Các kỹ năng cần thiết cho sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế khi đi thực tế, thực tập nghề nghiệp
Thứ năm, 15:22 24-06-2021
Thực tế, thực tập, thực hành nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế là việc cần thiết bởi nó gắn kết các kiến thức với thực tiễn và giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thích nghi với môi trường nghề nghiệp sớm. Trong chương trình đào tạo ngành và chuyên ngành ở Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vấn đề này được thể hiện ở mục tiêu và chuẩn đầu ra từng môn học bắt buộc và tự chọn. Do vậy, việc tổ chức thực hiện cho sinh viên đi thực tế môn học, thực hành kỹ năng và thực tập tốt nghiệp với những mục tiêu xác định là một trong những yêu cầu đặt ra trong suốt quá trình đào tạo.
1. Thực tế, thực tập trong nước
Sinh viên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế có phổ ngành nghề quan tâm khá rộng. Thông qua các môn chuyên ngành, sinh viên có thể tiếp cận được khá nhiều chuyên môn như các vị trí việc làm trong các cơ quan Nhà nước về thông tin đối ngoại, báo chí đối ngoại; các tổ chức quốc tế về đối ngoại nhân dân, các tổ chức phi chính phủ; các doanh nghiệp truyền thông và truyền thông ở các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế… Do vậy, quá trình thực tế, thực hành, thực tập của sinh viên được định hướng phù hợp với khả năng, sở trường của từng sinh viên. Chính các sinh viên là người quyết định việc lựa chọn đó.
Thứ nhất, về thực tế cơ sở, tùy theo ngành học, Khoa lựa chọn các địa điểm và cơ sở chuyên môn phù hợp để sinh viên có thể tiếp cận gần nhất với chuyên ngành mà mình đang theo học. Ví dụ: Những địa điểm/ cơ quan/ tỉnh/ thành phố… có liên quan nhiều đến công tác thông tin đối ngoại, các hoạt động ngoại giao, đối ngoại như bộ đội biên phòng, các tỉnh biên giới, hải đảo hoặc các tỉnh thành có nhiều hoạt động thu hút đầu tư, công tác ngoại giao nhân dân, truyền thông quảng bá du lịch…
Tương tự như vậy, việc thực hành và rèn luyện các kỹ năng môn học (Quan hệ quốc tế, Truyền thông quốc tế) cũng được xác định rõ địa bàn, đối tượng tiếp cận và các sản phẩm truyền thông quốc tế hướng đến người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam. Các giảng viên hướng sinh viên tiếp cận đúng đối tượng và sử dụng kiến thức đã học để thực hành kỹ năng cần thiết.
Vì vậy, việc chọn cơ quan, tổ chức xã hội, đơn vị liên kết… để sinh viên đến thực tế, thực tập, thực hành nghề nghiệp luôn là việc đầu tiên cần phải được định hướng trong phát triển các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với mục tiêu đào tạo. Sinh viên hiện đang có rất nhiều lựa chọn điểm đến. Việc định hướng để sinh viên chọn đúng sở trường sẽ giúp sinh viên phát huy khả năng và định hướng đúng nghề nghiệp tương lai, ngược lại, việc chọn sai sẽ gây mất hứng thú học tập, kìm hãm sự phát triển kỹ năng và không phát huy năng lực cá nhân của sinh viên.
Đã có một số sinh viên thể hiện tính năng động, sáng tạo khi chủ động tìm kiếm các cơ quan đến thực tế, thực hành, thực tập. Cá biệt có nhiều sinh viên lựa chọn các tổ chức quốc tế và tiếp cận đến thực tập và làm việc bán thời gian để thực hành các kỹ năng. Tuy nhiên, còn một số sinh viên chọn theo cảm tính, theo bạn bè, theo sự phân công… mà chưa chủ động, tích cực tìm hiểu và lựa chọn cho nghề nghiệp của mình tương lai. Vì thế, nhiều sinh viên đã bỏ lỡ các cơ hội tiếp cận nghề nghiệp từ sớm…
Thứ hai, để việc tiếp cận cơ quan, tổ chức, đơn vị… đến thực tế, thực tập, thực hành có hiệu quả thì sinh viên cần phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về cơ quan tổ chức đó, tìm hiểu về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, lĩnh vực chuyên môn của họ. Trong một cơ quan lớn vẫn có thể tìm thấy những chuyên môn mang tính ngành phù hợp với sở trường và môn học nghiệp vụ của mình như các cơ quan báo chí, truyền thông đối ngoại, các tổ chức quốc tế… Một trong những yêu cầu quan trọng để dẫn đến thành công là tìm hiểu sự phù hợp cho định hướng tương lai nghề nghiệp của từng cá nhân ở mỗi vị trí việc làm. Phải đảm bảo được nơi đến thực tế, thực tập, thực hành sẽ là nơi có cơ hội để thể hiện sự yêu nghề, say mê và mong muốn phát triển nghề nghiệp hướng tới tương lai.
Thứ ba, cần chuẩn bị những kiến thức kỹ năng cần thiết khi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực tế, thực hành, thực tập… Kiến thức chuyên môn bao gồm: những lý thuyết nào đã học ở các môn chuyên ngành cần phải được gắn với thực tế chuyên môn nghiệp vụ, cần phải được sử dụng trong công tác chuyên môn phù hợp với các công việc ở cơ sở thực tập. Quá trình thực tế là quá trình hoàn thiện các kiến thức và hiểu sâu sắc hơn các kiến thức lý thuyết. Các kỹ năng bao gồm: việc ứng dụng linh hoạt trong quá trình tiếp cận với công việc thực tiễn được giao, tránh việc áp dụng máy móc khô cứng, mang tính sách vở và không phù hợp với thực tiễn cơ sở.
Thứ tư, sau khi thực tập, kiến tập, thực hành thực tế thì việc giữ mối quan hệ với cơ sở là cần thiết, bởi vì thông qua đó tạo dựng mối quan hệ tốt giữa nhà trường với cơ sở thực tập, thực tế và cũng khẳng định tính bền vững của quá trình đào tạo. Việc liên hệ với cơ quan, tổ chức đã đến thực tế thực tập, kiến tập… thể hiện khả năng giao tiếp của cá nhân sinh viên. Đây cũng có thể là đầu mối cho việc làm của chính cá nhân sinh viên trong tương lai nếu có sự phù hợp về năng lực và khi cơ sở có nhu cầu tuyển dụng.
2. Thực tế, thực tập ở nước ngoài
Năm 2020, do dịch Covid-19 kéo dài nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thực tế, thực hành, thực tập nước ngoài của Khoa Quan hệ quốc tế. Mục tiêu tăng cường tính trải nghiệm quốc tế cho sinh viên năm thứ ba gặp khó khăn. Trước thực tế đó, nhiều môn học đã tập trung hướng sinh viên để tiếp cận với các cơ quan, tổ chức quốc tế và người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Các sản phẩm thực hành, thực tập vẫn tiếp cận nhiều cơ quan, tổ chức phi chính phủ, các Trung tâm Văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, các nhà ngoại giao, người Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia… đang ở Việt Nam. Vì thế, nhiều môn học ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế không bị chệch hướng.
Mục tiêu tăng cường tính trải nghiệm quốc tế cho sinh viên đã được đặt ra từ năm học 2012, Khoa Quan hệ quốc tế khi đó bắt đầu tổ chức cho sinh viên K29 năm thứ 3 đi thực tế ở nước ngoài. Liên tục cho đến năm 2019, đây luôn là một trong những hoạt động giúp cho sinh viên Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế tiếp cận với thực tiễn công việc mang tính quốc tế một cách nhanh nhất.
Ban đầu, mục tiêu kiến tập nước ngoài là đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Myanmar... Từ năm 2018, sinh viên đã đến Hàn Quốc kiến tập. Chọn các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN một phần vì các quốc gia này có nhiều đặc điểm giống Việt Nam, lại gần gũi, phù hợp với các điều kiện kinh tế của chuyến đi ngắn ngày dành cho sinh viên và cũng phù hợp với điều kiện tài chính của sinh viên.
Chương trình thực tế thường diễn ra trong khoảng một tuần. Trong đó có thời gian dành cho việc di chuyển, thời gian làm việc với các cơ quan văn hóa, báo chí truyền thông và trường đại học tại nước bạn. Ngoài ra còn dành thời gian để tham quan và tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử khác để có những trải nghiệm về môi trường quốc tế.
Đây là mục tiêu cho học tập nên các chuyến thực tế luôn chú trọng đến các nội dung cơ bản gắn với chương trình đào tạo và các môn học chuyên ngành như: tìm hiểu văn hóa đối ngoại, tổ chức các hoạt động thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế, hoạt động của các cơ quan báo chí quốc tế, tìm hiểu lịch sử ngoại giao, truyền thống văn hóa, đối ngoại nhân dân của các quốc gia, chú trọng tìm hiểu và cảm nhận các tập quán văn hóa đặc thù và phong phú của mỗi quốc gia...
Mỗi chuyến đi đều để lại những bài học quý giá và bổ ích cho cả giảng viên và sinh viên.
3. Những bài học kinh nghiệm từ các chuyến đi thực tế
Trước hết đó là việc tiếp cận, thu thập thông tin và quan sát hoạt động của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Thái Lan và Hàn Quốc, giảng viên và sinh viên đã được nghe các báo cáo về hoạt động ngoại giao thực tế, các cán bộ Đại sứ quán chia sẻ nhiều kinh nghiệm để từ đó giúp sinh viên có cái nhìn thực tiễn về các môn học trong nhà trường.
