ là 7,5% đối với các em trai. Đối với các cấp học càng cao thì khoảng cách giới càng thể hiện sâu sắc hơn. Đặc biệt đối với phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa thì vấn đề này lại càng trở nên cấp bách hơn. Điều kiện để trẻ em gái tiếp cận với giáo dục đối với các vùng "nhạy cảm" này đang là vấn đề cần có lời giải đáp thoả đáng. Tuyệt đại đa số các hiện tượng bỏ học chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ em gái và thông thường trong các gia đình nghèo thì các em gái cơ hội đến với trường học thấp hơn nhiều lần so với các em trai.
Chúng ta có thể lý giải sự khác biệt giới đối với vấn đề này là do: thông thường nhóm gia đình nghèo và nhóm gia đình người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế thấp, một mặt do cơ chế thị trường đã làm tăng chi phí giáo dục, mức chi tiêu cho giáo dục hầu như tăng gấp đôi ở mọi cấp học. Bên cạnh đó ở những vùng này điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, địa hình các vùng miền núi bị chia cắt, trường học rất xa so với nơi ở nên việc đi lại học tập trở nên hết sức khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Mặt khác trong nhóm này còn mang khá nặng tư tưởng định kiến giới “Con gái không cần học cao” nên đã ảnh hưởng tới việc quyết định lựa chọn đầu tư giáo dục cho con cái. Thực tế cho thấy nhóm này có sự thiên vị đối với con trai đối với các quyết định đầu tư giáo dục. Họ quan niệm rằng con trai sẽ có triển vọng và có được việc làm tốt hơn con gái khi có cùng trình độ học vấn, do đó càng ở cấp học càng cao thì sự vắng bóng của trẻ em gái càng ít đi cũng là điều dễ hiểu. Chính sự thiên lệch trong hướng đầu tư giáo dục cho con cái của nhiều hộ gia đình dẫn đến thực trạng trẻ em gái là những người chịu nhiều thiệt thòi trong cơ hội đến trường, cơ hội tìm kiếm việc làm và cơ hội hoà nhập xã hội. Chính điều này đã làm gia tăng thêm khoảng cách bất bình đẳng giới trong cơ hội thụ hưởng các thành quả giáo dục của giới nam và giới nữ và là mối nguy cơ khiến sự chênh lệch về trình độ giáo dục của nam và nữ có xu hướng ngày càng tăng.
2. Bất bình đẳng giới trong giáo dục - đào tạo nghề
Việt Nam đang trong quá trình thực hiện công cuộc CNH, HĐH, đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với chúng ta. Quy mô và tính chất lao động ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng lao động qua đào tạo có khả năng đáp ứng được thị trường lao động. Vì vậy nếu một trong hai nam hoặc nữ không có cơ hội để tiếp cận với quá trình đào tạo kỹ năng lao động nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề giải quyết việc làm, xoá đói giám nghèo và tăng trưởng bền vững của quốc gia.
Sự bất bình đẳng giới trong giáo dục hiện nay sẽ gây cản trở không nhỏ cho phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm đòi hỏi có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật lành nghề và lẽ dĩ nhiên là thu nhập cũng cao hơn rất nhiều. Số liệu điều tra (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2000) cho thấy chỉ có 2% tỷ lệ phụ nữ có trình độ học vấn ở bậc đại học và cao đẳng chiếm 2% trên tổng số dân và phụ nữ trong độ tuổi lao động, chỉ có khoảng 6% có bằng công nhân kỹ thuật. Trong khi đó các chỉ số này ở nam giới là khoảng 10% và 3%. Thực tế đó cho thấy, với tiến bộ của khoa học và công nghệ như hiện nay, nếu phụ nữ không được được đào tạo và nâng cao trình độ thì khó có thể thích ứng với điều kiện làm việc và tăng hiệu quả lao động. Những vấn đề này nếu không có những biện pháp và chính sách thích hợp kịp thời, có thể sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng yếu kém và tụt hậu về trình độ học vấn cũng như trình độ đào tạo nghề của phụ nữ và là mối nguy cơ khiến sự chênh lệch về trình độ giáo dục của nam và nữ có xu hướng tăng lên. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, nhiều nhóm ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và thu nhập cao, thì việc phụ nữ bị tụt hậu quá xa sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự thua kém của họ trong tìm kiếm việc làm, hạn chế khả năng đóng góp cũng như thụ hưởng trong quá trình lao động. Sự chênh lệch về trình độ học vấn và chuyên môn trong bộ phận lao động nữ cũng dẫn đến sự phân hoá trong thu nhập. Thực tế cho thấy sự yếu kém, non nớt về tay nghề và trình độ học vấn thì thu nhập cũng thấp. Khoảng cách tiền công của phụ nữ có học vấn ở bậc tiểu học so với phụ nữ có học vấn ở bậc đại học và cao đẳng trở lên là rất xa nhau; đặc biệt là chế độ phụ cấp thì khoảng cách này thấp hơn gấp 6 lần (58,42/345,56).
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Sự phân tích trên đây cho thấy trong bối cảnh đổi mới toàn diện và mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay, nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự nỗ lực chung của toàn xã hội, vấn đề bình đẳng giới đã không ngừng được nâng cao và cải thiện đáng kể. Nam giới và phụ nữ đều đã có những điều kiện và cơ hội bình đẳng trong nhiều hoạt động của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội, số phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các nghề nghiệp đòi hỏi trình độ học vấn cao; tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội cũng tăng qua các khoá bầu cử (27,3% nữ đại biểu Quốc hội khoá XI và Khoá VIII chỉ chiếm 17,8%)... Tuy nhiên, qua sự phân tích ở trên cho thấy sự khác biệt về giới, sự bất bình đẳng nam nữ vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực, nhiều vùng, miền, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới như mong đợi, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần phải chú trọng tới các vấn đề sau:
- Thực tế cho thấy bất bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, tới sự phát triển bền vững bởi các quốc gia, dân tộc không khai thác hết được tiềm năng và sự đóng góp của toàn xã hội nếu như nam giới hoặc nữ giới không được hưởng nền giáo dục tốt. Hơn nữa, khác biệt giới trong một số ngành học có thể dẫn tới sự mất cân đối giới trong lĩnh vực lao động, việc làm. Vì vậy, trong sự nghiệp đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì công bằng xã hội và giới, vai trò của các cơ quan hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là đối với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành những chính sách và giải pháp đồng bộ để thực sự tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ được tiếp cận với các loại hình giáo dục được đầy đủ và toàn diện hơn.
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các quyền bình đẳng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền để cộng đồng cũng như bản thân phụ nữ thấy được tầm quan trọng, lợi ích to lớn và ý nghĩa xã hội của việc đầu tư giáo dục cho phụ nữ là đầu tư cho sự phát triển bền vững.
- Cần đa dạng hoá các loại hình giáo dục ở mọi cấp học, ngành học, cần không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dưới mọi hình thức. Phấn đấu đạt được tỷ lệ nhập học tương đương giữa trẻ em trai và trẻ em gái thuộc mọi thành phần xã hội, vùng miền, chương trình, ngành học và cấp học. Khuyến khích và có chính sách thu hút tỷ lệ nhập học của phụ nữ trong các môn học kỹ thuật ở các trường đại học và trường dạy nghề. Xoá bỏ các tư tưởng phong kiến lỗi thời đối với việc cản trở trẻ em gái đến trường. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành nghề kỹ thuật.
Đấu tranh vì sự bình đẳng của phụ nữ trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục là một công việc mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nhưng cũng hết sức khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ cũng như sự nỗ lực chung của toàn xã hội và chính bản thân người phụ nữ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội...; Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”(3).
Thấm nhuần lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thực hiện tốt các chính sách giới mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã đề ra: “Tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và trong toàn xã hội về công tác phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới. Khẩn trương thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ trong tình hình mới... Nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ... Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp”(4). Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục sẽ sớm thu được những kết quả tốt đẹp trong xã hội hiện đại./.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập (1996), Nxb. CTQG, Hà Nội, T.4, tr.37
(2) Dân số và phát triển (2000), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.89.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), Nxb. CTQG, Hà Nội, T.6, tr.433.
(4) Đảng cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.17-18.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005
Đặng Ánh Tuyết
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận