Nhận thức về an ninh môi trường và giải pháp từ góc độ truyền thông
Nhận thức về an ninh môi trường trên thế giới
Trong nhiều nghiên cứu gần đây, an ninh môi trường (environmental security) được nhận định như một thành tố trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống (Non-Traditional Security). Nhưng thực chất, vấn đề an ninh môi trường đã được đề cập tới sớm hơn. Vào năm 1972, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Con người (United Nations Conference on the Human Environment) đã được tổ chức tại Thụy Điển, và ở đó, lần đầu tiên vấn đề An ninh môi trường được nêu ra(1). Hội nghị thống nhất đưa ra bản Tuyên bố Stockholm bao gồm 26 nguyên tắc, trong đó có nhắc đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, giữ cho sự ô nhiễm không vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường… Sau Hội nghị này là sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme, viết tắt là UNEP). Trách nhiệm chính của UNEP là điều phối các hoạt động môi trường của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách và các hành động về môi trường. Tiếp đó, năm 1977, Cục Tình báo Liên bang Mỹ đã thiết lập một Trung tâm môi trường đầu tiên trên thế giới để nghiên cứu mối quan hệ giữa môi trường và an ninh quốc gia(2).
Sang đến những năm 1980, nhận thức về an ninh quốc gia đã có nhiều thay đổi, khái niệm an ninh quốc gia mở rộng, không còn chỉ tập trung vào chính trị và quân sự, và bắt đầu xuất hiện sự bàn luận về các vấn đề được gọi là an ninh phi truyền thống. Vấn đề an ninh môi trường đã được nhắc đến ngay từ những bàn luận đầu tiên này. Giáo sư Richard H. Ullman, trong bài viết Redefining Security, đăng trên tạp chí International Security, 1983, đã đề xuất rằng, nếu ngân sách quốc gia chi trả cho các biện pháp cải thiện chất lượng không khí, nước uống, thì đó chính là một biện pháp tăng cường an ninh hiệu quả(3). Cũng năm 1983, tác giả Barry Buzan, trong sách People, States and Fear: The National Security Problem in International Relations (Con người, Quốc gia và Nỗi sợ hãi: vấn đề an ninh quốc gia trong quan hệ quốc tế) nhắc đến môi trường như một vấn đề an ninh phi truyền thống nổi bật: “Vấn đề an ninh 'quốc gia' hóa ra là một vấn đề an ninh hệ thống, trong đó các cá nhân, nhà nước và hệ thống đều đóng một vai trò, các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cũng quan trọng như các yếu tố chính trị và quân sự”(4).
Trong những năm 1990, Mỹ và nhiều nước khác lần lượt đưa an ninh môi trường vào lĩnh vực an ninh quốc gia và xếp vào những vấn đề an ninh phi truyền thống. Cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa có định nghĩa thống nhất nào về an ninh phi truyền thống, nhưng trong các nghiên cứu luôn luôn xuất hiện an ninh môi trường khi mô tả và gọi tên các vấn đề an ninh phi truyền thống. Liên Hợp Quốc và hầu hết các quốc gia thống nhất trong nhìn nhận việc khan hiếm tài nguyên, suy thoái môi trường có thể làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo và bất ổn chính trị, dẫn tới nguy cơ xung đột và chiến tranh. Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ (New York, 6-8/9/2000) đã đưa ra 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có mục 7 là Bảo đảm sự bền vững của môi trường. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của môi trường trong số những vấn đề có ảnh hưởng bậc nhất trên phạm vi toàn cầu(5).
An ninh môi trường cũng được nhắc tới như một thành tố quan trọng trong An ninh Con người (Human Security). Khái niệm “an ninh con người” lần đầu tiên được đề cập tới trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 1994 (Human Development Report, UNDP, 1994), và báo cáo này cũng chỉ ra 7 vấn đề liên quan đến an ninh là: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh con người, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị(6). Như vậy, một lần nữa, an ninh môi trường cũng được khẳng định tầm quan trọng, ở góc độ này.
An ninh môi trường cũng là một thành tố trụ cột của Phát triển bền vững (Sustainable Development). Khái niệm Phát triển bền vững hiện nay được hiểu theo nghĩa phổ biến là sự phát triển để đáp ứng những nhu cầu của ngày hôm nay mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Khái niệm này đã được xuất hiện lần đầu vào những năm 1980 trong các bàn luận của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và các nguồn tài nguyên, và đến năm 1987 thì được phổ biến thông qua báo cáo của Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới (ủy ban Brundtland, do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ủy quyền thành lập năm 1984). Báo cáo này đã chỉ ra ba trụ cột của phát triển bền vững, là kinh tế, xã hội và môi trường. Như vậy, an ninh môi trường là một phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững(7).
Nhận thức về an ninh môi trường ở Việt Nam
Từ Đại hội VIII của Đảng (tháng 6/1996), Đảng ta đã nhận thức rằng: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo...), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương”. Đại hội X đã làm rõ hơn trong nhận định: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”. Từ Đại hội XI của Đảng (tháng 4/2011) cho đến các kỳ Đại hội sau này, khái niệm an ninh phi truyền thống được sử dụng, với các vấn đề được chỉ ra là: an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố… Trong cuốn sách “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”(8) định nghĩa về an ninh phi truyền thống có nhắc tới an ninh môi trường: “An ninh phi truyền thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu. Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái cạn kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,… An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa càng phát triển thì theo đó, an ninh phi truyền thống càng lan rộng hơn và đậm nét hơn”.
Đến đại hội XIII của Đảng, vấn đề an ninh môi trường càng được đề cập cụ thể hơn, chi tiết hơn. Văn kiện đại hội khẳng định quyền được sống trong môi trường lành mạnh của người dân, và trách nhiệm bảo vệ môi trường là của toàn xã hội trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Cần xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường; Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, xâm hại môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường…
Từ những nhận thức đó, hệ thống chính sách pháp luật về môi trường đã dần hoàn thiện, mà gần đây nhất Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó định nghĩa bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, an ninh con người, phát triển bền vững đều nhắc tới an ninh môi trường như một thành tố quan trọng, ngày càng có xu hướng trở thành mối quan tâm mạnh mẽ hơn của quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hiện trạng an ninh môi trường ở Việt Nam
Vào mười năm trước, năm 1912, trên diễn đàn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (gọi tắt là VACNE, được thành lập theo quyết định số 299/CT ngày 23/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra 10 cảnh báo về an ninh môi trường ở Việt Nam(9), đó là các vấn đề sau: Mất ổn định do Biến đổi khí hậu; An ninh nước đang bị xâm phạm; Ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát; Nghèo đói do môi trường gia tăng; Xung đột môi trường ngày càng căng thẳng; Môi trường Tây Nguyên đang khủng hoảng; Miền Đông Nam Bộ phát triển không bền vững; Sinh vật ngoại lai nguy hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn ngày càng tăng; Tài nguyên khoáng sản đang thất thoát;Văn hóa an toàn và an ninh môi trường ( văn hóa an toàn được định nghĩa là một dạng văn hóa doanh nghiệp (tức là một hệ sản xuất), nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người lao động, người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp và người cư trú trong phạm vi ảnh hưởng về môi trường của doanh nghiệp).
Có thể thấy rằng các vấn đề môi trường có thể đe dọa an ninh quốc gia, an ninh con người và an ninh toàn cầu bao gồm cả các hiện tượng tự nhiên và cách quản lý, khai thác, tất cả đều có nguyên nhân bắt nguồn từ các hành động của con người, và đều là sự tích tụ dần của các hành vi tác động không phù hợp vào môi trường trong quá trình phát triển. Các diễn biến của sự ô nhiễm và suy thoái diễn ra từ từ nhưng nếu không kiểm soát sớm có thể dẫn đến mức thảm họa không thể vãn hồi. Các tác giả của bài phân tích cũng chỉ ra rằng đã đến lúc các vấn đề an ninh môi trường ở Việt Nam cần được quan tâm kiểm soát trước khi quá muộn. Bài viết cũng lưu ý rằng đánh giá môi trường không phải là một việc dễ dàng vì việc thu thập các thông tin phải kỹ càng, đầy đủ các hạng mục thông tin và số liệu cần thiết. Rất có thể các đánh giá mới chỉ là phần nổi của tảng băng đầy nguy cơ đang còn chưa được nhận thức hết.
Trong mười năm trở lại đây những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường cũng đã mang lại những kết quả đáng kể. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - 2021 của Bộ tài nguyên và Môi trường(10) đã cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ hơn để đánh giá an ninh môi trường. Báo cáo bao gồm 10 chương, bao quát các vấn đề trọng yếu về môi trường ở Việt Nam.
Trong phần xác định vấn đề và những thách thức, báo cáo đã chỉ ra rằng những thách thức môi trường là thách thức chung của nhân loại. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra, gây những tác động tiêu cực đối với kinh tế, môi trường và xã hội, gây suy thoái đất đai và hệ sinh thái, giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản, tàn phá cơ sở hạ tầng, giảm hoạt động du lịch, giảm năng suất lao động, gia tăng dịch bệnh và rủi ro sức khỏe…Theo dự báo, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại vượt ngoài khả năng ứng phó, ngay cả khi đã sử dụng triệt để các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố tích cực làm bức tranh môi trường sáng sủa hơn và các giải pháp bảo vệ môi trường có khả năng đạt được hiệu quả hơn. Dự báo trong 10 năm tới, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển mạnh, tác động tích cực đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một phương thức tiếp cận để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển đã đặt kinh tế tuần hoàn lên ưu tiên số một, để hướng tới một nền kinh tế không rác thải vào năm 2050. Nhân loại đang kết nối và nỗ lực để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực nhằm hướng tới các hành động mạnh mẽ hơn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tận dụng những điều kiện thuận lợi từ cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thực hiện tốt công tác quản lý chất thải với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của chất thải, giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số.
Báo cáo hiện trạng môi trường ở Việt Nam, với nội dung vắn tắt như ở trên đây, có thể thấy là vẫn đang ở mức chất lượng tốt, chưa có quá nhiều báo động. Nhưng phải nhìn nhận một điều, đó không phải là do có chiến lược bảo vệ môi trường tốt, mà là do Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, môi trường chưa bị đánh đổi nhiều. Những chặng đường phát triển sắp tới, nếu không sử dụng lộ trình phát triển bền vững, tôn trọng tự nhiên, sẽ không tránh khỏi các tác động mới, các vấn đề môi trường sẽ lớn dần và bùng nổ. Vì vậy mà an ninh môi trường nên được xếp vào các vấn đề cấp bách trong chiến lược an ninh quốc gia.
Một số đề xuất giải pháp từ góc độ truyền thông
Nói đến các giải pháp an ninh môi trường, là nói đến các chiến lược phòng ngừa, kiểm soát, điều chỉnh, trước khi quá muộn. Truyền thông cũng chính là một phần của giải pháp, và báo chí, các nhà báo có một phần trách nhiệm trước một vấn đề có tính cấp thiết đối với quốc gia như vậy.
Với tính chất phức tạp về khoa học và nhạy cảm về an ninh, đề tài môi trường trở thành một đề tài có những yêu cầu đặc thù trong báo chí. Nhà báo hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường cần có nhận thức đầy đủ về môi trường như một vấn đề an ninh phi truyền thống quan trọng. Nhà báo cũng cần được đào tạo, có kiến thức lý luận bài bản, có kỹ năng báo chí vững vàng, có ý thức chính trị sâu sắc. Truyền thông về môi trường là một mảng hoạt động quan trọng trong bối cảnh Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng sớm nhất của biến đổi khí hậu, đã được chỉ đạo trong các văn kiện từ Đại hội Đảng XI đến nay. Việt Nam cũng là nước đã phê chuẩn các chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu từ năm 2008, và liên tục thúc đẩy truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà báo chuyên sâu. Mặc dù hiệu quả truyền thông về mảng đề tài này còn những hạn chế, nhưng những nền móng đầu tiên đã có và đang phát triển ngày càng tốt hơn. Đối với nhà báo chuyên sâu về môi trường, ngoài những năng lực của nhà báo nói chung, cần có thêm một số phẩm chất và một số điều cần quan tâm để có thể có hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, cần có tinh thần cống hiến cho công cuộc gìn giữ môi trường chung và giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Môi trường là một trong những vấn đề an ninh chung của toàn cầu và không ai có thể tự đứng ra ngoài cuộc. Các hành động tích cực mang lại lợi ích chung và ngược lại những hành động tiêu cực cũng mang lại hậu quả chung. Vì vậy mà có thể trong giai đoạn đội ngũ hành động tích cực còn chưa chiếm đa số, họ còn phải làm thay cả việc cho phần còn lại của thế giới chưa tham gia tích cực. Tinh thần cống hiến cho lý tưởng cần giữ vững. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu còn kéo theo nhiều mối liên quan về chính trị, kinh tế, thương mại, ngoại giao..., vì vậy mà nhà báo phải khách quan, công bằng. Lý tưởng trong sáng nhất mà người làm truyền thông cần giữ, chính là bảo vệ môi trường sống lành mạnh trên trái đất vì sự sống còn của loài người hôm nay và vì thế hệ mai sau. Để thuyết phục được mọi người hiểu được và thay đổi lối sống, coi đó là trách nhiệm của mình chứ không phải vấn đề chung chung ở vĩ mô, bản thân những người làm truyền thông phải trung thành với lý tưởng và phải hành động trước. Điều đó thực sự cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Thứ hai, nhà báo cần có kiến thức vững chắc về lĩnh vực này. Nhà báo không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia khoa học và chuyên gia an ninh về lĩnh vực này, nhưng phải có các kiến thức cơ bản và thường xuyên cập nhật. Nhà báo cũng có thể phát triển các góc tiếp cận riêng về vấn đề này. Trước mỗi đề tài của sản phẩm báo chí cụ thể, cần làm kỹ và chắc chắn khâu tra cứu, thu thập thông tin, phỏng vấn chuyên gia, để mỗi phản ánh, lập luận và đề xuất hướng giải pháp đều có cơ sở khoa học. Sự tìm hiểu không kỹ lưỡng đều có thể dẫn đến một cách hiểu sai và những giải pháp nông cạn, có thể lấy một số ví dụ cho điều này:
- Truyền thông nhấn mạnh vào việc vệ sinh môi trường, làm sạch xung quanh không gian sống, làm việc, là yêu môi trường, vì môi trường - đây là một thông điệp không đầy đủ. Dọn sạch rác là làm sạch môi trường, tránh ô nhiễm khu vực, nhưng việc quản lý, xử lý rác như thế nào mới là vấn đề thực sự của môi trường. Rác thải không được xử lý tốt sẽ nhanh chóng gây ô nhiễm rộng hơn rất nhiều, đe dọa an ninh con người và có tác động tới biến đổi khí hậu. Rác thải kể cả khi được xử lý tốt cũng là một qui trình tốn năng lượng và gây phát thải khí nhà kính. Vì thế truyền thông không chỉ lơ lửng ở khâu dọn sạch rác giữ sạch môi trường, mà phải là tác động nhận thức người tiêu dùng, cần biết tiết giảm việc xả rác để giảm tải cho môi trường, giảm chi phí và tác hại phát sinh trong quá trình xử lý rác.
- Dùng các sản phẩm dễ phân hủy như giấy và túi nilon sinh học thay cho túi nhựa, ống hút giấy thay cho ống hút nhựa là hành động vì môi trường - đây là thông điệp sai. Mặc dù dễ phân hủy, nhưng quá trình sản xuất ra các sản phẩm giấy và túi sinh học lại tiêu tốn tài nguyên, năng lượng và phát thải khí nhà kính nhiều hơn cả túi nilon, dẫn đến gây tác động môi trường nhiều hơn. Vì vậy không nên truyền thông cho việc dùng sản phẩm giấy thay thế sản phẩm nilon, mà cần truyền thông cho việc từ bỏ thói quen dùng sản phẩm một lần, chuyển sang dùng những đồ vật sử dụng nhiều lần để hạn chế việc sản xuất, tiêu thụ và xả rác.
Còn rất nhiều ví dụ tương tự, để có thể thấy rằng, nếu không đầy đủ kiến thức về môi trường và biến đổi khí hậu, nhà báo khi truyền thông sai thậm chí có thể không hề biết mình sai. Những thông điệp gây nhầm lẫn về nhận thức như thế này có thể rất lâu mới có thể thay đổi được trong công chúng.
Thứ ba, nhà báo cần có năng lực phân tích các giải pháp ứng phó và thích nghi biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở các bối cảnh địa phương. Không chỉ nắm vững các phân tích khoa học hiện tại để hiểu về những mối đe dọa an ninh môi trường và kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai, nhà báo còn phải nắm vững hệ thống các giải pháp, các chiến lược giảm thiểu và thích ứng, hiểu rõ các bối cảnh quốc tế, quốc gia và địa phương đối với vấn đề an ninh môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó nhà báo cũng cần tìm hiểu các tiến trình thỏa thuận, đàm phán về Môi trường và biến đổi khí hậu trên các diễn đàn quốc tế, các tiến trình thay đổi chính sách ở từng quốc gia, để đi đến những nhận thức và hành động cắt giảm phát thải, trồng rừng, xây dựng lối sống phát thải thấp trên toàn cầu. Nhà báo chuyên nghiệp không dừng lại ở việc đưa tin về hiện trạng, cảnh báo các nguy cơ, mà phải là người phân tích và đề xuất các giải pháp thích hợp trong các tình huống cụ thể, và đưa ra hướng dẫn dễ hiểu, có sức thuyết phục cao, có khả năng định hướng được hành vi của công chúng. Nhà báo cũng cần tham gia vào cả những tiến trình tham mưu vận động chính sách, để có những thay đổi phù hợp nhất về chính sách cho mỗi địa phương và quốc gia. Các kinh nghiệm quốc tế cũng đã chỉ ra rằng truyền thông về môi trường, về biến đổi khí hậu không nên và không cần thiết vạch ra bức tranh đen tối, những cảnh báo u ám khắc nghiệt, mà nên tìm tòi, nhấn mạnh các giải pháp, phân tích và diễn giải nó trong từng bối cảnh địa phương, từng câu chuyện và con người cụ thể, để thúc đẩy tư duy và hành động tích cực.
Thứ tư, có khả năng liên kết rộng rãi với các mạng lưới hoạt động về môi trường và biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế. Đây là một thao tác rất quan trọng và cần thiết. Môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, cần những kinh nghiệm quốc tế và gắn kết với các hoạt động quốc tế. Những phong trào toàn cầu cũng sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi. Hiện tại có khá nhiều mạng lưới hoạt động của các nhà chuyên môn, nhà hoạt động xã hội, các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến môi trường và biến đổi khí hậu, mạng lưới của các nhà báo quốc tế trong lĩnh vực này, mở ra một cơ hội thuận lợi để liên kết, để cập nhật thông tin, để mở các hội thảo trao đổi, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, và một môi trường hoạt động báo chí quốc tế vô cùng hấp dẫn và chất lượng. Nhà báo cần tự nâng cao ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trên không gian mạng, để kết nối với các mạng lưới này. Đối với các nhà báo Việt Nam, việc tham gia trao đổi và quan sát học hỏi kinh nghiệm truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu ở các quốc gia phát triển khác, là một cách thức và một hoạt động rất hiệu quả để tự nâng cao năng lực truyền thông.
Những yêu cầu về phẩm chất, năng lực trên đây hoàn toàn thiết thực với nhà báo về môi trường và biến đổi khí hậu. An ninh môi trường và Biến đổi khí hậu đang là những chỉ báo đỏ trong an ninh toàn cầu, và cũng sẽ là mảng đề tài chiếm không gian lớn trong truyền thông, vấn đề sẽ còn tiếp tục nóng lên trong tương lai, là cơ hội làm việc và cống hiến của những người làm truyền thông báo chí./.
________________________________________________________________________
(1) Báo cáo 50 năm các hoạt động Môi trường, website Stockholm+50, truy cập 31/11/2023 https://www.stockholm50.global/ news-and-stories/environmental-moments-stockholm50-timeline
(2) PGS, TS. Nguyễn Đình Hòe và TS. Nguyễn Ngọc Sinh, 2010, “Đảm bảo An ninh môi trường cho phát triển bền vững”, Nxb. Khoa học Kỹ thuật.
(3) Richard H. Ullman,1983, Redefining Security, International Security https://www.politics-dz.com/en/redefining-security-by-richard-h-ullman/, truy cập 29/10/2022
(4) Barry Buzan, 1983, People, States and Fear: The National Security Problem in International Relations, Wheatsheaf Books LTD
(5) Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, 2000,UN website, https://www.un.org/millenniumgoals/, truy cập 29/10/2022
(6) Human Development Report,1994, UNDP, truy cập 31/10/2023 https://hdr.undp.org/content/human-development-report-1994
(7) Báo cáo Brundtland,1987, wikisource, https://en.wikisource.org/wiki/Brundtland_Report, truy cập 31/10/2013
(8) GS, TS Phùng Hữu Phú, PGS, TSKH. Nguyễn Văn Đặng, PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, 2016, Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia.
(9) 10 cảnh báo về An ninh Môi trường Việt Nam (2012), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, http://www.vacne.org.vn/ 10-canh-bao-ve-an-ninh-moi-truong-viet-nam/29919.html, truy cập 29/10/2022
(10) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - 2021 của Bộ tài nguyên và Môi trường, http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Tai-nguyen-nuoc/Bo-Tai-nguyen-va-Moi-truong-cong-bo-Bao-cao-hien-trang-moi-truong-bien-va-hai-dao-quoc-gia-giai-doan-2016-2020-10421
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 3 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 4 Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- 5 Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- 6 Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phương thức kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Ngày 08/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ tài chính, tài sản công của Nhà nước. Các phương thức kiểm soát quyền lực nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực không chỉ giúp bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công mà còn góp phần xây dựng một nền hành chính công trong sạch, liêm chính và hiệu quả.
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị xuất bản muốn thu hút độc giả thì công tác truyền thông thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những phương tiện truyền thông mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong công tác truyền thông thương hiệu xuất bản. Bài viết tập trung phân tích hoạt động truyền thông thương hiệu của NXB Kim Đồng nhằm rút ra những bài học cho các NXB trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Bình luận