Sinh viên đi kiến tập nước ngoài đã tiếp cận hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài như Đài Tiếng nói Nhân dân Lào, Đài Truyền hình Quốc gia Lào, nghe các nhà báo từng học ở Việt Nam kể về quá trình học tập và rèn luyện đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp thật thú vị. Các tờ báo ở Lào có cách thức hoạt động khá độc lập, tờ báo của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhưng trực thuộc Bộ Văn hóa. Đài Truyền hình Quốc gia vừa được xây mới. Đến đâu cũng gặp những tình cảm thân thương quý mến như gặp lại người nhà.
Ở Đài Truyền hình Quốc gia Thái Lan, đoàn sinh viên đến trường quay khi đang có một chương trình truyền hình trực tiếp, người dẫn chương trình đã dừng lại giới thiệu với công chúng đang xem đài khi ống kính thì chiếu thẳng vào đoàn: trong trường quay của chúng tôi hiện đang có đoàn giảng viên và sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ Việt Nam đến, xin chào các bạn. Đặc biệt nhất là khi đoàn sinh viên đến Văn phòng Quốc hội Thái Lan, giảng viên và sinh viên đã được Văn phòng bố trí mời vào dự một phiên họp quốc hội đang diễn ra. Người hướng dẫn nói, khi cánh cửa phòng họp mở ra, mời các bạn đi vào và nhìn thẳng cúi chào ông Chủ tịch Quốc hội đang điều hành phiên thảo luận…
Chuyến đi kiến tập Hàn Quốc cũng thu hoạch được nhiều bài học quý giá khi đến thăm Đài Truyền hình MBC, Đài Truyền hình SBS. Có nhiều điều trước đây chỉ được thấy trên phim ảnh của Hàn Quốc thì nay được tận mắt chứng kiến và trao đổi với các đạo diễn, các MC, các hướng dẫn viên. Những trải nghiệm trong trường quay của Đài MBC thật thú vị và đáng nhớ. Với sự giúp đỡ của tổ chức KOIKA, sinh viên được tìm hiểu về các hoạt động ngoại giao nhà nước của Hàn Quốc. Từ đây, nhiều bài giảng của giảng viên và bài học thu được của sinh viên được đăng tải trên báo chí, truyền thông và lưu giữ như những tài liệu học tập của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
4. Kết luận
Đi thực tế nước ngoài, bên cạnh việc thực hành các kiến thức đã học, sinh viên phải ứng phó với những tình huống mà chỉ có khi ra nước ngoài mớí gặp. Đó là vấn đề môi trường sống, môi trường giao tiếp, thực hành sử dụng tiếng Anh…, là sự không quen với những món ăn "khó nuốt", là ngôn ngữ bất đồng, là sự khác biệt về văn hóa... Đối mặt với những khó khăn, các sinh viên vẫn nỗ lực tìm hiểu, ghi chép và phỏng vấn để khi về nước, có những bản báo cáo chi tiết, có những bài báo hay, độc đáo viết về muôn mặt ở nước bạn trong chuyến đi.
Đưa sinh viên đi thực tế nước ngoài - với một đoàn lên đến gần trăm người, là việc không dễ và luôn thử thách các giảng viên. Thế nhưng, mục tiêu đạt được bằng những kết quả mà các em sinh viên thu hoạch được và thể hiện sau chuyến đi đã là phần thưởng lớn cho các giảng viên. Những thầy cô giáo Khoa Quan hệ quốc tế đã luôn nỗ lực để mỗi chuyến đi dù rất ngắn nhưng đều gặt hái những thành công, phục vụ tốt cho chương trình đào tạo.
Từ việc thảo luận xây dựng chương trình thực tế đến việc phối hợp với Đại sứ quán Lào, Thái Lan, Hàn Quốc tại Hà Nội để có buổi nói chuyện tìm hiểu văn hóa Lào, văn hóa Thái Lan, Hàn Quốc… trước chuyến đi; hoặc việc lo hậu cần cho đoàn, chọn thời điểm kiếm vé máy bay giá rẻ, được ưu đãi, rồi liên hệ với đối tác, với Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, với Viện Văn hóa, Thông tin và Du lịch Lào hay các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở nước bạn... đều được tính toán kỹ lưỡng. Hiệu quả của mỗi chuyến đi là niềm vui của thầy cô và sinh viên góp phần xây dựng một Khoa Quan hệ quốc tế năng động, sáng tạo, bắt nhịp với sự đổi mới quá trình đào tạo chung của Học viện Báo chí và Tuyên truyền./.
______________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Ngọc Oanh (2020), Lao động nhà báo đối ngoại, Nxb. Lao động, Hà Nội.
2. Nguyễn Ngọc Oanh (2020), Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đối ngoại và truyền thông quốc tế, Nxb. Lao động, Hà Nội.
3. Phạm Minh Sơn (2009), Đào tạo cử nhân chuyên ngành thông tin đối ngoại - kết quả và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, số 3.2009, tr. 45-47.
4. Phạm Minh Sơn (2008), Những yêu cầu cơ bản đối với cán bộ truyền thông đại chúng trong công tác thông tin đối ngoại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 10.2008.
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận