(LLCT&TT) An ninh con người và bảo đảm an ninh con người đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Trong đại dịch Covid-19, mức độ rủi ro đe dọa an ninh con người ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn bởi những tác động khó kiểm soát của tình hình dịch bệnh. Mỗi quốc gia có cách thức ứng xử và giải quyết vấn đề an ninh con người nói chung, an ninh con người trong đại dịch Covid-19 nói riêng. Quan tâm đến nội hàm của vấn đề an ninh con người và những tác động của nó đến an ninh con người ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là nội dung của bài viết.
1. Nhận thức chung về an ninh con người
Hiện nay, vấn đề an ninh con người đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả, chính trị gia, nhà nước, tổ chức quốc tế. Thuật ngữ “An ninh con người” đã xuất hiện từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX gắn với những biến cố lớn của thế giới: Liên bang Xô viết sụp đổ, Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự thế giới đơn cực hình thành và sự xuất hiện những khuynh hướng mới trong việc xem xét và nghiên cứu khái niệm an ninh. Theo đó, lý thuyết về “An ninh lấy con người làm trung tâm” đã xuất hiện và bắt đầu được quan tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế(1).
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 1994 đã đề cập đến an ninh con người bao hàm hai khía cạnh chính: sự an toàn trước những mối đe dọa mang tính hiện hữu, thường xuyên như đói khát, bệnh tật và áp bức; con người được bảo vệ trước những biến cố bất thường và có hại đối với cuộc sống hằng ngày - bất kể ở trong gia đình, nơi công sở hay ở cộng đồng(2). Đồng thời, UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người với 7 nhân tố cấu thành gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Từ đó, tổ chức này cho rằng trong nhận thức về an ninh, các quốc gia đã không quan tâm tới những mối lo lắng chính đáng về an ninh của những người dân bình thường trong cuộc sống thường nhật của họ(3).
Ủy ban An ninh con người của Liên hợp quốc đã quan niệm về an ninh con người với nghĩa hướng đến việc bảo vệ; cụ thể là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, nghĩa là bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa, các tình huống nguy hiểm và hiện hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới(4).
Khi nói về vấn đề an ninh con người, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Kofi Annan đã nhấn mạnh: an ninh con người không tách rời hòa bình, an ninh và phát triển. Nó không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực, mà còn bao gồm quyền con người, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, bảo đảm cho mỗi cá nhân có cơ hội và sự lựa chọn để phát huy được năng lực của mình(5).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm, đã đưa ra quan niệm: an ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh(6).
Việc bảo đảm an ninh con người là một yêu cầu cấp thiết không chỉ ở phạm vi quốc gia mà trên phạm vi thế giới. Các mối đe dọa an ninh con người rất đa dạng, có thể chia thành hai loại: các mối đe dọa ở cấp độ quốc gia, tức là các đe dọa thường chỉ có tác động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; các mối đe dọa toàn cầu, tức là các đe dọa có tác động trên phạm vi rộng, xuyên quốc gia, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, dân tộc và thường mang tính lan truyền. Bảo đảm an ninh con người trước các mối đe dọa này là cách thức ứng xử của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi quốc gia phải là thành viên chủ động, tích cực ngăn ngừa các mối đe dọa phát sinh từ quốc gia mình đang tác động đến an ninh con người.
2. Tác động của đại dịch covid-19 đến an ninh con người
Đại dịch Covid-19 như một cơn cuồng phong tác động sâu sắc và toàn diện đến cục diện thế giới, nó có sức mạnh hủy diệt hơn bất cứ loại vũ khí quân sự nào, kể cả vũ khí nguyên tử(7). Theo số liệu thống kê của trang mạng Worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ ngày 01/7/2021 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 toàn cầu là 182.952.614 ca, trong đó có 3.962.113 người tử vong. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang “leo thang” trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Tình hình đó làm cho nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân tăng lên, dẫn đến việc tăng giá và sự chậm trễ trong việc cung cấp. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả sâu rộng và những nỗ lực để kiểm soát dịch. Khi virus SARS-CoV-2 lan rộng trên toàn cầu, các mối quan tâm đã chuyển từ các vấn đề sản xuất từ phía cung ứng sang việc giảm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ(8).
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (T.A.Ghebreyesus) nhận định trên truyền hình: “Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có”. Toàn thế giới đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có, gây nên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế…, đặc biệt là mạng sống, sức khỏe con người đang bị đe dọa nghiêm trọng. Điều này chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã trở thành mối đe dọa an ninh con người mang tính toàn cầu:
Một là, tác động trực tiếp đến kinh tế, việc làm. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm 4,4% (tức là tăng trưởng âm), các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề: kinh tế Mỹ tăng trưởng - 5,9%; kinh tế Anh tăng trưởng - 6,5%; khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng - 7,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Đối với khu vực Đông Nam Á tình hình tăng trưởng kinh tế cũng vô cùng ảm đạm(9). Khảo sát tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu tháng 8.2020 với 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu lên tới 8,1%, với khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp. Việt Nam, do đại dịch Covid-19 đã có 1,2 triệu người thất nghiệp; 4,5 triệu người bị giảm giờ làm; 12,7 triệu người tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; có 21,9 triệu người giảm thu nhập(10).
Hai là, tác động đến việc an ninh lương thực. Tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống cung ứng lương thực làm cho việc đáp ứng nhu cầu về lương thực không được đảm bảo. Do việc giãn cách, cách ly xã hội cùng với các yêu cầu của phòng chống dịch chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm bị gián đoạn. Đồng thời, tình trạng thất nghiệp, thu nhập bị giảm, bị mất đã làm cho một bộ phận lớn dân cư không thể tự đảm bảo nhu cầu về lương thực cho bản thân và gia đình. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất là nhóm người nghèo, người lao động chân tay. Tình trạng này đã và đang đe dọa tính mạng và sinh kế của người dân ở hầu hết các quốc gia. Chương trình Lương thực Thế giới xác định 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do Covid-19; trong đó Ethiopia, Nigeria và Mozambique là ba quốc gia có đến 56 triệu người đang sống trong tình trạng không có đủ nguồn thực phẩm thiết yếu mỗi ngày. Còn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Liên hợp quốc đã thống kê cho thấy hơn 820 triệu người trên toàn cầu đã bị đói; gần 150 triệu trẻ em ở các quốc gia trên thế giới bị còi cọc vì thiếu dinh dưỡng(11).
Ba là, tác động đến sức khỏe và quyền được chăm sóc sức khỏe. Hằng ngày, trên toàn thế giới có mấy trăm nghìn người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hàng chục nghìn người chết vì dịch Covid-19. Ở một số quốc gia, số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng quá nhanh, trong khi các nguồn lực y tế quan trọng như máy thở, thiết bị bảo hộ y tế và thậm chí nhân viên y tế trở nên khan hiếm. Việc đình trệ cung cấp dịch vụ ở các hệ thống y tế đã quá tải và sự phân tán nguồn lực cho việc chăm sóc sức khỏe thiết yếu để dành cho các hoạt động chống dịch có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong trong cộng đồng.
Giới chuyên gia cảnh báo, Covid-19 đã tác động sâu sắc và rộng khắp đối với sức khỏe tinh thần trên toàn cầu, khi hàng tỷ người phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Thực tiễn còn cho thấy, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân. Những lo âu về việc làm, về lương thực, thực phẩm, cùng với căng thẳng do việc chính phủ các nước áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã làm cho nhiều người lo lắng, bất an và rơi vào tình trạng trầm cảm.
Bốn là, tác động đến tự do cá nhân và sự riêng tư. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, chính phủ các quốc gia phải đối mặt với nhiều áp lực để đưa ra giải pháp kiểm soát tình hình. Một số biện pháp mà các quốc gia đang thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền về sự riêng tư của người dân. Trong đó, đa số các quốc gia đều tìm mọi cách để kiểm soát sự di chuyển và tiếp xúc của người dân thông qua các cách thức khác nhau. Hơn một nửa dân số thế giới đã phải sống trong tình trạng hy sinh những nhu cầu cơ bản của cá nhân như đi làm, đến trường, đi du lịch hay gặp gỡ người thân. Việc theo dõi dữ liệu định vị đối với người dân được nhiều quốc gia triển khai. Dù được cho là hiệu quả trong kiểm soát đại dịch, nhưng việc thu thập dữ liệu và những ứng dụng như vậy đang làm dấy lên mối lo ngại về phạm vi giám sát của Nhà nước đối với công dân, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tự do cá nhân và quyền riêng tư.
Năm là, tác động đến môi trường. Các chuyên gia đã đánh giá những mặt tích cực của đại dịch là suy giảm hiệu ứng nhà kính một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Mặc dù đã có những ảnh hưởng gián tiếp tích cực lên môi trường nhưng virus SARS-CoV-2 cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hậu Covid-19. Bởi giãn cách hiện nay chỉ là tạm thời, đến một lúc nào đó, khi thế giới đẩy lùi được dịch bệnh, các hoạt động thường nhật sẽ lại tiếp tục, thậm chí ồ ạt hơn trước. Theo đó đại dịch chỉ là “cái cớ” tạm hoãn để chuẩn bị cho một đợt tăng tốc mới, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể còn tăng cao hơn trước khi có đại dịch. Đồng thời, các hoạt động phân loại rác thải cũng bị đình trệ. Những cửa hàng trước kia khuyến khích người dân tái sử dụng túi đựng hàng thì nay chỉ sử dụng túi dùng một lần và đã cấm sử dụng lại các dụng cụ như cốc, chén, đĩa… Chính vì vậy, lượng rác thải của các gia đình cũng như đô thị tăng lên, làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Đặc biệt là chất thải y tế tăng lên rất mạnh, tại các bệnh viện tăng 2 - 4 lần do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay. Khẩu trang đã qua sử dụng đã làm tăng số lượng rác thải. Nhiều khu cách ly với hàng chục nghìn người được cung cấp khẩu trang và quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn đã góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường.
Tất cả những điều trên cho thấy, Covid-19 đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gián tiếp lên môi trường nhưng ảnh hưởng tiêu cực sẽ lớn hơn. Đại dịch mang đến nhiều vấn đề môi trường lâu dài mà chúng ta chưa đánh giá được hết.
Sáu là, tác động đến trẻ em và phụ nữ. Tiến sĩ Dương Văn Đạt, Chuyên gia của UNFPA về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho rằng, Covid-19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ và có khả năng số ca tử vong bà mẹ sẽ gia tăng đáng kể do hậu quả tiêu cực của Covid-19. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời gian cách ly hoặc giãn cách xã hội, bạo lực gia đình đã tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, hơn 21 triệu trẻ em phải tạm dừng đến trường và cách ly tại nhà cũng đã tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ an toàn của trẻ em.
Ở châu Âu, kể từ khi ban hành các biện pháp hạn chế đi lại, phụ nữ và trẻ em nếu lâm vào cảnh bị bạo hành gia đình sẽ không được tiếp cận với các cơ sở bảo vệ tại địa phương, do đó nguy cơ bạo lực gia đình và tỷ lệ bạo lực trong gia đình tiếp tục tăng lên. Theo thống kê, trong vòng một tuần kể từ khi áp dụng biện pháp khẩn cấp hạn chế đi lại ở Pháp (bắt đầu từ tháng 3.2020), các báo cáo của cảnh sát về việc lạm dụng bạo lực trong gia đình đã tăng 1/3 trên toàn quốc, thậm chí nhiều nhất ở Thủ đô Paris; có rất nhiều yêu cầu giúp đỡ gửi qua email, tăng 286% so với tháng 2/2020(12).
3. Việt Nam giải quyết vấn đề an ninh con người trong đại dịch covid-19
Trong tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố; trong đó có những thách thức từ an ninh con người, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh con người mà đối tượng bị tác động trực tiếp chính là người dân.
Trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, cần quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức và hành động về vấn đề an ninh con người; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, xây dựng các cơ chế nhằm tạo ra được môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, sinh thái lành mạnh, phát triển. Các cơ chế đó phải đảm bảo được tiêu chí bảo vệ con người tránh khỏi những tác động từ bên ngoài và những mối đe dọa từ bên trong bởi tổ hợp của các nhân tố tiêu cực như đói nghèo, bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, tội phạm, tệ nạn xã hội, sự mất an toàn trong cuộc sống, sự lo lắng trước những bất công, bạo lực(13). Nghĩa là, mục tiêu của an ninh con người là “tất cả vì con người”, “con người làm trung tâm trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia”. Theo đó, việc xây dựng tiêu chí, chỉ số đo lường về an ninh con người được dựa trên các nhân tố: an ninh kinh tế; an ninh sức khỏe; an ninh môi trường; an ninh xã hội. Tùy thuộc vào thời gian, môi trường, điều kiện, hoàn cảnh nhất định cần phải nhấn mạnh và bảo đảm về an ninh con người. Theo đó, cần nhận thức an ninh con người là an ninh, an toàn của con người trong cuộc sống. Con người đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của đại dịch hiện nay và của xã hội là hoàn toàn đúng. Xã hội suy cho cùng là xã hội của con người và vì con người. Thực hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu(14).
Thứ hai, việc phòng, chống dịch Covid-19 chưa có tiền lệ với nhân loại, Việt Nam tiếp tục vừa phòng, chống dịch, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Ứng phó với đại dịch là vấn đề quan ngại gây căng thẳng cho người dân. Sự sợ hãi và lo lắng về một căn bệnh mới và những diễn biến sẽ xảy ra như thế nào khi mắc căn bệnh này. Không chỉ dừng lại ở hậu quả của căn bệnh gây ra, người dân còn chịu nhiều sức ép từ việc cách ly giao tiếp xã hội, việc làm này có thể khiến mọi người cảm thấy bị cô lập, bị kỳ thị vì là bệnh nhân của Covid-19. Dịch Covid- 19 đã gây ra nỗi sợ hãi, nhưng đó cũng chính là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi về bảo vệ và nâng cao sức khỏe của chính bản thân của mỗi cá nhân. Có thể thấy rằng, an ninh con người trong đại dịch bị ảnh hưởng rất lớn; tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp nhất là sức khỏe của mỗi con người, của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó vai trò quan trọng là Nhà nước làm sao có thể bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người, do đó Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền con người. Việc áp dụng một số biện pháp cấp thiết trước mắt hiện nay như đóng cửa biên giới, kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, khai báo y tế, cách ly toàn xã hội, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, quản lý nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm nguy cơ cao và trường hợp cần cách ly, lên phác đồ điều trị do chưa có vắc xin phòng bệnh là việc hết sức cần thiết. Cho dù, thời điểm này có thể hạn chế một số quyền con người như quyền tự do đi lại, quyền về việc làm, quyền tự do kinh doanh, nhưng đảm bảo được lợi ích cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh.
Thứ ba, giảm thiểu những khủng hoảng đối với cuộc sống của người dân trong đại dịch. Mối đe dọa của đại dịch Covid-19 đang hiện hữu, Việt Nam có hàng trăm người đã chết(15) và hơn 30.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thảm kịch sẽ còn tồi tệ hơn nếu Việt Nam không quan tâm đến các tác động tiêu cực rộng lớn của đại dịch này. Điều quan trọng là Việt Nam cần sớm có những biện pháp phản ứng hạn chế tối đa những tác động trong trường hợp xảy ra đại dịch, trang bị đầy đủ về mặt khoa học, trang thiết bị cần thiết bảo đảm quyền tiếp cận với dịch vụ y tế của tất cả mọi người dân. Tăng cường khả năng hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm, bảo đảm khi xuất hiện các mối đe dọa của dịch bệnh có thể cảnh báo, kích hoạt, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, thậm chí “đóng băng nguy cơ”. Nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng để tiến tới hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hạn chế những hoạt động có sự tương tác đông người (du lịch, lễ hội, quán bar…), nhất là tại những điểm nóng về dịch bệnh. Cần tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sự lây lan của virus như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng, rửa tay thường xuyên. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của ngành y tế quốc gia và quốc tế, nhất là đầu tư nhân lực, vật lực, tài chính cho các trung tâm, các công ty dược phẩm nghiên cứu, sản xuất vắc xin; bổ sung cơ chế, chính sách, dự án cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khả năng dự phòng, dự trữ chiến lược quốc gia là những việc làm cấp thiết để hạn chế tác động của dịch bệnh trong tương lai. Trong bối cảnh này, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19 thì việc ban hành văn bản chữa bệnh miễn phí ở Việt Nam được coi là một bước ngoặt trong quá trình bảo đảm sức khỏe của người dân mà không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được.
Thứ tư, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong mối quan hệ với bảo vệ lợi ích của cộng đồng và xã hội. Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong đại dịch Covid-19 trách nhiệm đầu tiên thuộc về Nhà nước. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và quy định nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong bối cảnh khẩn cấp đe doạ sự sống còn của nhân dân, Nhà nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp có khả năng hạn chế việc thực hiện các quyền trong đó có cả quyền riêng tư của cá nhân. Sự hạn chế này nhằm đảm đảm cho mỗi cá nhân và cộng đồng được an toàn trong tình hình phức tạp của dịch bệnh. Việc các chủ thể có thẩm quyền thu thập thông tin cá nhân nếu vì mục đích xã hội là sự lựa chọn tốt nhất cho việc điều trị cho người nhiễm bệnh, truy vết được nguồn lây nhiễm và khả năng lây nhiễm đến cá nhân khác. Khi quy định và thực thi các biện pháp này, Nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền phải đánh giá sự tác động đến việc ảnh hưởng quyền riêng tư của cá nhân. Việc nêu đích danh tên, địa chỉ người mắc bệnh dịch, những nơi mà người đó từng tới, tiếp xúc với người khác trong vòng 14 ngày trước đó, để người khác biết mà khai báo, áp dụng cách ly, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm cộng đồng phải được tuân thủ và đảm bảo nguyên tắc trong trường hợp khẩn cấp và phải đảm bảo tính nhân văn. Đồng thời, chỉ được thu thập thông tin về cá nhân người bị nhiễm, hoặc có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nếu đó là những thông tin cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội. Những thông tin đó chỉ được sử dụng vào mục đích phòng chống dịch, do chủ thể có thẩm quyền tiến hành và công bố. Những thông tin, dữ liệu cá nhân đó trong những trường hợp cụ thể phải được chính cá nhân đó đồng ý.
Thứ năm, huy động toàn bộ lực lượng, quyết tâm chính trị để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngày 21/3/2021, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận về tình hình dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn mới. Nội dung thông báo đã khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Đó cũng chính là quyết tâm của Đảng, Nhà nước bảo vệ cuộc sống an toàn của người dân, dù khó khăn đến đâu thì sức khỏe và tính mạng của người dân luôn được đặt lên trên hết. Quyết tâm đó của Đảng, Nhà nước phải được biến thành hành động trong thực tế đối với tất cả các ban ngành, địa phương và từng người dân. Vì cuộc chiến dập dịch này là trách nhiệm của tất cả mọi người. Chỉ có đồng lòng mới làm nên sức mạnh vượt qua đại dịch, dù đó là thách thức rất nặng nề. Trước tình hình đó, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cần phát huy vai trò xung kích, nòng cốt của từng lực lượng, của toàn dân phòng, chống dịch, nhất là tại những điểm nóng, địa bàn phức tạp, góp phần quan trọng vào việc khống chế, dập dịch Covid-19.
Các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần huy động tối đa mọi nguồn lực, cùng hệ thống chính trị của toàn dân quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với những hành động thiết thực, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch.
Bằng trách nhiệm và lòng nhân ái của mình, mỗi chủ thể trong xã hội tích cực tham gia vận động, ủng hộ kinh phí và vật chất để có thêm nguồn lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn sức khỏe và đời sống nhân dân, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19.
Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần xem xét lại các chính sách của mình và có một chiến lược phù hợp hơn trong tương lai, lập kế hoạch và tạo nguồn dự trữ, đoàn kết và phối hợp chặt chẽ, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, tiếp cận y tế, bao phủ bảo hiểm xã hội đối với mọi người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội; đồng thời, nhấn mạnh bảo đảm quyền con người là vấn đề then chốt để bảo đảm an ninh con người một cách tốt nhất./.
________________________________________________
(1) Nguyễn Nhâm (2017), An ninh con người, Tạp chí Lý luận chính trị số 7.2017.
(2) United Nations Development Program, “New Dimensions of Human Security,” in Human Development Report 1994, p.23, (
http://hdr.undp.org/reports/global/ 994/en/pdf/hdr_1994_ ch2.pdf) (từ đây gọi là HDR 1994).
(5) Commission on Human Security, “Human Security Now,” New York, 2003, p.4.
(6) Tô Lâm (2021), Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 28.3.2021.
(8) “Real-time data show virus hit to global economic activity”,
www.ft.com; truy cập ngày 22.3.2020.
(9) Năm 2020, kinh tế Indonesia tăng trưởng - 2,07%; kinh tế Thái Lan tăng trưởng -6,10%; kinh tế Philippines tăng trưởng - 9,50%; kinh tế Singapore tăng trưởng -5,40%; kinh tế Malaysia tăng trưởng - 5,6%.
(10), (11) Hà Thanh (2021), Đại dịch Covid-19 với vấn đề an ninh con người; tại trang Việt Nam thịnh vượng; truy cập ngày 30.5.2021.
(12) Theo Natalie Higgins: Coronavirus: When home gets violent under lockdown in Europe,
https://www.bbc.com/news/ world-europe-52216966; truy cập ngày 23.5.2021.
(13) Trần Việt Hà, Lương Thị Thu Hường (2021), An ninh con người - mục tiêu, động lực bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam; Tạp chí Tuyên giáo; truy cập 01.6.2021.
(14) Vũ Văn Hiền, Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện hội nhập quốc tế; tại trang Thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung ương; truy cập ngày 20.5.2021.
(15) Theo Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid -19 Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 13.7.2021 có 125 người chết và 32.199 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bình luận