(LLCT&TTĐT) Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đây là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Những thành tựu to lớn đạt được trên các mặt của đất nước ta hiện nay đã khẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn là đúng đắn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và sự kiên định của dân tộc ta vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa và tiếp biến tinh hoa văn hoá của dân tộc, nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin, được Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hệ thống những quan điểm, lý luận của Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trải qua chiến tranh tàn phá nặng nề, đã góp phần bổ sung và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội không chỉ xuất phát từ hình thái kinh tế - xã hội, từ lực lượng sản xuất hay từ nội dung kinh tế, mà Người đã làm phong phú chủ nghĩa xã hội bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trước hết, học thuyết mácxít về hình thái kinh tế - xã hội được Hồ Chí Minh diễn giải một cách giản lược, dễ hiểu trong bài Đạo đức cách mạng (1958). Theo Người, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là quy luật vận động khách quan của lịch sử trên phạm vi toàn thế giới. “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”(1).
Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tính triệt để của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(2). Theo Người, trong điều kiện Việt Nam, sự chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử. Tính tất yếu đó đã được khẳng định ngay trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3). Như vậy, kể từ khi đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã thấy ở đó con đường của cách mạng Việt Nam - gắn chặt độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng cần đạt tới mà còn là một con đường, một phong trào hiện thực của quần chúng nhân dân để xoá bỏ mọi ách áp bức, bóc lột.
Thứ hai, Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã tìm thấy trong học thuyết khoa học và cách mạng của Mác con đường chân chính để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Trong bài trả lời phỏng vấn của Sáclơphuốcniô, phóng viên báo L’Humanité, Người khẳng định: “… chỉ có chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”(4). Hồ Chí Minh đã thấy được giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường mà Người đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau. Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới. Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”(5).
Xuất phát từ hoàn cảnh một nước thuộc địa, năm 1911, Người đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trải qua nhiều năm khảo sát, tìm tòi, biết đến Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã đến với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội mới có thể giải phóng các dân tộc một cách triệt để. “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(6).
Thứ ba, Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức, hướng tới chủ nghĩa nhân văn cao cả. Theo Người, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội vừa ở mức sống vật chất, vừa ở giá trị đạo đức của xã hội, ở phẩm chất đạo đức của những người cộng sản ưu tú. Việc giảm sút niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội, không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời mà chủ yếu là ở sự sa sút, thoái hoá của những người được mệnh danh là “những chiến sĩ tiên phong” trước thuận lợi hay khó khăn của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, phong trào cộng sản quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh loài người chẳng những là do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành sức mạnh vô địch. Đạo đức chính là nhân tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. “Có gì sung sướng và vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”(7). Đối với Hồ Chí Minh, đạo đức cao cả nhất là đạo đức cách mạng, đạo đức giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Chủ nghĩa xã hội vì vậy cũng là giai đoạn phát triển mới của đạo đức.
Chủ nghĩa xã hội là mọi công dân phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa, tức là mọi người phải biết đoàn kết, tích cực tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức góp phần cho dân giàu, nước mạnh, phát triển thuần phong mỹ tục. Xây dựng đạo đức xã hội chủ nghĩa còn phải chấm dứt những tệ nạn xấu do xã hội cũ để lại. Chủ nghĩa xã hội là đối lập với chủ nghĩa cá nhân, theo Người: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(8). Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm, vì vậy, “muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”(9).
Khẳng định việc từ bỏ chủ nghĩa cá nhân nhưng Hồ Chí Minh không hề phủ nhận cá nhân mà ngược lại, Người luôn chăm lo đến nhu cầu và lợi ích cá nhân, đề cao năng lực và phẩm chất tốt đẹp của cá nhân. Theo Người, “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(10). Suốt đời mình, Người đã đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người, đem lại lợi ích cho con người.
Chủ nghĩa xã hội là một xã hội mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, một xã hội mà ở đó mọi người được tự do phát huy mọi năng lực của mình. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cao cả, trong sáng của con người là ở chỗ toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đó là đạo đức xã hội chủ nghĩa, là con người xã hội chủ nghĩa, là bước phát triển cao của đạo đức.
Thứ tư, Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ truyền thống lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam. Việt Nam là một nước nông nghiệp, lấy đất và nước làm nền tảng nên đòi hỏi rất nhiều nhân lực. Địa hình Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, lại nằm trong vùng nhiệt gió mùa, người dân Việt Nam phải thường xuyên vật lộn, chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Chế độ công điền và công cuộc trị thủy sớm gắn kết con người Việt Nam lại với nhau. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đứng lên để chống giặc ngoại xâm, đó là những nhân tố quan trọng hình thành nên tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam – một nhân tố thuận lợi để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nói tới đặc trưng của văn hoá Việt Nam, còn phải kể đến một nền văn hoá lấy nhân nghĩa làm gốc. Đó là một nền văn hoá trọng đạo lý làm người, đề cao trách nhiệm, bổn phận của cá nhân đối với gia đình, xóm làng, Tổ quốc, truyền thống trọng dân, khoan dung, hoà mục để hoà đồng. Văn hoá Việt Nam là văn hoá trọng trí thức, hiền tài, lấy dân làm gốc.
Con người Việt Nam có tâm hồn trong sáng, giàu lòng vị tha, yêu thương đồng loại, kết hợp được cái chung với cái riêng, gia đình với Tổ quốc, dân tộc và nhân loại… Chính những truyền thống tốt đẹp của văn hoá và con người Việt Nam đã tạo nên bản sắc văn hoá tốt đẹp của người Việt, là một trong những cơ sở dẫn dắt Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội. Như Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(11).
Bản chất của chủ nghĩa xã hội tự nó đã thể hiện những văn hoá tốt đẹp; chủ nghĩa xã hội là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt văn hoá và giải phóng con người. Nói đến văn hoá là nói đến con người, theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết là xây dựng con người có văn hoá, có trình độ, năng lực… Và Người đã từng nhắc nhở: Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa, nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Đối với Hồ Chí Minh: muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa.
Tổng hợp những quan điểm của Hồ Chí Minh, ta thấy, một mặt Người nắm vững những tư tưởng cơ bản của Mác - Lênin trong sự phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và những đặc trưng tương ứng của nó và từ đó Người nhận thấy cách mạng Việt Nam phải biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sao cho phù hợp với thực tiễn, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã đi tới khẳng định tính tất yếu của sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ năm, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, sự áp bức của thực dân, đế quốc, phong kiến với quần chúng nhân dân lao động vô cùng tàn bạo, những phong trào đấu tranh theo các xu hướng như: phong kiến, dân chủ tư sản, tư sản… đều thất bại, đây chính là mảnh đất để chủ nghĩa xã hội có thể gieo mầm và phát triển.
Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã khảo sát và nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789) và cách mạng Nga (1917), từ đó, Người đã rút ra nhận xét: cách mạng tư sản Pháp, Mỹ là những cuộc cách mạng không đến nơi, chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng hạnh phúc, tự do thật sự. Từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh đi đến kết luận, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, tức là con đường cách mạng vô sản: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh cũng chính là sự lựa chọn của lịch sử mà Hồ Chí Minh là người nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của dân tộc, tức Người đã đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu lịch sử đặt ra. Kể từ đây, Người thực hiện một quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) để lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đưa phong trào cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo cách mạng thế giới, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp để đi tới giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trước những biến động và phát triển của thời đại hiện nay, đặc biệt là sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần phải kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, con đường thật sự đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), Đảng xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(12). Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Cương lĩnh đã thể hiện nhận thức mới của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều đó chứng tỏ lập trường cách mạng kiên định của Đảng về con đường xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ chúng ta kiên định con đường đã lựa chọn, vì đây là con đường phát triển phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của lịch sử xã hội, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của mọi người dân Việt Nam. Đây là con đường bảo đảm nền độc lập dân tộc thực sự, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân ta. Thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng minh con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam là tất yếu.
Như vậy, nhận thức đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam là một hệ thống quan điểm dựa trên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời là sự thống nhất biện chứng giữa các nhân tố chính trị, văn hoá, xã hội, đạo đức, phản ánh truyền thống dân tộc Việt Nam và những giá trị nhân văn của loài người. Chủ nghĩa xã hội do Người lựa chọn đã đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng cần lao và cũng như đòi hỏi khách quan trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng này là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - Đó là quan điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh./.
______________________________________________
(1),(8),(9),(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T11, Nxb CTQGST, H.,2011, tr.600, 612, 609, 610.
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, T8, tr.293.
(3),(12) Hồ Chí Minh, Sđd, T.12, tr.563, 563.
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, T.3, tr.1.
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, T.15, tr.588.
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, T.1, tr.496.
(7) Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr.175.
(10) Hồ Chí Minh, Sđd, T.14, tr.468.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. CTQG Sự thật, H.,2011, tr.70.
Bình luận