Thực trạng và kinh nghiệm giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay
Sinh viên đại học là nguồn tạo dựng đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa, là chủ nhân tương lai của nước nhà. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục họ trở thành những trí thức xã hội chủ nghĩa, những công dân tiêu biểu cho thế hệ con người Việt Nam thời đại mới. Theo tinh thần Nghị quyết 35/ NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII), sinh viên là một lực lượng quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, trong các nội dung giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên cần thiết phải tăng cường giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói cách khác, cần phải tăng cường giáo dục LLCT để hình thành cho sinh viên thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận khoa học, tư duy lý luận và tư duy chính trị - thực tiễn, tạo sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.
1. Thực trạng giáo dục LLCT cho sinh viên trong các trường đại học
1.1. Thành tựu đạt được
Một là, giáo dục LLCT được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học.
Từ sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 94-NQ/TW, ngày 28/3/2014 về tiếp tục đổi mới việc học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân công tác giáo dục LLCT cho sinh viên đại học có những chuyển biến quan trọng. Ở các trường đại học, nhất là trong các trường đại học công lập, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, giáo trình, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giảng dạy. Chú trọng công tác tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý giảng dạy các môn LLCT. Quan tâm xây dựng, nâng cao trình độ học vấn, phát triển năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu lý luận, nghiên cứu tổng kết thực tiễn và rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lập trường, quan điểm cách mạng, lòng yêu nghề, khát vọng cống hiến cho đội ngũ giảng viên LLCT. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa phương tiện dạy học, phát triển hệ thống thư viện, tài liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy LLCT.
Hai là, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy LLCT không ngừng được nâng cao.
Ở nước ta hiện nay, có gần 500 trường đại học, cao đẳng. Tính đến năm 2020, trong các trường đại học, cao đẳng có khoảng 3.395 giảng viên LLCT. Tính trung bình một trường đại học, cao đẳng có 7 giảng viên LLCT.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy LLCT trong các trường đại học đã đồng hành cùng ngành giáo dục Việt Nam trong công cuộc phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng con người Việt Nam. Đại đa số giảng viên LLCT có phẩm chất chính trị cao, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, nhiệt huyết với nghề, trình độ chuyên môn về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục LLCT hiện nay. Trong các trường đại học Việt Nam, tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học (từ thạc sĩ trở lên) chiếm khoảng 75-80%. Một vài trường đại học, học viện có đào tạo chuyên ngành LLCT, số giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đạt tới 40-50%. Do có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn chuyên sâu, một số giảng viên nhanh chóng thích ứng với quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo, đổi mới và tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến.
Nhiều giảng viên LLCT tích cực tìm tòi, sáng tạo, tự bồi dưỡng nâng cao hiểu biết về lý luận và thực tiễn, nâng cao trình độ về vận dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, hình thức tổ chức dạy học mới. Hầu hết giảng viên tận dụng thời gian không lên lớp để nghiên cứu khoa học, soạn bài. Nhờ những nỗ lực đó của giảng viên mà những giờ giảng LLCT trở nên hấp dẫn hơn, kích thích sinh viên hứng thú học tập, nghiên cứu, vận dụng kiến thức LLCT trong việc nhìn nhận, lý giải, phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống chính trị đất nước và quốc tế, cũng như vận dụng kiến thức LLCT trong học tập, nghiên cứu các môn học chuyên ngành.
Ba là, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức và phương tiện giáo dục LLCT thường xuyên đổi mới.
- Về chương trình, nội dung giáo dục LLCT
Trong thời kỳ đổi mới, chương trình giáo dục LLCT dành cho sinh viên các trường đại học Việt Nam thay đổi liên tục, nhiều lần. Từ năm 1981 trở về trước chương trình có 4 môn học: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1982-1987, chương trình gồm 4 môn trên, nhưng thay môn Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1988-2001 vẫn 4 môn trên nhưng thay môn Chủ nghĩa xã hội khoa học bằng môn Chủ nghĩa Cộng sản khoa học (1988-1992), sau lại đổi thành môn Chủ nghĩa xã hội khoa học (1993-2001). Từ năm 2002-2008 chương trình có thêm môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Song đến năm 2009 lại tích hợp 5 môn thành 3 môn là: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở giai đoạn đầu việc tích hợp 3 môn: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý và giảng viên LLCT đánh giá là cần thiết. Nhất là việc tích hợp dẫn đến giảm tải khối lượng tiết học trong chương trình LLCT nói riêng và chương trình đào tạo đại học nói chung. Tuy nhiên, qua vài năm thực hiện, chương trình mới này đã bộc lộ nhiều điều bất hợp lý. Kết cấu chương trình thiếu logic, thiếu tính liên kết, thống nhất giữa các nội dung cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin. Phần Kinh tế chính trị trong học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thiếu tính hệ thống, sự gắn kết giữa các vấn đề của kinh tế chính trị thời kỳ trước và kinh tế chính trị thời kỳ hiện đại, thiếu vắng những vấn đề của đời sống kinh tế đất nước hiện nay. Một số nội dung liên quan đến môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam còn gượng ép về mặt khoa học, thiếu tính thuyết phục. Nhiều nội dung, quan điểm trong giáo trình các môn học không theo kịp diễn biến của thực tiễn, chưa có những điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, sự lạc hậu của lý luận trước thực tiễn ngày càng biến đổi. Chính vì lý do đó, mà từ năm học 2019-2020, chương trình các môn LLCT lại được đổi mới tiếp. Trước hết, chương trình mới không tích hợp các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà bao gồm 3 môn: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học; giữ nguyên môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, các môn LLCT cũng có hai chương trình: Chương trình các môn LLCT dành cho các ngành không chuyên LLCT và chương trình các môn LLCT dành cho các ngành chuyên về LLCT.
Việc liên tục đổi mới chương trình các môn LLCT thể hiện tư duy đổi mới, thái độ cầu thị, thể hiện quá trình tìm tòi, thể nghiệm để có một chương trình chuẩn mực đạt tới mục tiêu cần thiết của nó, phù hợp với thực tiễn đào tạo bậc đại học, phù hợp với người học và người dạy. Nhưng quá trình đổi mới liên tục, trong đó có những khúc quanh, thậm chí tụt lùi cũng thể hiện sự bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong tư duy lý luận, trong năng lực tham mưu xây dựng chương trình, giáo trình của các cơ quan chuyên môn và đội ngũ chuyên gia.
- Về phương pháp, hình thức, phương tiện giảng dạy
Trong những năm gần đây, nhất là sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tại các trường đại học đã có bước chuyển mạnh mẽ và hiệu quả trong đổi mới phương pháp giáo dục LLCT. Ở nhiều trường đại học, nhất là các trường đào tạo chuyên ngành về LLCT, giảng viên đã từng bước chuyển từ phương pháp truyền đạt tri thức thụ động “thầy giảng, trò ghi” sang phương pháp giảng dạy tích cực “thầy hướng dẫn học, trò chủ động tư duy”. Trong nhiều tiết giảng, bài giảng, giảng viên đã tăng cường các phương pháp đối thoại, trao đổi, phát huy tính độc lập của sinh viên. Nhờ hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên, các giờ tự học, thảo luận đã phát huy được tính tích cực, chủ động, hào hứng của sinh viên. Về hình thức giáo dục LLCT cũng có nhiều tìm tòi, cải tiến, sáng tạo. Các hình thức giáo dục chính khóa, ngoại khóa, tự giáo dục được vận dụng, phối hợp, kết hợp phù hợp với từng đối tượng sinh viên và nội dung môn học.
Phương pháp đánh giá kết quả giảng dạy, học tập cũng được đổi mới từ phương pháp thi tự luận là chính sang phương pháp thi vấn đáp, phương pháp thi trắc nghiệm, viết tiểu luận… hoặc kết hợp thi trắc nghiệm với thi tự luận, tăng cường thi vấn đáp trực tiếp, khuyến khích viết tiểu luận, đổi mới cách đánh giá chất lượng tiểu luận, khóa luận…
Phương tiện giáo dục LLCT cũng được nhiều trường đại học quan tâm trang bị, cải tiến theo hướng ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Các phòng học đều được kết nối mạng Internet, được trang bị máy chiếu đa năng, thiết bị tăng âm và nhiều thiết bị dạy học hiện đại khác cho phép giảng viên LLCT triển khai, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho sinh viên.
1.2. Hạn chế, khuyết điểm
Một là, một số trường đại học chưa quan tâm thường xuyên việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục LLCT.
Một số ít trường đại học ngoài công lập, hoặc những ngành, chuyên ngành có liên kết đào tạo với nước ngoài thường cắt xén, bỏ giảng dạy toàn bộ hoặc một vài môn LLCT. Chính nhận thức thiếu đầy đủ này của lãnh đạo nhà trường đã dẫn đến một bộ phận sinh viên, dù đã tốt nghiệp đại học, nhưng nhận thức chính trị kém, phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ về chính trị, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, tiếp thu lối sống lai căng, mất gốc, phủ nhận các giá trị dân tộc, giá trị truyền thống; xuất hiện biểu hiện nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị; cá biệt có những sinh viên sớm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; bị các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất lôi kéo, mua chuộc sa vào con đường lầm lạc, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, chống đối chế độ, chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Hai là, đội ngũ giảng viên LLCT còn một số bất cập về kiến thức thực tế và phương pháp giảng dạy LLCT.
Đội ngũ giảng viên LLCT nước ta có một bộ phận được tuyển dụng từ chính những sinh viên đã tốt nghiệp một chuyên ngành đào tạo tại trường đại học, được tuyển dụng về công tác tại bộ môn/khoa LLCT và được đào tạo, bồi dưỡng tiếp để trở thành giảng viên LLCT. Do vậy, ở một bộ phận năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, bản lĩnh chính trị, tư tưởng chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của người giảng viên LLCT.
LLCT có đặc điểm là tính trừu tượng, khái quát cao nhưng gắn bó mật thiết với thực tiễn xã hội. Đặc điểm này dễ bị và đã bị nhiều người hiểu nhầm và cho rằng đó là một hạn chế của khoa học LLCT. Chúng ta biết rằng, LLCT được khái quát từ thực tiễn chính trị. Cũng tương tự như một số lý luận khác, nó có tính trừu tượng. Đặc điểm này đòi hỏi, trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải cụ thể hóa ở nhiều cấp độ các luận điểm lý luận, phải gắn chúng với thực tiễn xã hội và liên hệ vận dụng chúng trong cải tạo thực tiễn. Chính giảng viên hoặc chưa hiểu hết đặc điểm này, hoặc do trải nghiệm, kinh nghiệm, hiểu biết thực tiễn ít mà quá trình giảng dạy đã vấp phải căn bệnh giáo điều, kinh viện, không hoặc ít liên hệ lý luận với thực tiễn, không vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cuộc sống khiến người học có cảm giác LLCT mang tính giáo điều, kinh viện, từ đó xuất hiện quan điểm coi nhẹ, thậm chí định kiến, phủ nhận tính khoa học và cách mạng của các môn học LLCT. Chính vì vậy, để giảng dạy LLCT tốt, giảng viên LLCT cần được trải nghiệm nhiều hơn trong thực tiễn chính trị - xã hội của đất nước, của các địa phương. Điều đó cũng có nghĩa là nghiên cứu thực tiễn chính trị - xã hội của đất nước và địa phương cần phải trở thành một nội dung quan trọng trong kế hoạch công tác hàng năm của giảng viên LLCT.
Trên thực tế, còn không ít giảng viên, nhất là giảng viên trẻ hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, hoặc không đầu tư thời gian, công sức thỏa đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đi thực tế nên nội dung bài giảng không gắn bó với thực tiễn; năng lực sư phạm, hiểu biết và khả năng vận dụng phương pháp dạy học tiên tiến, phương tiện dạy học hiện đại còn nhiều hạn chế, bất cập. Một bộ phận nhỏ bị tác động của mặt trái thực tiễn xã hội, còn có biểu hiện tiêu cực, hạn chế về phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, thiếu say mê nghề nghiệp, thiếu chí tiến thủ. Điều đó ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh, uy tín nhà giáo và tác dụng nêu gương trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên.
Ba là, chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp giáo dục LLCT tuy đã thường xuyên cải tiến, đổi mới nhưng vẫn còn bất cập.
Tính từ năm 1987, tức là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước đến nay, nội dung, chương trình các môn LLCT trải qua rất nhiều lần cải tiến, đổi mới nhưng hiệu quả không cao, không thiết thực, không toàn diện và triệt để, thậm chí vòng vo, luẩn quẩn, nhất là lần đổi mới vào năm 2009 - tích hợp 3 môn học thuộc chủ nghĩa Mác - Lênin thành một môn là Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau gần 10 năm thực hiện, chúng ta lại nhận ra những khiếm khuyết của nó nên lại đổi mới theo cách trở về với kết cấu 3 môn độc lập như trước đây, nhưng có cải tiến thành hai loại chương trình cho sinh viên không chuyên ngành và sinh viên chuyên ngành LLCT. Chính do đổi mới thường xuyên, nhưng thiếu tính hệ thống, thiếu tầm nhìn và tư duy khoa học, nên giáo trình các môn LLCT vẫn còn bất cập. Một chương trình và giáo trình như vậy, giảng viên dù có năng lực cao vẫn rất khó khăn trong việc truyền đạt tri thức cơ bản, hệ thống đến sinh viên. Ngoài ra, hoạt động tổ chức thực hiện chương trình cũng chưa thật sự khoa học. Do thiếu giảng viên, một số lớn cơ sở đào tạo không tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều kiện tiên quyết trong tổ chức giảng dạy, trong việc sắp xếp trật tự, trình tự giảng dạy các môn LLCT, do đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giảng dạy của giảng viên, đến hiệu quả tiếp thu kiến thức của sinh viên theo đúng logic của quy luật nhận thức.
Hình thành “sự miễn dịch” của sinh viên đối với các quan điểm sai trái, thù địch, phát triển kỹ năng và tính tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là mục tiêu, là chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục LLCT cho sinh viên. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa được hoặc rất ít được thể hiện, phản ánh, kết cấu trong nội dung, chương trình, giáo trình, cũng như lồng ghép vào các bước, các giai đoạn của quá trình giảng dạy: từ soạn bài đến giảng bài; từ lên lớp lý thuyết đến thảo luận nhóm, nghiên cứu thực tế, thực tập; từ kiểm tra, thi học phần đến viết tiểu luận, khóa luận…
Về phương pháp giảng dạy, một số giảng viên ít đầu tư cho việc học tập nâng cao trình độ và vận dụng phương pháp dạy học hiện đại nên vẫn thiên về sử dụng phương pháp thuyết trình, ít dành thời gian cho trao đổi, thảo luận, tranh luận, tranh biện hoặc các phương pháp phù hợp với nội dung LLCT. Một số giảng viên, tuy có kết hợp thuyết trình với trình chiếu, sử dụng giáo án điện tử, nhưng do chưa thành thạo, cho nên đã biến tiết giảng theo kiểu “thầy đọc, trò ghi” trước đây, thành tiết giảng “thầy chiếu, trò nhìn và chép bài”.
Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, một số giảng viên LLCT còn chưa tận dụng, vận dụng hết ưu việt của phương pháp truyền thống thì khó có thể phát huy và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tư duy độc lập của sinh viên. Đó là chưa kể nhiều môn học, bài giảng, tiết giảng còn nặng về lý thuyết, không gắn với thực tiễn xã hội; không khai thác triệt để chức năng hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, phát triển nhân cách người học của LLCT; không gắn với chuyên ngành học tập và công việc tương lai của sinh viên nên không gây được hứng thú học tập LLCT cho họ. Một bộ phận giảng viên LLCT, nhất là giảng viên cao tuổi, trình độ ngoại ngữ và tin học chưa đạt mức cần thiết, chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin nên rất hạn chế trong sưu tầm, tích lũy, nghiên cứu, xử lý tài liệu làm phong phú cho bài giảng và sử dụng các phương tiện dạy học sẵn có của nhà trường phục vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Phương pháp đánh giá kết quả học tập dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn thiên lệch về phương pháp tự luận. Các loại câu hỏi đánh giá ở trình độ vận dụng và phát triển tư duy sáng tạo còn ít và chưa đạt tới yêu cầu mong đợi. Ngân hàng đề thi có mặt tích cực của nó, nhưng dễ tạo ra cách học tủ, học vẹt, học đối phó. Phương pháp thi vấn đáp, viết tiểu luận đang được sử dụng nhiều hơn, nhưng việc viết tiểu luận đang làm xuất hiện tình trạng tiêu cực trong vấn đề này. Sinh viên khóa sau thường sao chép của sinh viên khóa trước, nhờ viết hộ, thậm chí mua lại từ các cửa hàng photocoppy.
2. Một số kinh nghiệm của công tác giáo dục LLCT cho sinh viên các trường đại học
Từ thực tiễn quá trình đổi mới công tác giáo dục LLCT cho sinh viên trong các trường đại học nước ta thời gian qua, có thể đúc kết một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò tham mưu, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT cho sinh viên.
Trên thực thế, việc xây dựng, tổ chức thực hiện hoặc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình các môn LLCT không quá khó khăn, phức tạp vì toàn bộ chương trình chỉ có tối đa 5 môn học và nhiều nhất là 14 tín chỉ. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra trên phạm vi rộng lớn, tại hàng trăm trường đại học với hàng ngàn chương trình đào tạo và có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, trình độ, năng lực tư duy lý luận, tư duy chính trị và các phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức của hàng triệu sinh viên. Chính vì vậy, công tác này đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên và sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng các môn khoa học này trong chương trình đào tạo bậc đại học của lãnh đạo ngành giáo dục và các trường đại học, cũng như các cơ quan chỉ đạo, chủ trì tham mưu cho công tác này. Nó cũng đòi hỏi công tác lãnh đạo, quản lý phải thật sự mang tính khoa học, chuẩn mực; đòi hỏi các cơ quan tham mưu, giúp việc không được hữu khuynh trong nghiên cứu, đề xuất ban hành chương trình, không buông lỏng trong chỉ đạo, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện, thiếu kịp thời trong đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, chúng ta đã rất vội vã, chủ quan, hữu khuynh, chạy theo sức ép của việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, giảm tải chương trình đào tạo đại học mà không chú ý đến chức năng giáo dục tư tưởng và tính khoa học, tính đặc thù của chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm chí có xu hướng coi nhẹ các môn LLCT trong chương trình giáo dục đại học vào lần đổi mới năm 2009.
Hai là, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp giáo dục LLCT là công việc thường xuyên, nhưng là một hoạt động mang tính khoa học, là một hình thức nghiên cứu LLCT nên cần được tiến hành thận trọng, nghiên cứu công phu, có lộ trình và bước đi phù hợp.
Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình các môn LLCT thực chất là quá trình tìm kiếm câu trả lời khoa học cho các câu hỏi: Dạy gì? Cho ai? Nhằm mục đích gì và bằng phương pháp nào? Câu trả lời cho những câu hỏi lớn trên đây không thể có ngay lập tức bằng kinh nghiệm cảm tính, bằng suy luận chủ quan của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mà phải bằng tư duy khoa học, bằng lý luận, lý thuyết khoa học, bằng nghiên cứu tổng kết thực tiễn công phu, nghiêm túc. Mọi sự vội vã, đốt cháy giai đoạn, thiếu kiểm chứng tính khoa học của quá trình này bằng hoạt động đánh giá, thử nghiệm hoặc triển khai thí điểm trước khi áp dụng đại trà đều dẫn đến chất lượng, hiệu quả thấp, thậm chí phải bắt đầu lại từ đầu. Thực tế 6 lần đổi mới diễn ra từ năm 1982 đến nay, nhưng thiếu nghiên cứu tổng thể, toàn diện, thấu đáo, chi tiết, tách rời thực tiễn giáo dục đại học là luận cứ xác đáng để tổng kết bài học kinh nghiệm quí báu này cho công tác giáo dục LLCT trong sinh viên các trường đại học Việt Nam.
Ba là, để đổi mới có hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục LLCT cho sinh viên trong các trường đại học cần sử dụng đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu sắc về LLCT và nắm vững mục tiêu, nguyên lý, phương pháp giáo dục ở bậc đại học.
Thực tiễn cho thấy, nếu đội ngũ chuyên gia tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình chỉ có kiến thức chuyên sâu về LLCT mà chưa đủ những hiểu biết cần thiết về lý luận và thực tiễn giáo dục đại học hiện đại thì chương trình, giáo trình do họ tham gia thiết kế khó đạt tới yêu cầu như mong đợi.
Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên LLCT, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cho giảng viên.
Suy đến cùng đội ngũ giảng viên LLCT là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng, hiệu quả quá trình đổi mới giáo dục LLCT cho sinh viên. Họ là chủ nhân của tư duy đổi mới và quá trình cũng như kết quả đổi mới, là lực lượng quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương, quan điểm đổi mới giáo dục LLCT. Đặc điểm của nội dung LLCT cũng như yêu cầu về nguyên tắc tính đảng, tính tư tưởng trong giảng dạy các môn LLCT đòi hỏi đội ngũ giảng viên môn học này không chỉ nắm vững nội dung môn học, phương pháp truyền đạt, vận dụng kiến thức mà cần có phẩm chất chính trị, tư tưởng cao. Đặc biệt, họ phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chính trị nhạy bén, sắc sảo, niềm tin chính trị kiên định để trao truyền bản lĩnh, kiến tạo lập trường, vun trồng, nuôi dưỡng niềm tin khoa học cho sinh viên.
Năm là, giáo dục LLCT cho sinh viên trong các trường đại học cần được phối hợp chặt chẽ với giáo dục tri thức khoa học, nâng cao trình độ nghề nghiệp và rèn luyện nhân cách người sinh viên xã hội chủ nghĩa.
Tri thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn là tiền đề khoa học và tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, việc tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đòi hỏi cả người dạy và người học cần có nền tảng tri thức vững chắc về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhân văn. Kiến thức về các lĩnh vực khoa học này càng đầy đủ, càng sâu sắc, khả năng tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật càng cao. Chính vì vậy, quá trình giáo dục, giảng dạy các môn LLCT cần thực hiện tốt nhất sự kết hợp này và được thể hiện cụ thể trong nội dung, trong kế hoạch, đặc biệt là trong tiến độ giảng dạy và trong việc vận dụng kiến thức, quan điểm LLCT để giải đáp những vấn đề đặt ra của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp của sinh viên theo chuyên ngành. Ngoài ra, giáo dục LLCT, do chức năng của các khoa học này, cần gắn liền với việc phát triển, hoàn thiện nhân cách, nhất là các phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức trong cấu trúc nhân cách người sinh viên xã hội chủ nghĩa.
Thực trạng và những kinh nghiệm trên đây là những căn cứ thực tiễn trực tiếp quan trọng để xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT cho sinh viên trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
___________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biếu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQG Sự thật.
2. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2021), Kỷ yếu Hội thảo khoa học“Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy LLCT và báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay”.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Đề án đào tạo giảng viên LLCT cho hệ thống trường Đảng, các trường đào tạo cán bộ của bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Nguyễn Tiến Sơn (2016), Chất lượng giáo dục LLCT cho sinh viên các trường đại học thể dục thể thao ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ chính thị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
5. Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thị Thùy Vân, Lê Thị Ngần (2019), Hiện trạng học tập LLCT của sinh viên tại trường Đại học Tây Đô, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế, số 6.2019.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5/2022
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận