Xây dựng liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ đổi mới
1. Thành tựu trong xây dựng liên minh công - nông - trí thức thời kỳ đổi mới
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, liên minh công - nông - trí ngày càng được tăng cường và củng cố, làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên minh công - nông - trí đã thực sự có những chuyển biến cả về nội dung lẫn hình thức, đạt được những thành tựu quan trọng:
Một là, liên minh trên lĩnh vực kinh tế ngày càng được củng cố và hoàn thiện
Trong lãnh đạo xây dựng và củng cố liên minh công - nông - trí thức nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, trong thời kỳ đổi mới, vấn đề trung tâm của liên minh là liên minh về kinh tế. Liên minh về kinh tế được củng cố, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung kinh tế của liên minh là mối quan hệ về mặt kinh tế giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Mối quan hệ này được thực hiện thông qua sự tác động qua lại giữa khu vực kinh tế công nghiệp và nông nghiệp, qua chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Thành tựu của liên minh trên lĩnh vực kinh tế trước hết thể hiện qua những kết quả đạt được của nền kinh tế đất nước nói chung. Thực hiện đổi mới, với chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần đã tạo được sự phát triển năng động cho các ngành kinh tế và mang lại kết quả phát triển tích cực. Kinh tế Việt Nam từ chỗ khủng hoảng nghiêm trọng, đã từng bước ổn định và đi vào tăng trưởng ở mức khá cao(1).
Nhiều ngành công nghiệp hiện đại, mũi nhọn như: dầu khí, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, đóng tàu biển, bưu chính viễn thông, tin học... phát triển nhanh. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, mức sống của công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp dân cư đều tăng, vai trò của khối liên minh công - nông - trí ngày càng được nâng cao.
Với quan điểm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên nhiều hình thức sở hữu, từ đó đã hình thành nên một cơ cấu xã hội mới, đa dạng. Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội”(2). Nhận định của Đảng hoàn toàn phù hợp với sự vận động, biến đổi của công nhân, nông dân, trí thức và của khối liên minh công - nông - trí thức.
Từ khi ra đời đến nay, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn có những chủ trương, chính sách cụ thể về xây dựng, phát triển và phát huy vai trò giai cấp công nhân. Điều này được thể hiện rõ nhất từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới toàn diện. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng chỉ rõ: “Phát triển giai cấp công nhân về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng đã ra Nghị quyết chuyên đề về giai cấp công nhân, xác định rõ hệ thống quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, xác định rõ “Mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân đến năm 2020 là: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”(3).
Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế tri thức, Đảng chú trọng xây dựng giai cấp công nhân có “bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(4).
Đại hội XII của Đảng xác định: "Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”(5).
Đến Đại hội XIII, Đảng đưa ra chủ trương: "Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp bối cảnh, điều kiện mới”(6).
Như vậy, trước những yêu cầu của thực tiễn, Đảng luôn có quan điểm toàn diện trong chỉ đạo chiến lược về xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của giai cấp công nhân. Đây chính là cơ sở để giai cấp công nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Nhờ đó, sau hơn 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ tư liệu sản xuất. Giai cấp công nhân giữ vai trò tiên phong, trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dụng thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hằng năm, công nhân Việt Nam đã sản xuất ra khối lượng sản phẩm chiếm hơn 66% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước(7). Giai cấp công nhân có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế. Trình độ kỹ thuật - tay nghề, trình độ văn hoá của công nhân được nâng lên đáng kể do sự phát triển của giáo dục, đào tạo nghề và yêu cầu ngày càng cao của chuyên môn kỹ thuật của sản xuất công nghiệp hiện đại(8). Công tác phát triển Đảng trong công nhân cũng có nhiều tiến bộ, ngày càng có nhiều công nhân đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Điều kiện khách quan tác động sâu sắc đến sự biến đổi của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân đang chuyển mình trong cơ chế mới, càng gắn bó nhiều hơn với đội ngũ trí thức và những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời, gắn bó hết sức chặt chẽ với giai cấp nông dân, vừa là đồng minh chính trị, vừa là bạn hàng kinh tế. Đội ngũtrí thức trong giai đoạn mới, hơn bao giờ hết, có lợi ích gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân trong việc đưa nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nông thôn Việt Nam có những thay đổi quan trọng, ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được tăng lên. Giai cấp nông dân từng bước trở thành “giai cấp nông dân hiện đại”, gắn liền với khoa học - công nghệ, với cơ chế kinh tế thị trường.
Ngày nay, giai cấp nông nhân đang là chủ thể của nông thôn, hạt nhân xây dựng nông thôn mới. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn xuất phát từ quyền lợi của nông dân và nhằm mục tiêu phát huy vai trò của nông dân trong thời kỳ đổi mới.
Trong bối cảnh mới, để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. Có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(9).Điều đó càng khẳng định vai trò của giai cấp nông dân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức kết thành một khối thống nhất là động lực của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm nguồn lực con người lao động có chất lượng cao, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ chiến lược xây dựng và phát triển đất nước.
Nhận thức sâu sắc yêu cầu khách quan đó, Đảng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: “xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(10), “Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước"(11).
Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(12).
Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới… Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(13).
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ, được áp dụng rộng rãi trong các chu trình sản xuất, đã tạo nên sự phát triển về chất trong mối quan hệ giữa đội ngũtrí thức và giai cấp công nhân, nông dân. Đây là một trong những đặc điểm mới trong liên minh kinh tế của khối liên minh công - nông - trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại. Chủ trương gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn, với nhu cầu xã hội; thiết lập các quan hệ trực tiếp giữa các cơ sở sản xuất với cơ quan và nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế trên cơ sở nhu cầu của bạn hàng, đôi bên cùng có lợi,đã khuyến khích đội ngũ trí thức hăng hái đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Qua hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn liên minh công - nông - trí thức ngày càng gắn bó, thực sự là mối quan hệ đồng minh, bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi. Trong đó, tầng lớp trí thức đóng góp tích cực trong việc dự báo và nghiên cứu, phát minh. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, thông qua liên minh, cộng tác với đội ngũ trí thức vì mục tiêu kinh tế - xã hội chung, đã tiếp cận được với những tri thức mới, tiến bộ và vận dụng nhanh chóng những thành tựu của khoa học - công nghệ, đã dần “trí thức hóa”. Dần dần trong cơ cấu xã hội xuất hiện một đội ngũ “công nhân - trí thức” và “nông dân - trí thức”.
Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ này ngày càng đông đảo, đóng góp công sức,trí tuệ ngày càng nhiều hơn, chất lượng cao hơn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Kết quả hiện thực của liên minh công - nông - trí thức trong lĩnh vực kinh tế giữa giai cấp công nhân, nông dân với đội ngũtrí thức, chính là những thành tựu kinh tế đã đạt được trong những năm vừa qua; biểu hiện ở sự liên kết các nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn…
Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo phát huy hiệu quả vai trò liên minh công - nông - trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi thành tựu của đất nước đều có vai trò to lớn của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Trong đó,nền tảng liên minh công - nông - trí thức đan xen lẫn nhau, thâm nhập vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Hai là, liên minh chính trị giữa công nhân, nông dân và trí thức ngày càng được tăng cường, củng cố
Nội dung chính trị của liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ đổi mới là sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức nhằm mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sảnViệt Nam, xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Nói cách khác, xây dựng liên minh chính trị công - nông -tríthứclà xây dựng sự nhất trí về chính trị của các giai tầng xã hội để phấn đấu cho mục tiêu chính trị chung của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những năm gần đây, với sự đổi mới trong phương thứclãnh đạo, cầm quyềncủa Đảng, thành phần đảng viên được bổ sung vào hàng ngũ của Đảng đã dần dần phản ánh được thực trạng cơ cấu xã hội - giai cấp của đất nước ở thời kỳ quá độ, thể hiện sự đoàn kết, tập hợp được ngày càng nhiều nhân tố tích cực đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Xu hướng trí thức hóatrong Đảng và hệ thống chính trị ngày càng tăng, phản ánh sự thống nhất về tư tưởng của các giai tầng xã hội trong nước, phản ánh sự phát triển về chất của hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Điều đó khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là hệ tư tưởng chủ đạo trong đội ngũtrí thức và giai cấp nông dân, cũng như của toàn dân tộc.
Một yếu tố quan trọng tạo nên sự thống nhất về chính trị đó là việcphát huy và mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội. Các hoạt động văn hóa, thông tin báo chí, xuất bản ngày càng phát triển cả về nội dung và phương pháp thông tin; về nghiên cứu và sáng tạo; về thảo luận dân chủ các quan điểm khác nhau; tự phê bình và phê bình, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực…
Những dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được đưa ra thảo luận, xin ý kiến đóng góp xây dựng của đông đảo quần chúng nhân dân trước khi quyết định ban hành. Quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, bất kể là công nhân, nông dân hoặc trí thức... đều bình đẳng như nhau. Ngoài ra, vai trò tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được củng cố, góp phần tăng cường sự tham gia của công nhân - nông dân - trí thức và toàn xã hội vào quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, thành tựu trong lãnh đạo xây dựng và củng cố liên minh về mặt xã hội
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội được giải quyết hài hòa ngay trong từng bước phát triển. Đó là sự nhất quán trong quá trình lãnh đạo phát triển của Đảng và Nhà nước. Thực hiện mục tiêu đó, trongviệc ban hành các chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lợi ích của người lao động, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, chủ trương “xóa đói giảm nghèo” được coi là một quốc sách.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đóng góp của toàn xã hội, sự tương trợ lẫn nhau về kinh tế, phát huy truyền thống tương thân tương ái, số hộ đói nghèo trong công nhân, nông dân, trí thức ở các vùng miền, cả thành thị và nông thôn ngày càng giảm. Tính đến hết năm 2022, số hộ nghèo trên cả nước là 1.057.374hộ, chiếm tỷ lệ 4,03%; trong đó, số hộ nghèo khu vực miền núi phíaBắc là 455.271hộ (14,23%); khu vựcđồng bằng sông Hồng là 69.239hộ (1%); khu vực Bắc Trung Bộvà duyên hải miền Trunglà 284.137hộ (4,99%); khu vực Tây Nguyên là 129.160 hộ (8,39%);khu vực Đông Nam Bộ là 9.710hộ (0,21%); khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 109.767hộ (2,26%)(14).
Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc, hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đìnhcó công được bảo đảm.
Công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp,khoa học công nghệ gắn với phát triển nông thôn, kết cấu hạ tầng hiện đại được chú trọng, góp phần khai thác tốt những tiềm năng của nông - lâm - ngư nghiệp. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp cũng ngày càng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa giai cấp công nhân - nông dân với đội ngũ trí thức.
Thứ tư, liên minh công - nông - trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy đặc điểm cơ cấu xã hội - giai cấp được phản ánh trong tồn tại của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đằng sau mỗi thành phần kinh tế là các giai cấp, tầng lớp xã hội. Tương ứng với nền kinh tế nhiều thành phần là một cơ cấu giai cấp đa dạng, phức tạp, bao gồm các giai cấp, tầng lớp xã hội vừa liên minh, vừa đấu tranh với nhau, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò nòng cốt, lãnh đạo.
Với sự hình thành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu xã hội - giai cấp ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, cơ cấu giai cấp ở nước ta bao gồm: giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, người sản xuất nhỏ, tầng lớp doanh nhân. Trong đó, liên minh công - nông - trí thức là cơ sở của toàn xã hội, làm cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của thời kỳ quá độ lênchủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong liên minh, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo, quyết định xu hướng phát triển của xã hội. Nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động có vai trò ngày càng quan trọng, là động lực phát triển. Trí thức ngày càng có vai trò quyết định trong việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tầng lớp doanh nhân phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của mình, hoạt động theo pháp luật, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, dẫn đến cơ cấu xã hội - giai cấp cũng biến đổi theo hướng tiến bộ, được phản ánh trong sự thay đổi tích cực ở từng giai cấp. Các giai cấp, tầng xã hội cũng ngày càng xích lại gần nhau hơn, liên minh, hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó, liên minh công - nông - trí thức là lực lượng chính trị - xã hội cơ bản, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong xây dựng liên minh công - nông - trí thức
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình xây dựng liên minh công - nông -trí thức còn có những hạn chế, bất cập:
Thứ nhất, trong thực hiện đường lối đổi mới, sự phát triển của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cả về số lượng, cơ cấu và trình độ kỹ năng, nghề nghiệp.
Đối với giai cấp công nhân, giai cấp công nhân Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,... nhưng bản thân giai cấp công nhân lại đang phải đối diện với sự phân hóa khá mạnh mẽ và sâu sắc. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của công nhân,lao động còn thấp so với yêu cầu phát triển đất nước và đang mất cân đối trong cơ cấu lao động kỹ thuật, nhất là tình trạng thiếu nghiêm trọng chuyên gia kỹ thuật, công nhân có trình độ tay nghề cao.
Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, môi trường làm việc độc hại, quyền lợi không được giải quyết một cách thỏa đáng,... Ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân còn yếu. Ý thức chính trị, nhận thức về luật pháp của công nhân còn hạn chế. Tỷ lệ đảng viên, đoàn viên công đoàn trong công nhân lao động còn thấp. Do đó, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, sớm có các giải pháp khắc phục.
Vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng về số lượng, cơ cấu của giai cấp công nhân. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp còn lúng túng về tổ chức và phương hưóng hoạt động. Nhiều công nhân ít quan tâm tới vai trò, vị thế chính trị và những tổ chức của mình.
Đối với giai cấp nông dân, do trình độ văn hóa, kỹ thuật, chuyên môn còn thấp, nên nhìn chung người nông dân còn lúng túng đổi mớicách thức sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiềunông dân còn chưa theo kịp với xu thế phát triển chung của thời đại. Không ít người vẫn thụ động trong sản xuất, kinh doanh, chưa thực sự chủ động dẫn đến chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh địa phương, của ngành.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, một bộ phận nông dân vì nhiều lý do khác nhau, không có, mất hoặc thiếu tư liệu sản xuất, không thích ứng kịp với cơ chế thị trường nên tiếp tục khókhăn. Việc thu hồi đất phục vụ cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hay phục vụ quốc phòng, an ninh… trong những thập niên qua khiến cho diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. Mâu thuẫn giữa đất và người trong nông thôn nhiều nơi đã trở nên gay gắt, thậm chí có xu hướng gia tăng cùng với tốc độ phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô lớn, trong đó, nổi cộm là vấn đề lao động, việc làm, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn. Mặt khác, một bộ phận công nhân, người lao động vốn đã rời bỏ khu vực nông thôn, nông nghiệp để tham gia vào khu vực công nghiệp, dịch vụ, v.v..nay lại di cư trở về nông thôn do các doanh nghiệp khó khăn là rất lớn.
Những vấn đề này đòi hỏi các cấp phải nhận diện rõ để chủ động trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của giai cấp nông dân cũng như của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội vừa giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững ở nông thôn.
Đối với trí thức, cơ cấu đội ngũ trí thức còn có sự mất cân đối và chưa hợp lý về ngành nghề, độ tuổi và giới tính… Đội ngũ trí thức tinh hoa còn ít, năng lực nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam còn hạn chế, uy tín khoa học đối với khu vực và quốc tế chưa cao. Hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng và gắn bó với thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn thấp. Ngoài ra, điều kiện sống của trí thức còn nhiều bất cập, dẫn đến không ít trí thức bỏ nghề lao động trí óc, chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác (lao động chân tay, buôn bán...).
Vì vậy, vấn đề đặt ra trước hết là tự bản thân giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức phải nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ, năng lực sáng tạo của mình vào quá trình phát triển của đất nước. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.
Thứ hai, trong thực tiễn, liên minh công - nông - trí thức còn bất cập ở một số hình thức cụ thể. Mô hình “liên kết các nhà” gồm Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều lúng túng, hạn chế, vướng mắc, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, như: nội dung kế hoạch liên kết còn chung chung, chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại sản phẩm; sự phối hợp, phân vai giữa “các nhà” còn chưa cụ thể…
Trong khi đó, Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý và bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên khi tham gia liên kết, nhất là lợi ích của doanh nghiệp và nông dân. Do đó, lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được xây dựng bền vững, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực thực hiện liên kết, nhất là doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bảo đảm đầu ra sản phẩm. Để khắc phục những hạn chế, trước hết, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế tạo hành lang pháp lý cho phù hợp với tính chất, từng loại sản phẩm và mô hình liên kết cụ thể, nhằm quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên khi tham gia liên kết; đồng thời, giữa các bên liên kết phải xây dựng được kế hoạch cụ thể và “phân vai” hợp lý trong quá trình liên kết.
Trong bối cảnh hiện nay, để đón nhận những cơ hội lớn của quá trình hội nhập quốc tế, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, liên minh công - nông- trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nòng cốt của quá trình phát triển. Để liên minh công - nông - trí thức ngày càng bền vững phải phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, mà trước hết là phải đáp ứng hài hòa lợi ích cơ bản của các giai cấp, của nhân dân và của cả dân tộc trong mọi lĩnh vực./.
___________________________________________________
(1) Năm 1986 cả nước có 3.141 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, 5944 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thu hút 2,58 triệu lao động và tạo ra 109,6 tỷ đồng giá trị sản lượng (giá 1982) - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2007): Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ năm 2007, Mã số 07-08, “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng khối liên minh công nhân - nông dân và trí thức trong hai mươi năm đổi mới (1986-2006) lịch sử và kinh nghiệm, tr. 61. Đến năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký là 11.730,2 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân một người một tháng đạt gần 4,3 triệu đồng - Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2019, Nxb. Thống kê, 2019, tr.17.
(2) ĐCSVN (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.585.
(3) ĐCSVN (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.49-50.
(4) ĐCSVN (2011), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.240-241.
(5), (12) ĐCSVN (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.242-243, 161-162.
(6), (9), (13) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.1, tr.166, 166-167, 167.
(7) Thời báo tài chính Việt Nam (online): Giai cấp công nhân tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội, ngày 27/1/2021.
(8) Theo Tạp chí Cộng sản, số1/2008, tr.32.
(10) ĐCSVN (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.90-91.
(11) ĐCSVN (2011), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 241-242.
(14) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19/1/2023, Quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 8/9/2023
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận